Nghệ thuật cho thiếu nhi đợi chuyển mình

Nghệ thuật dành cho thiếu nhi, lâu nay không chỉ được coi là mảnh đất tiềm năng mà còn được chỉ ra như một công cụ “đòn bẩy” của sân khấu, khi góp phần nuôi dưỡng, ươm mầm thế hệ khán giả tương lai. Tiếc rằng, một phần do tư duy mùa vụ, phần khác do ảnh hưởng của hai năm dịch bệnh, năm nay, các nhà hát vẫn chưa đầu tư mạnh tác phẩm dành cho khán giả nhỏ tuổi.

Đón mùa tết thiếu nhi, nhiều nhà hát liên tục đưa ra vở diễn, chương trình nghệ thuật dành riêng cho khán giả nhỏ tuổi. Hòa chung không khí, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt dự án nghệ thuật đặc biệt “Mùa hè yêu thương” dành cho thiếu nhi. Dự án gồm vở nhạc kịch Bầy chim thiên nga, vở kịch Cuộc chiến vi rút và vở kịch Vaxilixa và phù thủy độc ác.

Nhà hát Kịch Hà Nội cũng phục vụ khán giả nhí bằng vở Hai viên ngọc thần (còn có tên khác là Sự tích dã tràng). Liên đoàn Xiếc Việt Nam sau một thời gian dần thích nghi với việc hạn chế sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn cũng đã có một chương trình xiếc thú với tên gọi Chúa tể rừng xanh.

Môi trường xã hội, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, internet, điện thoại thông minh đã tác động nhiều tới thị hiếu, cách thưởng thức của trẻ em. Nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ không thích, không bị thu hút bởi các chương trình sân khấu. Vài năm trước, trẻ em Hà Nội từng yêu thích với những đêm biểu diễn bong bóng của kỷ lục gia Fanyang. Những hàng ghế không còn một chỗ trống, những khuôn mặt háo hức, chỉ chực reo lên sung sướng khi dõi theo từng động tác của nghệ sĩ trên sàn diễn.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những nỗ lực của các nghệ sĩ khi xây dựng các chương trình nghệ thuật dành riêng cho trẻ em. Song, có lẽ cố gắng thôi chưa đủ, bởi khi thế giới xích lại gần nhau hơn nhờ công nghệ thì tất yếu sẽ có sự so sánh, lựa chọn. Hoạt hình 2D là ví dụ, đúng là cũng hay, chuyển tải những câu chuyện ý nghĩa, nhưng dường như hình thức chuyển tải cũ kỹ quá, không đủ sự biến ảo, kỳ diệu, bắt mắt so với phim làm theo công nghệ mới 3D, 4D. Với sân khấu cũng vậy, nghệ sĩ tài năng thôi chưa đủ mà cần phải có kịch bản bắt nhịp được với cảm xúc, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của khán giả, phải có công nghệ hỗ trợ để tạo sự tương tác và hơn hết, phải mang lại cho các em cảm giác chân thực. 

Để làm được điều này, hẳn là không đơn giản nếu vẫn tiếp tục giữ tư duy thời vụ mà không có những đề án có quy mô lớn mang tính đột phá.

Tin cùng chuyên mục