Nghề nghiệp trong phim - Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ

Chuyện nghề trong phim mình
Nghề nghiệp trong phim - Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ

Trong hầu hết các bộ phim đều ít nhiều đề cập đến nghề nghiệp, không trực tiếp cũng gián tiếp qua các nhân vật. Tuy nhiên, lâu nay ít bộ phim nào của Việt Nam khắc họa ra “chân dung” nghề, khiến người xem tâm phục khẩu phục. Những diễn viên sau khi được khoác lên mình tấm áo nghề nghiệp để hóa thân vào nhân vật thì thường y chang nhau, từ phim này sang phim khác…

Chuyện nghề trong phim mình

…Nếu đã là một anh bộ đội xuất ngũ thì phải khắc khổ, ốm ốm; nếu đã là thầy giáo thì nét mặt phải nghiêm trang, đạo mạo từ phong thái đến hành xử; còn đã là một tay anh chị thì lúc nào cũng đeo mắt kính đen, gương mặt bặm trợn, hung dữ… Đấy là những hình mẫu đặc thù về nghề nghiệp xuất hiện trong hầu hết phim Việt Nam, ấy là chưa nói về những ngành nghề cụ thể gắn liền với nội dung phim.

Phim “Những cô gái chân dài”.

Phim “Những cô gái chân dài”.

Bộ phim “Blouse trắng” nói về giới y bác sĩ, với nhiều cảnh quay được thực hiện ở một bệnh viện, tuy nhiên khi phát sóng, bộ phim khiến không ít người làm trong ngành nghề này lên tiếng phản ứng.

Bộ phim “Nghề báo” nói về công việc của những người làm báo nhưng chính những người trong cuộc lại xa lạ với những gì diễn ra trên phim.

“Những cô gái chân dài” được xem là khá thành công khi miêu tả thế giới người mẫu và cả những mặt tối phía sau sàn catwalk, song người xem vẫn chưa thực sự “đã” so với thực tế cuộc sống.

Bộ phim “Cô nàng bất đắc dĩ” đang chiếu trên giờ vàng của VTV3, nói về một nhân vật là phó tổng biên tập Tạp chí Hào Hoa, bối cảnh chủ yếu diễn ra trong tòa soạn này nhưng gần chục tập phim đã phát sóng mà người xem chưa thấy mặt mũi tờ tạp chí ra sao. Còn các phóng viên, biên tập viên của tạp chí thì chẳng làm gì ngoài tìm cách chơi xỏ lẫn nhau…

Có thể nói phim về các ngành nghề đang bắt đầu định hình ở Việt Nam. Nghề M.C có “Tôi là ngôi sao”, chứng khoán có “Sóng gió thương trường”, nghề thiết kế thời trang có “Cô gái xấu xí”, nghề quảng cáo có “Chuyện tình công ty quảng cáo”, “Xin lỗi tình yêu”, “Ván cờ tình yêu”… Đó ít nhiều là những ngành nghề thời thượng, có sức hút, tập trung những người trẻ trung, năng động, công việc đầy màu sắc và cũng không ít tính cạnh tranh, đủ sức tạo nên sức hấp dẫn trong các bộ phim.

Tuy nhiên, cũng chính ở các bộ phim này, ngành nghề chỉ là cái cớ để các nhà làm phim đề cập tới vấn đề khác như tình yêu, sự ganh đua… Vì vậy, sự mô tả về nghề trong phim vẫn còn khá hời hợt. Phải chăng nghề nghiệp không mang lại sự hấp dẫn, hay tay nghề và kiến thức của các nhà làm phim chưa đạt đến trình độ thổi vào phim tính chân thật để thuyết phục khán giả?

Và nghề trong phim người

Giới nhà nghề thường cho rằng phim Hàn Quốc “sến”, chỉ thích hợp cho các bà nội trợ, tuy nhiên hãy xem những bộ phim nói về ngành nghề của họ thì thấy khác hẳn. “Anh em nhà bác sĩ” là một ví dụ nói về ngành y. Bối cảnh của bệnh viện, áp lực công việc, những ca cấp cứu, những lát dao mổ, ánh đèn trong phòng mổ… được mô tả hết sức kỹ lưỡng.

Người xem như chứng kiến một bệnh viện thực sự với đầy đủ cả tính nghề lẫn tính đời. Những diễn viên hóa thân vào vai các y, bác sĩ không khác gì hình ảnh các y, bác sĩ trong tâm tưởng của khán giả.

Một bộ phim nữa đó là “Nàng Dae Jang Geum” nói về một nữ thần y trong cung. Ngoài số phận của các nhân vật, chiếm một thời lượng lớn trong phim là cảnh chế biến những món ăn bổ dưỡng trong cung đình, những cuộc thi thể hiện tay nghề, tất cả đều được quay cận cảnh, từng món gia vị, cách chế biến… Kịch tính trong phim thể hiện không ít ở những cảnh như thế.

Người xem có cảm giác, bộ phim là một cuốn bách khoa toàn thư về ẩm thực của Hàn Quốc và mỗi diễn viên đều là những đầu bếp tài năng thực sự.

Nói về thế giới người mẫu với những khắc nghiệt cũng như hào quang, Hàn Quốc có bộ phim nổi tiếng “Người mẫu”, từng thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả truyền hình Việt Nam. Một thế giới của những người mẫu mở ra dưới con mắt người xem với những gì sâu sắc nhất, ngọt ngào và cay đắng nhất.

Hay gần đây là bộ phim “Họa sĩ gió” đang phát sóng trên HTV3 mỗi tối thứ 6 hàng tuần, câu chuyện về giới họa sĩ cung đình được kể bằng con mắt nhà nghề của những người am tường hội họa…

Lấy Hàn Quốc để làm ví dụ vì đây cũng là quốc gia châu Á gần với Việt Nam. Còn rất nhiều bộ phim thể hiện sự chân thật thông qua các ngành nghề của các quốc gia khác có đẳng cấp hơn hẳn. Trung Quốc nổi tiếng với các bộ phim về phòng chống tội phạm của các cơ quan an ninh.

Với phim Mỹ thì khỏi phải nói, đề cập tới ngành nghề nào, họ đưa hẳn chuyên gia của lĩnh vực, ngành nghề ấy theo sát quá trình thực hiện phim…

Nhiều lý do khiến cho việc thể hiện về ngành nghề trong phim Việt Nam thiếu hấp dẫn, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất đó là sự thiếu tìm hiểu, đào sâu vào ngành nghề mà các bộ phim muốn đề cập.

Không thể chỉ nhắc đến công ty đó, mặc đồng phục công ty đó, là nói lên được bản chất của ngành nghề mà bộ phim hướng tới. Để thuyết phục khán giả, không nên bỏ qua những yếu tố xem chừng là nhỏ này.

Hạ Chinh

Tin cùng chuyên mục