Ngày 10-5-1976, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định thành lập tại TPHCM một “Phòng liên lạc của NXB Kim Đồng” để thay mặt nhà xuất bản liên hệ với cộng tác viên, giao dịch với các cơ quan, các ngành hữu quan trong việc làm sách, in sách tại TPHCM. Đây chính là tiền thân của chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM sau này.
Chi nhánh NXB Kim Đồng ngay từ ngày đầu đã thể hiện sự chủ động, xây dựng và tổ chức hệ thống phát hành phía Nam để “phân phối sách của NXB Kim Đồng tới tay bạn đọc trên cả nước trong cùng một ngày”. Đó là điều mà đến nay nhiều chi nhánh NXB khác chưa làm được.
Chi nhánh có thể hoạt động đồng bộ từ khâu sản xuất đến kinh doanh, từ phát triển đội ngũ cộng tác viên đến xây dựng kế hoạch đề tài, tổ chức bản thảo, biên tập, in ấn và phát hành. Nhiều bộ sách do chi nhánh thực hiện đã nổi tiếng khắp cả nước như Kính Vạn Hoa (45 tập) và Chuyện xứ Langbiang (28 tập) của Nguyễn Nhật Ánh, Năm Sài Gòn (40 tập) của Bùi Chí Vinh; Sống sót vỉa hè (37 tập) của Võ Phi Hùng… Từ năm 2002, chi nhánh đã tổ chức thực hiện tủ sách văn học Tuổi mới lớn, phát hành hai tuần một kỳ. Tủ sách đã trở thành bệ phóng đưa nhiều cây bút trẻ đến với đông đảo độc giả văn chương cả nước.
Và cũng chính từ đó, NXB Kim Đồng trở thành một trong những điểm hẹn lý tưởng nhất cho các nhà văn trẻ hay các bạn trẻ đang tập làm nhà văn. Từ sân chơi này, nhiều nhà văn trẻ tạo được tên tuổi như Dương Thụy, Hoàng Dạ Thi, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy… Nay có thêm những nhà văn trẻ khác đang tạo dựng nét riêng cho mình như La Thị Ánh Hường, Trần Huyền Trang, Đoàn Phương Huyền, Tú Trinh, Huỳnh Tài, Võ Thu Hương, Phương Trinh, Nguyễn Thiên Ngân, Hà Thanh Phúc, Phạm Vũ Ngọc Nga, Nguyễn Thị Yến Linh…
Không phải ngẫu nhiên mà các cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi trong dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch luôn chọn TP là điểm nhấn với sự tham dự của đông đảo các nhà văn trẻ TP. Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM đã trở thành một ngôi nhà chung, một điểm hẹn, bệ đỡ cho các nhà văn trẻ TP.
Tường Vy