Nghệ sĩ phải là chứng nhân của thời đại mình

Có 55 năm hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, trong đó đến 45 năm liên tục làm công tác đào tạo, giảng dạy tại các trường mỹ thuật, NGND Uyên Huy là một họa sĩ giỏi nghề, một người thầy tận tâm với các thế hệ nghệ sĩ trẻ. Hơn ai hết, ông còn là một thủ lĩnh đầy trách nhiệm, tâm huyết, luôn đau đáu với mỹ thuật nước nhà. 

1. Họa sĩ Uyên Huy cho rằng, người ta hay ví von, nói vui rằng nghệ thuật là sân chơi, nhưng ông không nghĩ vậy. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ nhận thức. Tư duy thực hành nghiên cứu sáng tạo nên tác phẩm mỹ thuật không phải là trò chơi, bởi lẽ, nghệ sĩ đã hy sinh, cống hiến đời mình cho nghệ thuật, cho con người, cho cuộc sống và luôn sáng tạo bằng trái tim yêu nghề, lòng tự trọng nghề nghiệp. 

Trong nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, để có được cái riêng từ phong cách, khuynh hướng, thủ pháp, bút pháp đến thể hiện cái tôi của người nghệ sĩ là cả quá trình miệt mài, khám phá và sáng tạo. Đây là lý tưởng sống, là lý tưởng nghệ thuật vô cùng cần thiết, đáng trân trọng.

Họa sĩ Uyên Huy tâm niệm: “Trong giao tiếp, nghệ sĩ không nên quá chủ quan, tự mãn, kiêu ngạo để rồi áp đặt cái tôi của mình cho người khác. Bởi vì, mỗi cá nhân có một thế giới riêng cần được sự tôn trọng. Nghệ sĩ nên tránh sự độc tôn, bảo thủ trong tư duy sáng tạo nghệ thuật”. 

Từ dòng chảy mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975, nhanh chóng hòa nhập vào giới mỹ thuật cách mạng sau ngày miền Nam giải phóng, họa sĩ Uyên Huy tìm gặp sự đồng điệu, hài hòa giữa cái tôi của một họa sĩ với cái chung của thời đại.

Ông luôn cho rằng, họa sĩ trước hết phải gắn bó với đời sống xã hội, rung động cùng những xúc cảm của con người và nhạy bén bắt nhịp được vấn đề của thời đại. Sự đối thoại của người nghệ sĩ với xã hội, với thời đại thể hiện khá mạnh mẽ qua quá trình sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Uyên Huy. 

Sài Gòn - TPHCM với hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ các tiền nhân yêu nước, đến công cuộc bảo vệ Tổ quốc của người dân, đã được ông khái quát bằng nhiều tác phẩm mỹ thuật khổ lớn. Ngoài ghi lại ấn tượng từ các vùng miền đất nước, giới nghệ thuật phải trầm trồ trước những tác phẩm của ông về hình ảnh người lính, bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia.

Tất cả được thể hiện cách điệu sắc sảo và tinh tế trong tranh của ông. Họa sĩ cho rằng, về tâm thức sáng tạo, nếu người nghệ sĩ thiếu sự chân thành, bị áp đặt trong nhận thức và xúc cảm thì sẽ dễ bị khô cứng, ức chế tâm hồn. Tâm trạng lo lắng dễ trở thành yếu tố cản trở trong tư duy, thực hành sáng tạo nghệ thuật. 

2. Hơn nửa thế kỷ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, họa sĩ Uyên Huy có đến 45 năm liên tục làm công tác giảng dạy tại các trường như Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, Đại học Kiến trúc TPHCM, Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ông đã góp sức đào tạo nên nhiều thế hệ học trò trong ngành mỹ thuật và không ít người trong số họ nay đã thành danh, trở thành những gương mặt trẻ đáng tin cậy, những gương mặt nổi bật của mỹ thuật đương đại.

Nghệ sĩ phải là chứng nhân của thời đại mình ảnh 1 Đồng nghiệp và học trò chúc mừng NGND - họa sĩ Uyên Huy tại triển lãm cá nhân  thứ 11 của ông ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM
Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông tâm sự rằng, nhiều người bày tỏ suy tư, trăn trở về nền nghệ thuật nước nhà. Có người không khỏi lo âu, liệu giới trẻ ngày nay ứng xử thế nào với văn hóa, với nghệ thuật truyền thống dân tộc?

“Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản, được giao lưu học tập với bạn bè thế giới. Hơn hết, họ là những người có ý thức gìn giữ văn hóa của dân tộc, ý thức tôn trọng nền nghệ thuật mang bản sắc Việt Nam. Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ người Việt, sống trong nước cũng như nước ngoài, tìm kiếm cơ hội sở hữu tranh Việt, từ tác phẩm của các bậc thầy, tên tuổi lớn của mỹ thuật Đông Dương đến nhiều gương mặt đương đại. Họ đã nhận thức và ý thức được việc gìn giữ những giá trị nghệ thuật của dân tộc. Đó là một minh chứng và là tín hiệu đáng mừng”, ông lý giải.

Cuối năm 2016, đầu năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam diễn ra cuộc thi “Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp” do Gallery Nguyen tổ chức. Ông nói, càng có nhiều cuộc thi như thế này sẽ càng tạo cơ hội tốt cho các bạn trẻ thể hiện tài năng, mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình. Ông vui ra mặt khi lần đầu tiên, mỹ thuật trẻ Việt Nam được quan tâm, đầu tư bằng giải thưởng lên đến hàng tỷ đồng và cơ hội đến với các nhà sưu tập quốc tế là rất lớn. 

Không chỉ sáng tác và giảng dạy, NGND - họa sĩ Uyên Huy còn có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn sách mỹ thuật phục vụ cho đào tạo, lý luận lịch sử mỹ thuật. Hàng chục đầu sách đã xuất bản của ông trở thành giáo trình cho sinh viên chuyên ngành mỹ thuật ở các trường đại học. Trong đó, 5 tác phẩm sách của ông đã nhận được Giải thưởng Lý luận mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM.

Nhắc đến NGND - họa sĩ Uyên Huy, người ta còn biết đến một vị thủ lĩnh đầy nhiệt huyết. Những vấn đề của mỹ thuật hiện tại, tương lai của mỹ thuật nước nhà luôn là nỗi niềm đau đáu của ông. Chúng tôi đã từng chứng kiến ông đề cập thẳng thắn với các cấp lãnh đạo, trong những lần văn nghệ sĩ TPHCM gặp gỡ lãnh đạo trung ương và TPHCM, đó là: TPHCM chưa có một thiết chế văn hóa nào được xây dựng xứng tầm với đô thị hiện đại bậc nhất; không gian cho nghệ thuật và mỹ thuật đã xuống cấp, lạc hậu; hệ thống tượng đài TPHCM rất cần quy hoạch bài bản; tiếng nói của nghệ thuật chưa được trân trọng thì việc đầu tư cho văn hóa nghệ thuật tương xứng với phát triển kinh tế vẫn là niềm ước mơ.

Tin cùng chuyên mục