
(SGGP 12 G).- Hiện tượng nghiện điện thoại xuất hiện nhiều ở Hàn Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản… Giờ đây, cơn sóng ngầm này dường như đã lan sang Việt Nam….
“Không có điện thoại chắc chết mất!”

Điện thoại mọi lúc... mọi nơi!
Nhiều bạn trẻ bình thản thốt lên như vậy khi trả lời câu hỏi: “Bạn sẽ sống thế nào nếu thiếu điện thoại?”.
Hiện nay, sở hữu một “chú dế” không còn khó. Điện thoại là phương tiện liên lạc, giải trí, cập nhật thông tin… hữu hiệu. Nhưng do thói quen sử dụng, một bộ phận giới trẻ có dấu hiệu phụ thuộc vào nó.
Gia đình Hoài Nam (18 tuổi) làm chủ kinh doanh quầy điện thoại khá lớn. Cậu sớm làm quen với các “chú dế” đắt tiền. Từ nhỏ, bố mẹ Nam đã thoải mái cho cậu chơi game, điện đây đó… Những lần Nam không ăn cơm hay bị điểm kém, ông bà còn lấy điện thoại làm “mồi nhử”! Lên lớp 8, Nam đã sở hữu một chiếc điện thoại cực xịn. Thế nhưng, cậu vẫn liên tục đòi “lên đời” điện thoại. Tính sơ sơ đến giờ, hơn 20 chiếc điện thoại đã qua tay “cậu chủ”. Nam thật thà bảo: “Không hiểu sao, thấy điện thoại cũ tớ khó chịu lắm. Bữa nay điện thoại ngày càng nhiều chức năng, đẹp, rẻ… nên tớ cho nó lên đời thôi!”.
Chiếc điện thoại nắp trượt khá điệu được Linh (21 tuổi) “cưng như bạn trai”. Nó không chỉ là phương tiện giải trí, mà còn là cầu nối giữa cô và “người ấy”. Những tin nhắn ngọt ngào, các cuộc gọi dài… chắp cánh cho tình yêu hai người. Ngày nào, Linh cũng bỏ ra 2, 3 tiếng đồng hồ bên chiếc điện thoại. Vui, buồn, hờn, ghen… đều từ chiếc điện thoại mà ra. Thành quen, ngày nào chàng không gọi hay gửi tin… hôm ấy nàng lại thấy bứt rứt. Nhiều lúc Linh cảm giác nghe tiếng chuông điện thoại reng, vồ vập nghe máy rồi thất vọng bởi hóa ra nàng… tưởng tượng. Bạn cùng phòng Linh tâm sự: “Tớ lo cho nó quá! Cứ thế này chắc nó mắc bệnh”.
Được bố mẹ tặng chiếc điện thoại đa chức năng sau khi đậu đại học, Nga thực sự hạnh phúc. Ngủ, tắm, vào lớp, thậm chí đi… vệ sinh, lúc nào điện thoại cũng kè kè bên cô. Khi không có việc gì làm, cô liên tục kiểm tra tài khoản, bấm vơ vất… trong vô thức. Mấy hôm nay điện thoại hỏng, Nga phờ phạc như mất ngủ.
Khó tìm ra “thuốc chữa”
Không dễ phát hiện người nghiện điện thoại với người “mới quen tay”. Nhiều “tín đồ” chẳng bao giờ nghĩ đến “căn bệnh” này, hay tác hại của nó. Người lờ mờ nhận ra cũng “Kệ! Nó có giống thuốc lá, ma túy đâu mà sợ…”. Vô hình trung, nghiện điện thoại trở thành mối nguy hiểm rất gần nhưng giới trẻ vẫn lạc quan.
Nam một mực khẳng định: Mình hoàn toàn có thể sống thoải mái nếu thiếu điện thoại. Khổ nỗi, cái cách cậu liền tù tì lên đời hay tí toáy ngày 5, 6 tiếng đồng hồ cùng chiếc điện thoại mới cứng… phản bác toàn bộ lời cậu. Bố mẹ Nam thấy con ít chơi bời đàn đúm, rất vừa lòng. Hàng xóm cũng nức nở khen. Chẳng ai biết: Với cậu, những trò vui trên điện thoại thú vị hơn nhiều. Từ bao giờ, Nam khép cửa, chẳng quan tâm gì khác ngoài việc đến trường và nghịch “dế”.
Mặc bạn cùng phòng nghi ngại, Linh vẫn dửng dưng, chẳng lúc nào cô nghĩ đến chuyện mình “mắc nghiện”. Hôm nào “đối tác” không gọi, hộp thư đến trống tin nhắn, nàng tìm cách nhá máy, nhắn tin vớ vẩn… cốt cho bên kia gọi lại mới thôi. Gần đây, ngoài những cuộc gọi của gia đình, người yêu, nàng bắt đầu để ý đến các số điện thoại lạ. Anh chàng không quen nào gọi tới, nàng cũng trò chuyện nhiệt tình. Thời gian dồn vào việc nghe điện thoại, vị trí top ten trong lớp nàng gây dựng xưa kia chẳng cánh mà bay.
Hằng (22 tuổi) và một số người bạn tự nhận là “tín đồ của điện thoại di động”. Cô hiểu rõ lạm dụng nó sẽ ảnh hưởng thế nào. Thậm chí, Hằng từng đọc nhiều bài báo nói về triệu chứng nghiện điện thoại ở Anh, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Bản thân cô lờ mờ nhận ra mình có khả năng nghiện điện thoại. Nhưng thói quen đã ăn vào máu, cô thừa nhận: “Mình cố dùng ít lại, nhưng đúng là khó hơn… nhịn ăn”!
Điều đáng nói là: Nhiều bạn trẻ như Hằng lo ngại nhưng không tìm cách giải quyết. Đến trung tâm tư vấn, gặp chuyên viên tâm lý thì họ ngại, bởi: “Ai lại bảo: Cứu cháu với! Cháu bị nghiện điện thoại”.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần chú ý đến căn bệnh khá lạ tai thời @: bệnh… nghiện điện thoại.
TRƯƠNG QUANG HIỆP