Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Hoàng Trầm

Người đào tạo bao thế hệ họa sĩ

Người đào tạo bao thế hệ họa sĩ

Thật vui, thật hạnh phúc, khi chúng tôi được tin thầy nhận được danh hiệu cao quý: Nhà giáo nhân dân. Và phòng tranh cá nhân đầu tiên của thầy cũng sẽ được ra mắt vào ngày 20-11 tới đây. Đó là người thầy kính yêu của nhiều thế hệ học trò Trường Đại học Mỹ thuật: Nhà sư phạm, họa sĩ Hoàng Trầm.

Được học thầy những năm ở Trường Đại học Mỹ thuật là điều may mắn với chúng tôi, bởi vì thầy dạy học bằng tất cả tài năng, tâm huyết và tấm lòng của một nhà giáo tất cả vì học sinh thân yêu. Bài giảng của thầy không chỉ là bài học khô khan trên lớp mà là thầy dạy chúng tôi bằng vốn sống, vốn kiến thức sâu rộng của thầy, thầy còn dạy tất cả những bài học về nhân cách, về đạo đức về sự định hướng trong nghề nghiệp tương lai, bằng tất cả tâm huyết của một nhà sư phạm mẫu mực.

Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Hoàng Trầm bên một tác phẩm của ông. Ảnh: N.S.

Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Hoàng Trầm bên một tác phẩm của ông. Ảnh: N.S.

Hồi đó, khi chúng tôi học thầy, qua những bài vẽ trên lớp, thầy nói chuyện cuộc đời, nói về nghệ thuật đan xen sự nhận xét tinh tế bài vẽ của từng sinh viên, từ đó chúng tôi tự biết mình phải làm bài như thế nào. Thầy quan niệm: “không có học trò dở mà chỉ có thầy giáo dở mà thôi!”. Thật vậy, có những sinh viên cá biệt năm thứ nhất bị Hội đồng nhà trường phê bình là không có khả năng phát triển năng khiếu, nên vẽ tranh rất tệ… Vì là tiếng nói có trọng lượng trong Hội đồng Khoa học của trường, thầy đứng ra nhận các sinh viên cá biệt ấy về lớp để dạy. Kết quả, những sinh viên đó có những tiến bộ vượt bậc, từ điểm 4 của học kỳ trước mà học kỳ sau lên điểm trung bình là 9! Thật đáng khâm phục!

Thầy như người gieo hạt nảy mầm nhân ái, bao dung, khơi gợi niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật trong tâm hồn nhiều thế hệ họa sĩ, nên các học trò được học thầy, nay đã thành danh, cũng có những cảm nhận sâu sắc về thầy.

Nhà giáo ưu tú, thạc sĩ nghệ thuật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM Lê Đàn có những cảm xúc về thầy Hoàng Trầm như sau: “Tôi rất may mắn được học thầy Hoàng Trầm năm thứ 1 và năm thứ 3 tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Lúc bấy giờ, thầy làm Chủ nhiệm Khoa Hội họa. Mỗi lời thầy góp ý bài là những lời chỉ bảo rất ân cần, sâu sắc, dễ hiểu. Thầy nói ít, nhưng trò hiểu được rất nhiều. Vì đó là những trải nghiệm từ vốn sống thực tế và quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của thầy... Thầy luôn là niềm tin, niềm say mê học hỏi của sinh viên. Thầy Hoàng Trầm là một nhà giáo mẫu mực, là tấm gương sáng giúp tôi đứng trên bục giảng đã luôn kính trọng, noi theo cả về tài năng và đức độ của thầy”.

Vì vậy, cứ mỗi năm vào ngày 20-11 chúng tôi dù có đi đâu, làm gì cũng hẹn nhau trở về thăm thầy để được tiếp tục lắng nghe những chia sẻ của thầy. Mỗi lần về thăm, thầy luôn quan tâm hỏi han từng người một, xem công việc như thế nào, có khó khăn gì không, hướng tới giải quyết ra sao? Đôi khi, chúng tôi thấy thầy như một người cha hiền luôn dõi theo từng bước đi của những đứa con của mình. Điều chúng tôi luôn mong ước là thầy có nhiều sức khỏe để sáng tạo những tác phẩm tuyệt đẹp để đời. Các tác phẩm của thầy đoạt được những giải thưởng đáng trân trọng như: “Mẹ kháng chiến” giải A Mỹ thuật toàn quốc năm 1980; huy chương bạc năm 1985 với tác phẩm “Trận địa mới” và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2001.

Chúng tôi rời ghế nhà trường ở lứa tuổi 23, hành trang mang theo bên mình là những kiến thức được trang bị đầy đủ ở nhà trường, trong đó gói hành trang quan trọng là những bài học về cuộc sống được truyền đạt từ thầy, giúp chúng tôi tự tin vững bước vào đời và chúng tôi luôn ghi nhớ mãi lời dạy tiếp theo của thầy: “Thực tế cuộc sống sẽ tiếp tục là người thầy của các em”…

KIM PHIẾN

Tin cùng chuyên mục