Người gắn bó mật thiết với sự phát triển của Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sau một thời gian đấu tranh với bạo bệnh, ngày 19-4, họa sĩ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội. 
Họa sĩ Trần Khánh Chương, người cả cuộc đời gắn bó với sự trưởng thành của Hội Mỹ thuật Việt Nam
Họa sĩ Trần Khánh Chương, người cả cuộc đời gắn bó với sự trưởng thành của Hội Mỹ thuật Việt Nam


Trong sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà nói chung, của mỹ thuật nói riêng, họa sĩ Trần Khánh Chương có đóng góp rất to lớn trên cả 2 phương diện: người làm nghề họa sĩ, người làm hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến mỹ thuật Việt Nam. 

Dấu ấn trong phát triển hội viên

Cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Trần Khánh Chương gắn liền với hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông tham gia hội từ rất sớm (1984) và sau này đảm nhiệm vị trí cao nhất là Chủ tịch hội liên tiếp trong 4 khóa, từ năm 1999-2019. Nhờ có thời gian gắn bó lâu dài như vậy, ông là người hiểu rõ hơn ai hết tính chất hoạt động của hội nghề nghiệp.

Một trong những hoạt động ghi nhận dấu ấn của họa sĩ Trần Khánh Chương đối với hoạt động mỹ thuật chính là việc tổ chức thành công triển lãm mỹ thuật khu vực, tạo ra sự liên kết giữa các tỉnh thành. Cho tới thời điểm này, triển lãm mỹ thuật vùng đã có thâm niên 25 năm và đây được coi là một trong những dấu mốc thúc đẩy sự lan tỏa kết nối trong lĩnh vực mỹ thuật khắp 63 tỉnh thành, góp phần hình thành các chi hội mỹ thuật trong cả nước. Nếu trước đây hoạt động mỹ thuật chỉ sôi động và phát triển mạnh mẽ ở Hà Nội và TPHCM thì nhờ có các triển lãm khu vực mà hoạt động ở nhiều tỉnh, thành trở nên sôi động hơn, có sự xích lại gần nhau hơn. Rõ ràng, đường biên sáng tác của anh em hội viên toàn quốc đã không còn cách biệt lớn. Hoạt động hội đã tạo được kích thích cho anh em tự tin, tự trưởng thành, thúc đẩy hoạt động sáng tác của các hội viên. 

Là một trong những hội đi tiên phong trong việc tạo ra các hoạt động có tính liên kết vùng, triển lãm mỹ thuật vùng do Hội Mỹ thuật tổ chức lần đầu tiên quả thực không dễ dàng. Họa sĩ Trần Khánh Chương đặc biệt quan tâm sự phát triển hội viên. Đội ngũ hội viên Hội Mỹ thuật từ những ngày đầu thành lập chỉ hơn 100 người (năm 1957) nay đã hơn 2.000 hội viên, đang sinh hoạt tại hơn 70 chi hội thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, nếu trước Cách mạng Tháng Tám trong hội không có nghệ sĩ tạo hình người dân tộc nào thì hiện nay đã có 85 nghệ sĩ tạo hình thuộc 16 dân tộc thiểu số. Trong quá trình phát triển, đội ngũ hội viên của hội đã hình thành 5 thế hệ nối tiếp nhau, sáng tạo nên những tác phẩm mỹ thuật đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng, phát triển đất nước. Hàng vạn tác phẩm mỹ thuật đã được sáng tác, hàng ngàn triển lãm mỹ thuật được tổ chức trong, ngoài nước; nhiều hội viên đã nhận được những giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Hội Mỹ thuật Việt Nam tự hào đã tập hợp được những nghệ sĩ tạo hình xuất sắc nhất trong đội ngũ của mình và có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển mỹ thuật nước nhà.

Việc phủ sóng của hội đã lan tỏa đến cả vùng sâu, vùng xa nhất. Để có được thành quả đó, không thể phủ nhận sự nỗ lực rất lớn của vị chủ tịch hội. 

Bám sát đời sống mỹ thuật 

Họa sĩ Trần Khánh Chương hiểu rõ vai trò của hội nghề nghiệp trong sự phát triển của văn hóa nghệ thuật của nước nhà. Không chỉ là nhà quản lý tốt, ông còn ghi nhiều dấu ấn trong sáng tác. Ông thiên sáng tác hội họa, đồ họa. Về gốm Việt Nam, ông có 2 công trình giá trị là “Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ” và tập sách “Gốm Việt Nam” - nghiên cứu công phu, có giá trị về nghiên cứu lịch sử gốm sứ Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu sớm và được ghi nhận sớm từ bộ tranh đồ họa, in khắc thạch cao được giải thưởng năm 1984, giải thưởng chính thức của triển lãm đồ họa quốc tế ở Đức.  

Sự nghiệp và cuộc đời của họa sĩ gắn bó với sự nghiệp của Hội Mỹ thuật Việt Nam và hoạt động chung của cả giới mỹ thuật nước nhà. Họa sĩ có sự nhạy cảm với thời tiết mỹ thuật, uyển chuyển trong công tác hội. Không căng cứng mà tạo ra nhiều nhánh lẻ, đa dạng, khuynh hướng trong hoạt động sáng tạo của hội viên. Việc thừa nhận khuynh hướng sáng tác mới là việc không phải chuyện dễ dàng, bởi những áp lực của công luận, xã hội cũng như người trong giới không phải suôn sẻ, nhất là với những thế hệ trẻ. Thế hệ đi trước không dễ dàng hồ hởi đón nhận mà đầy phê phán trước cái mới, song họa sĩ Trần Khánh Chương ở cương vị chủ tịch hội, luôn có sự điềm tĩnh cần thiết của người đứng đầu. Ông sẵn sàng đón nhận khuynh hướng sáng tạo mới và góp phần đưa nhiều luồng gió mới vào đời sống sáng tác của hội viên. Ông bám sát và căn cứ vào thực tế sáng tác của anh em mỹ thuật cả nước, để kịp điều chỉnh quan điểm của hội với hoạt động chung của cả giới trong mỗi thời kỳ.

Họa sĩ Trần Khánh Chương nỗ lực trong việc duy trì hoạt động thực tế sáng tác, góp phần phản ánh chân thực cuộc sống. Trong mỗi mảng đề tài mũi nhọn, như biển đảo, công nông nghiệp, hội luôn tạo điều kiện để hội viên có thể thâm nhập thực tế, có tác phẩm mang tính chân thực, giá trị cao nghệ thuật. Đương nhiên, để một tác giả trưởng thành là một quá trình tự phát triển của cá nhân. Song, hội với trách nhiệm của mình, đã tạo điều kiện cho anh em hội viên trong khả năng có thể thúc đẩy sự nghiệp sáng tác, qua việc duy trì các trại sáng tác, các giải thưởng, triển lãm... 

Tang lễ họa sĩ Trần Khánh Chương được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 ngày 24-4. Lễ truy điệu hồi 8 giờ 30 cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ - Văn Điển, Hà Nội. An táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng viên - Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Tin cùng chuyên mục