Bảo tàng Khánh Hòa nằm trên đường Trần Phú, Nha Trang được mở cửa lại cho khách tham quan từ dịp tết đến nay. Đó là một điểm hấp dẫn bởi bên trong bảo tàng, toàn bộ là tượng đất nung. Lướt qua các tượng đất nung bỗng cảm thấy như đang bước vào một bảo tàng tượng Chăm cổ. Rất nhiều khách nước ngoài khen những tác phẩm đẹp thể hiện tính cách Chăm đến diệu kỳ. Họ ngỡ rằng đây là gốm được làm từ bàn tay của người thợ làm gốm Chăm. Để rồi, khi xem đến những tác phẩm cuối cùng, mới thấy tấm bản tiểu sử của người làm ra những tác phẩm nghệ thuật đó: Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng.
Tạo hồn từ đất, trấu…
Dành dụm tiền, Hùng mua một mảnh đất nằm sâu hút tại thuộc thôn Xuân Lạc 1, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang. Muốn đến phải vòng vèo xe vào những con đường nhỏ như mê trận. Anh tự thiết kế, xây lên căn nhà vôi gạch thẻ Ninh Hòa, không tô. Ở nơi rất xa phố đó, anh đam mê giấc mơ tạo ra các tượng đất nung Chăm nhiều năm nay. Người ta dễ dàng nhận ra nơi anh đang ở vì từ cổng vào nhà chất đầy những bức tượng đất nung.
Cuộc sống dù ồn ào cơm áo, anh vẫn lặng lẽ dành một góc riêng cho mình để những bức tượng Chăm ra đời. Những bức tượng đất nung từ không gian riêng của Hùng, sau đó có một vị trí riêng ở Bảo tàng Khánh Hòa chính là tình yêu nghề, sự khoắc khoải đối với đất sét và lửa.
Hỏi nguyên do nào anh lại say mê với tượng đất Chăm đến thế, anh cười: “Tôi có 10 năm đi khắp mọi miền đất nước để tìm việc, từ Quy Nhơn, Đắk Lắk, Long Xuyên, Phan Rang, Phan Thiết. Chính trong những chuyến đi đó, ghé các làng Chăm đã khiến cho tôi nung nấu một ý nguyện: Tạo ra những tượng Chăm”.
Hùng đã làm một chiếc lò nung đặc biệt để nung tượng gồm trấu và rơm. Trấu cho màu tượng, rơm tạo nên hoa văn trên tượng. Thế là từ năm 2001 những tượng Chăm mang dấu ấn Đoàn Xuân Hùng bắt đầu có mặt. Tượng từ nhà anh lần đến nhà bạn bè, rồi có mặt tại các cuộc trưng bày và cứ thế tiến xa hơn nữa, thành hành trang kỷ niệm cho nhiều du khách đến Việt Nam…
Sau 5 năm lao vào đất và lửa, tượng đất nung Chăm của Hùng thật sự được nhiều người biết đến. Biết đến vì trong mỗi bức tượng là gửi gắm cả tâm hồn Chăm với đề tài muôn thuở của con người: tình yêu, tình mẫu tử xen lẫn là những lễ nghi tôn giáo.
Con đường của tình yêu nghệ thuật
Sinh năm 1960 tại Nha Trang, tốt nghiệp Khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật TPHCM, ngay từ thời còn là sinh viên, Hùng đã có nhiều giấc mơ - trong đó có giấc mơ tạo lập trên con đường biển Nha Trang thành một khu vườn tượng. Nhưng cho đến nay, giấc mơ của tuổi 23 ngày xưa vẫn chưa thực hiện được dù đã 20 năm trôi qua.
Bài thực tập vào năm thứ 4 của anh “Quy hoạch mộ Yersin, Nha Trang” cũng là một giấc mơ đẹp (năm 1992) nhưng vào thời điểm đó không đủ kinh phí thực hiện nên cho đến nay giấc mơ vẫn còn trên phác thảo. Một giấc mơ khác nữa của Hùng là lập nên vườn tượng về các nhà tư tưởng của nhân loại.
Chính Khoa Điêu khắc của Hùng là nơi khởi đầu lập nên vườn tượng trong khuôn viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Ba bức tượng của chàng sinh viên Đoàn Xuân Hùng đã có mặt ở nơi này: Bắn cung, Nuối tiếc, Ray rứt… Ngay từ thời sinh viên, cái nhìn của Hùng trong từng tượng đã mang tính nhân bản... Một đêm, ngồi trên căn gác nhà mình, nhìn trăng chiếu qua song cửa làm cho cảm xúc của Hùng dâng tràn. Bức tượng Trăng đã ra đời trong đêm đó…
Rồi bao nhiêu cơn mưa, bao nhiêu giọt mồ hôi, cả những nụ cười đã trở thành rung động để những tượng gốm Chăm ra đời. Đó là tượng người đàn bà Chăm đang múc nước, người đàn bà Chăm đang ngồi… Hùng cũng là người tạo ra không biết bao nhiêu kiểu lu, bình Chăm theo sự rung cảm của mình. Hùng nói: “Góc nhìn của người sáng tác có khác nhau. Nhưng điều quan trọng là tượng mang riêng cái hồn của nó. Mỗi tượng có cái hồn riêng, không trộn lẫn với nhau”. Anh không đổ khuôn, chỉ với bàn tay và đất, tạo ra những đời tượng.
Chính vì yêu nghề, nắm được hồn Chăm mà Đoàn Xuân Hùng đã có một con đường rất riêng: Làm tượng đất nung Chăm. Đề tài của anh luôn tràn đầy, mỗi bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật, là cảm xúc. Con đường của những bức tượng Chăm từ xưởng đến bảo tàng là con đường của tình yêu nghệ thuật.
Khuê Việt Trường