Nghệ nhân Minh Hoàng và kỷ lục cây cảnh độc, lạ

Toàn thân từ gốc lên ngọn của cây mai chiếu thủy được uốn ghép thành hình dạng một chiếc độc bình vô cùng tài tình, khéo léo.
Vợ chồng anh Đỗ Minh Hoàng bên “báu vật” của mình
Vợ chồng anh Đỗ Minh Hoàng bên “báu vật” của mình

Cách đây 2 năm, giới mộ điệu cây cảnh, bon sai đã có dịp ngất ngây trước vẻ cổ kính cùng dáng vóc đường bệ đến lạ kỳ của “cụ” mai chiếu thủy có tuổi đời gần 500 năm ở TP Huế. Giờ đây, những ai biết đến cây mai chiếu thủy hình dạng “chiếc độc bình” của nghệ nhân cây cảnh Đỗ Minh Hoàng, ngụ tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM đều không khỏi thán phục trước tài uốn cây, tỉa cành cũng như đôi bàn tay tài hoa, khiếu thẩm mỹ và óc sáng tạo tuyệt vời của người yêu cây...

Nhân dịp tác nghiệp tại Hóc Môn, dừng chân ghé thăm vườn cây kiểng Minh Hoàng, rót nước mời khách, ông chủ vườn mở đầu câu chuyện về cây với giọng khá hào hứng: “Nói anh em nghe, mình mới vừa sưu tầm được một báu vật rất độc”. Anh ra hiệu cho mọi người đi theo mình, chỉ tay vào cây mai chiếu thủy lá xanh mướt hình bầu dục khá lạ đang sừng sững tắm nắng trong sân, anh Hoàng nói: “Chiếc độc bình cô đơn đó”. 

Đúng như lời chủ cây, toàn thân từ gốc lên ngọn của cây mai chiếu thủy được uốn ghép thành hình dạng một chiếc độc bình vô cùng tài tình, khéo léo. Chiều cao của cây từ gốc lên ngọn là 1,5m, đường kính xấp xỉ 1,3m, hai vòng tròn phần tán lá phía trên chóp và dưới gốc (đường kính 1,6m) xòe tròn đều đặn tạo thành hai vành, tựa như đế và miệng của một chiếc độc bình.
“Tính độc đáo và độ công phu của người nghệ nhân tạo hình cho cây thể hiện ở việc nối ghép tài tình làm cho 18 nhánh cây vươn lên từ một gốc, đan lại với nhau một cách liền lạc như mắt lưới nhưng không để lại dấu vết nối ghép nào. Và cũng chính điều độc đáo này làm cho người xem tưởng chừng như từng nhánh cây mọc lên và đan lại với nhau một cách tự nhiên không qua bàn tay can thiệp của con người”, anh Hoàng diễn giải.

Chia sẻ về cái duyên may mắn khi tậu được một trong những cây mai chiếu thủy “siêu độc” và “siêu lạ” có một không hai ở Việt Nam, anh Hoàng cho biết, cách đây hơn 2 năm, trong một dịp tình cờ mang cây cảnh đi giao lưu tại hội chợ ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), anh có dịp làm quen với nghệ nhân cây cảnh Huỳnh Phước Huyền.

Về tham quan vườn cây cảnh của anh Huyền tại Măng Thít (Vĩnh Long), anh Hoàng đã lặng mình ngắm nhìn mê mẩn cây mai chiếu thủy mà anh đặt cho tên gọi là “chiếc độc bình cô đơn” do lão nghệ nhân Sáu Anh, một người bà con của anh Huyền, cũng là bậc thầy trong nghề cây cảnh, đã dành gần như cả đời người để tạo dáng. Trở về, trong đầu anh Hoàng lúc nào cũng ẩn hiện hình dáng của cây. Sau nhiều lần trở lại Vĩnh Long, bày tỏ với chủ cây niềm đam mê, thú chơi, sưu tầm cây cảnh, tâm nguyện của anh Hoàng đã lay động được gia đình anh Huyền để trao lại “báu vật” của dòng họ cho chủ mới chăm dưỡng.

Đưa mắt chăm chú nhìn “đứa con tinh thần” của mình, anh Hoàng kể: cụ Sáu Anh là người đam mê cây từ lúc còn nhỏ, do gia đình cũng có nghề trồng và mua bán cây cảnh. Bên cạnh đó, cụ còn là thợ may. Cụ bắt đầu tạo dáng độc bình cho cây mai chiếu thủy lúc mới ngoài 20 tuổi. Các nhánh mai được cụ uốn ghép bằng cách buộc dây vải. Để mỗi một nấc cây, một mối ghép ăn liền nhau phải mất 2-3 năm. Trong suốt thời gian đó, người nghệ nhân tài hoa phải suy nghĩ tỉ mỉ về phương án, cách đấu các mối ghép tiếp theo sao cho thật đều, ăn khớp từng mắt một. Cứ thế ròng rã suốt 57 năm, chiếc độc bình dần dần thành hình, còn người tạo ra nó giờ tóc đã bạc phơ. Tôi khâm phục sức sáng tạo và sự kiên nhẫn của cụ Sáu. Ngày đó, nguyên vật liệu để tạo dáng cây chỉ là kẽm, dây vải; cây trồng dưới đất, không có đầy đủ phương tiện kỹ thuật phụ trợ hiện đại như bây giờ mà cụ lại làm được tác phẩm ngoài sức tưởng tượng như vậy. Đúng là công trình tâm huyết của cả một đời người yêu cây, rất hiếm thấy”.

Tuy mới bước vào nghề trồng, sưu tầm, mua bán cây kiểng hơn chục năm qua nhưng nghệ nhân Đỗ Minh Hoàng đã có trong tay một gia tài cây cảnh khá đồ sộ với hơn 3.000 gốc mai vàng, hàng trăm chậu cây kiểng các loại, vừa phục vụ cho mục đích thưởng ngoạn, trang trí, vừa có giá trị cao về phong thủy. Ngoài cây mai chiếu thủy hình chiếc độc bình hiếm có nêu trên, nghệ nhân Minh Hoàng còn sở hữu trong tay một số tác phẩm bon sai, cây cảnh độc đáo khác như: cây khế trăm tuổi hình dạng kỳ lân, cây mai chiếu thủy hình dạng máy bay trực thăng, cây xanh cổ thụ niên đại gần 200 tuổi... 

Tuy mới bước vào nghề trồng, sưu tầm, mua bán cây kiểng hơn chục năm qua nhưng nghệ nhân Đỗ Minh Hoàng đã có trong tay một gia tài cây cảnh khá đồ sộ với hơn 3.000 gốc mai vàng, hàng trăm chậu cây kiểng các loại, vừa phục vụ cho mục đích thưởng ngoạn, trang trí, vừa có giá trị cao về phong thủy. 

Và cũng ít ai biết rằng, “ông cây cảnh Minh Hoàng”, theo cách gọi thân mật của bạn bè, còn là một mạnh thường quân sống rất có tâm với cộng đồng. Anh tham gia các phong trào từ thiện xã hội tại địa phương. Với những người nông dân khó khăn, mới bước vào nghề trồng cây cảnh, ông chủ vườn tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ chỉ bảo kinh nghiệm vun trồng, chăm sóc cây, thậm chí hỗ trợ cả về vốn liếng. Chính những hoạt động có ích cho cộng đồng đó, nên ngoài danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi” nhiều năm liền, anh Hoàng còn được Hội Nông dân TP và huyện Hóc Môn trao tặng nhiều bằng khen khác nhau về thành tích hoạt động từ thiện xã hội.

Chia tay chúng tôi anh Hoàng “bật mí”, vào đầu tháng 5 tới đây cây mai chiếu thủy độc bình của anh sẽ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác lập kỷ lục về “Tốp bộ sưu tập cây cảnh độc - lạ tại Việt Nam” trong chương trình Hành trình tìm kiếm và quảng bá các Bộ sưu tập cây cảnh độc đáo tại Việt Nam. “Tôi cho đây là vinh dự lớn trong sự nghiệp trồng, sưu tầm cây cảnh của mình. Còn sức lực, tôi còn đeo bám, gắn bó với nghề. Những ai có cùng sở thích hay muốn giao lưu, trao đổi hiểu biết, kiến thức về thú chơi, sưu tầm, chăm sóc cây cảnh cứ ghé vườn cây cảnh Minh Hoàng, tôi sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm mà mình tích lũy được”, ông chủ vườn vui vẻ nói.



Tin cùng chuyên mục