Nghiêm túc bảo vệ bảo vật

Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc đang trực tiếp quản lý bảo vật quốc gia, nghiêm túc thực hiện việc bảo vệ bảo vật quốc gia. 

Đây được coi là một giải pháp tình huống nhằm hạn chế tình trạng cổ vật, bảo vật quốc gia bị xuống cấp, mất mát, hư hại sau sự việc vệ sinh bức tranh sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí bằng nước rửa chén.

Trong văn bản này, Bộ VH-TT-DL yêu cầu tổ chức xây dựng hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, sau khi trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, lưu ý có biện pháp phòng chống cháy nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia. Đối với bảo vật hiện đang được lưu giữ tại các di tích (chuông, bia đá, tượng…), phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các cơ quan văn hóa, công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ, phân định rõ tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm chính, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích. 

Rất nhiều yêu cầu chi tiết khác cũng được đề cập như: ưu tiên đầu tư kinh phí cho cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày; tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của các tổ chức khoa học, các chuyên gia theo từng loại hình, chất liệu, tình trạng của bảo vật; kịp thời, chủ động báo cáo, đề xuất với cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan về các vấn đề ảnh hưởng đến bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia… 

TS Nguyễn Quốc Quân, người có nhiều năm gắn bó với di sản, không ít lần đề cập tới việc cần một cơ chế đặc thù với hiện vật đặc biệt này và nhấn mạnh việc bỏ đi sự tôn vinh mang tính hình thức để đầu tư cho chuyên môn. “Thay vì tổ chức những buổi lễ đón nhận hoành tráng, rình rang, tốn kém thì nên xây dựng một quỹ tu bổ hoặc một mô hình trưng bày riêng để nhận diện, tôn vinh dành riêng cho bảo vật quốc gia”, TS Quân nói. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đề xuất có một bệnh viện dành riêng cho cổ vật để tinh hoa, di sản của cha ông không bị hủy hoại, xuống cấp, mất mát bởi ngoại cảnh hay bởi chính sự vô minh của người đang chịu trách nhiệm bảo vệ trông giữ. 

Đã một thời gian dài nhiều địa phương, đơn vị có báu vật trong tay mà bỏ bê, hờ hững khiến bảo vật đối diện với nguy cơ bị trộm cắp, xâm hại. Ngoài danh tác sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc bị tổn hại thì có thể kể nhiều trường hợp bảo vật bị xâm hại khác, như: tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay - bảo vật quốc gia ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) bị rơi rụng nhiều chi tiết do du khách hành hương thiếu ý thức; tượng Quán Thế Âm chùa Mễ Sở - pho tượng cổ có nhiều tay nhất ở nước ta (1.113 tay và 1.113 mắt) cũng đã từng bị trộm và may mắn tìm lại được ở… giữa đường.

Bài học từ chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” với di sản vẫn còn nguyên giá trị. Văn bản của Bộ VH-TT-DL tuy có muộn, song hy vọng phần nào thức tỉnh thái độ “thờ ơ, thiếu trách nhiệm” trong lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục