Người ghi lại lịch sử bằng tranh

Từng tham gia nhiều trận đánh, chiến dịch, từng góp mặt tại chiến trường Nam bộ đã trở thành nguồn tư liệu quý giá để họa sĩ Quách Phong sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng. Có thể nói các ký họa, những tác phẩm hội họa hoành tráng, những tác phẩm sơn mài lịch sử của ông đã tái hiện sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân dân miền Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc.
Người ghi lại lịch sử bằng tranh

Từng tham gia nhiều trận đánh, chiến dịch, từng góp mặt tại chiến trường Nam bộ đã trở thành nguồn tư liệu quý giá để họa sĩ Quách Phong sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng. Có thể nói các ký họa, những tác phẩm hội họa hoành tráng, những tác phẩm sơn mài lịch sử của ông đã tái hiện sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân dân miền Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc.

Những tác phẩm ra đời trên tuyến lửa

Họa sĩ Quách Phong (tên thật Quách Văn Phong) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Vĩnh Long. Năm 1952, ông học trung cấp Trường Mỹ thuật Gia Định, tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn, vẽ truyền đơn, biểu tình, làm liên lạc cho cán bộ. Năm 1954, cha ông tập kết ra Bắc, đến cuối năm đó, ông cũng tập kết. Ông theo học khóa 2 hệ trung cấp Trường Mỹ thuật Đông Dương rồi được tuyển thẳng lên cao đẳng. Năm 1963, chiến tranh đang hồi ác liệt, Quách Phong xung phong vượt Trường Sơn trở về quê hương chiến đấu.

Họa sĩ Quách Phong và phác thảo ghi lại lược sử trên 4.000 năm của dân tộc Việt Nam Ảnh: LÊ MINH

Ông được tổ chức phân công về Quân khu 6, đơn vị đóng quân tại vùng giáp ranh Đồng Nai và Lâm Đồng, lấy bí danh là Nguyễn Anh Việt. Lăn lộn, sống và chiến đấu cùng các chiến sĩ, ông chia sẻ từng nắm cơm, hạt muối với đồng bào trong điều kiện vô cùng gian khổ, thiếu thốn mọi bề, gạo không có để ăn hầu như phải ăn bắp, mít luộc chấm muối ớt thay cơm. Đến gần tết, công trình do ông thực hiện là cải tiến tờ báo Quyết Thắng của quân khu có bìa in khắc gỗ 4 màu và phụ trang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với 500 số để treo ở đơn vị và đưa về các cơ sở. Trận đầu tiên ông tham gia là trận đánh Bù Na năm 1963. Vai ba lô, tay súng tay bút, giấy màu và hình ảnh những người lính chiến đấu, những chiến sĩ dân công, liên lạc... được người họa sĩ ghi lại hết sức sinh động. Những ký họa vừa vẽ xong được bày ra tại đơn vị, tổ chức triển lãm lưu động cho đồng bào, chiến sĩ xem. Ông cho là may mắn khi được trực tiếp tham gia hàng chục trận đánh vào các ấp chiến lược, góp mặt trong nhiều chiến dịch lớn như: chiến dịch Bình Giã năm 1964, chiến dịch Phước Long - Sông Bé - Đồng Xoài năm 1965, chiến dịch Mậu Thân 1968… Những ký họa của ông đã trở thành bộ sưu tập lịch sử bằng hình vẽ, ghi lại sinh động cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ở Khu 6, Khu 10, Chiến khu Bác Ái và khắp chiến trường Đông Nam bộ.

Hơn 10 năm có mặt khắp các chiến trường, ngoài hàng trăm bức ký họa, gia tài ông để lại cho mỹ thuật nước nhà còn là những tác phẩm hội họa hoành tráng sau này: Xuống đường Mậu Thân 1968 (sơn mài, 1973), Sài Gòn giải phóng (sơn mài, 1975-1982), Mùa gặt mới ở Củ Chi (sơn mài, 1985), Tiến về Sài Gòn (sơn mài, 1985), Trận đánh Phước Long (sơn mài 1997), Cuộc đối đầu lịch sử (về trận đánh 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, sơn mài), Trường Sơn vạn dặm (sơn mài, 2014), Hành quân qua Tây Nguyên (sơn mài, 2014)… Đến nay, đã có trên 300 tác phẩm của họa sĩ Quách Phong được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Ông cũng là tác giả phù điêu Chiến thắng Tua Hai, tượng đài Dũng sĩ núi Bà Đen đặt tại Tây Ninh.

Ý thức trân trọng lịch sử

Năm 1973, những ký họa chiến trường của họa sĩ Quách Phong được mời trưng bày tại các nước Đông Âu, được nhiều bè bạn quốc tế như Đức, Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba, Ấn Độ, Palestine… ủng hộ. Thể hiện bằng bút pháp mạnh mẽ, những tác phẩm của ông đã góp phần cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Ông tham gia chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, để rồi ngay trong đêm 30-4, bức tranh Nắng tháng Năm - một trong những tác phẩm để đời của ông hoàn thành. Trung tâm bức tranh là hình ảnh các chiến sĩ ngồi trên xe tăng bên tháp pháo, xung quanh rợp trời là một rừng cờ tung bay tạo nên không khí rộn rã, tưng bừng, xốn xang đến khó tả. Những tà áo dài trắng của các nữ sinh tung bay ngời sáng, những nữ du kích, tự vệ với nón tai bèo nét mặt hân hoan, hồ hởi. Ánh sáng như nhảy múa, bố cục những mảng sáng tối tạo cảm xúc niềm vui náo nức của ngày giải phóng.

Cùng chủ đề này, Quách Phong đã tìm tòi một bố cục công phu hơn để thể hiện tác phẩm sơn mài Sài Gòn giải phóng mà mãi 7 năm sau ông mới hoàn thành. Nếu như Nắng tháng Năm thể hiện niềm vui bừng lên háo hức thì ở bức Sài Gòn giải phóng lại có độ trầm sâu và lắng đọng. Tác phẩm này sau đó đã được chọn in 50.000 bản để tuyên truyền trong dịp 30-4-1985, kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với các tác phẩm Sài Gòn giải phóng, Mùa gặt mới ở Củ Chi, Xuống đường Mậu Thân 1968, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Luôn ý thức và trân trọng lịch sử, những tác phẩm của Quách Phong là những di sản để lại cho thế hệ trẻ những bài học sâu sắc, quý báu. Khiêm nhường và kiên định, một đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, các tác phẩm của ông là sự sáng tạo và lao động bền bỉ của một người họa sĩ - chiến sĩ. Dù tuổi đã cao nhưng nhiều năm qua người nghệ sĩ ấy vẫn miệt mài sáng tác. Hiện ông đang thực hiện một tác phẩm ít ai ngờ: phác thảo một tác phẩm ghi lại lược sử trên 4.000 năm hình thành của đất nước Việt Nam. “Tôi đang phác thảo lược sử đến thời nhà Trần, hiện bức tranh đã dài gần 100m, nếu hoàn tất có lẽ tác phẩm này phải dài đến trên 1km”, họa sĩ lão thành cho hay.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục