Vậy là sau nhiều lần trì hoãn và cân nhắc, cuối cùng trong tuần qua, Bộ Y tế cũng đã quyết định cho phép tăng giá dịch vụ y tế tại 16 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa-Thiên Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn. Cụ thể, mức tăng giá viện phí lần này tại những địa phương trên được tính thêm chi phí tiền lương của cán bộ y tế vào trong viện phí. Theo tính toán của liên bộ Y tế - Tài chính, bình quân mức giá viện phí có tiền lương tăng khoảng 18% so với mức giá hiện nay. Do đó với đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, những dịch vụ kỹ thuật có chi phí tiền lương cao, như: tiền ngày giường bệnh, các phẫu thuật nặng được xếp loại đặc biệt có nhiều y, bác sĩ tham gia thực hiện... sẽ có mức tăng cao. Ví dụ như: Giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực/ghép tạng/ghép tủy… tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 354.000 đồng lên 677.000 đồng/ngày/người, bệnh viện hạng II từ 350.000 lên 569.000 đồng/ngày/người; đỡ đẻ thường từ 525.000 đồng lên 675.000 đồng/ca; cắt amiđan gây mê tăng từ 660.000 đồng lên hơn 1 triệu đồng/ca.
Đáng chú ý, đây là đợt điều chỉnh giá viện phí đầu tiên trong lộ trình đưa tiền lương của cán bộ y tế vào giá dịch vụ y tế. Từ nay đến đầu năm 2017 sẽ tiếp tục có 3 đợt điều chỉnh viện phí đối với các tỉnh, thành còn lại.
Bộ Y tế cũng khẳng định, tăng giá viện phí lần này vẫn chỉ thực hiện đối với người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và việc thực hiện mức giá viện phí bao gồm cả tiền lương về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, hộ cận nghèo... Bởi lẽ, các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ BHYT hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm về cơ bản do Bảo hiểm xã hội thanh toán. Hơn nữa, 16 tỉnh, thành được tăng giá viện phí lần này đều là những địa phương có trên 85% dân số tham gia BHYT, nên việc điều chỉnh viện phí sẽ không bị ảnh hưởng, hay tác động vì chi phí khám chữa bệnh do Quỹ BHYT chi trả. Trong khi đó, theo phân tích của Bộ Tài chính và Tổng Cục thống kê thì đây là thời điểm thích hợp tăng viện phí vì giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, do chưa vào năm học mới nên tránh được tác động cộng hưởng đến CPI của giá dịch vụ giáo dục, hơn nữa CPI hiện đang ở mức thấp. Ước tính điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ tác động vào CPI khoảng 0,3% nên giữ được mức lạm phát trong phạm vi cho phép của Chính phủ và Quốc hội.
Với những nhận định của các bộ, ngành chức năng về việc tăng giá viện phí như nêu trên, xem ra là khá chủ quan. Trong khi thực tế rõ ràng là với mức tăng giá rất lớn trên có thể thấy, viện phí đang tiến dần theo cơ chế giá thị trường, điều này tác động mạnh mẽ tới người dân, cũng như các cơ sở khám chữa bệnh. Các bệnh viện sẽ không còn được nhà nước cấp kinh phí bao cấp, hay hỗ trợ nữa, mà thay vào đó là chuyển đổi sang hình thức giá dịch vụ, để có thêm nguồn thu trả lương phụ cấp cho y, bác sĩ. Viện phí gánh thêm lương của cán bộ y tế cũng đồng nghĩa với việc người dân mỗi khi ốm đau, bệnh tật phải đi bệnh viện sẽ thêm gánh nặng bởi ngoài chi phí thuốc men, khám chữa bệnh, họ sẽ phải trả cả lương cho cán bộ y tế, y bác sĩ.
Mới đây, tại diễn đàn chất lượng bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thẳng thắn thừa nhận, hiện nay, tinh thần, thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận y, bác sĩ và những người làm việc trong bệnh viện còn chưa tốt, việc theo dõi, chăm sóc người bệnh chưa chặt chẽ. Việc mổ nhầm, trả kết quả nhầm và các sự cố, sai sót y khoa đã liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, thậm chí tại cả những bệnh viện đầu ngành đang khiến cho cộng đồng, dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng và làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành y tế, cũng như chất lượng dịch vụ y tế. Cùng với đó, môi trường bệnh viện cũng đang thiếu đi những mảng xanh - sạch - đẹp khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu khi vào bệnh viện. Do đó, vấn đề quan trọng nhất mà cộng đồng xã hội và người dân quan tâm là với việc tăng viện phí rất cao, người dân khi đi khám chữa bệnh được thụ hưởng những lợi ích gì, cũng như phải đối mặt với khó khăn, thách thức nào? Trong khi thực tế, chất lượng dịch vụ y tế tại nhiều bệnh viện hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Viện phí tăng sẽ không tránh khỏi những tác động trực tiếp tới người dân. Thậm chí còn ảnh hưởng sâu sắc hơn vì viện phí cũng đồng nghĩa với nỗi lo ốm đau, bệnh tật và nỗi khốn khổ của không ít người dân, nhất là những người có hoàn cảnh nghèo khó. Ngay những người có BHYT như: người cận nghèo, người lao động… cũng chịu ảnh hưởng khi viện phí tăng. Viện phí tăng cũng kéo theo tiền thuốc men, dịch vụ, sinh hoạt, ăn uống ở bệnh viện cũng tăng theo.
Tăng viện phí theo lộ trình đã được đặt ra là cần thiết đối với sự phát triển chung của đất nước, cũng như của riêng ngành y tế. Tuy nhiên, sau khi tăng viện phí, liệu chất lượng khám chữa bệnh có thực sự được nâng lên; tiêu cực, phiền hà trong khám chữa bệnh có giảm đi; thái độ, y đức của cán bộ y tế phục vụ có được nâng lên hay không... đang là những câu hỏi lớn mà người dân chờ lời giải đáp rõ ràng từ phía ngành y tế.
NGUYỄN QUỐC