Người giữ hồn lụa Hà Đông

Gặp nghệ nhân Đỗ Văn Hiển, người tạo mẫu cho lụa Hà Đông vào một ngày mưa tầm tã giữa tháng 7-2021, trong lúc ông đang tranh thủ thời gian để “xây dựng” một vài mẫu theo đơn đặt hàng của Bộ VHTT-DL cho kịp tham gia hội chợ triển lãm Dubai 2021. Ông Hiển khoe rằng, hội chợ là dịp để thể hiện khả năng của thợ thủ công Việt Nam, đồng thời giới thiệu văn hóa và sự phát triển của làng nghề truyền thống Việt Nam.

Chọn nghề khác bạn bè

Trước khi chia sẻ về chuyện làm nghề, ông Đỗ Văn Hiển nói thẳng “nghề làm lụa có lúc thăng, lúc trầm. Nghề này cho thu nhập không cao, chính vì thế lũ trẻ giờ không mặn mà. Những người làm lụa tơ tằm ở Hà Đông (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội) thường là những thế hệ lớn tuổi”.

Người giữ hồn lụa Hà Đông ảnh 1 Nghệ nhân Đỗ Văn Hiển tự sáng tác các mẫu hoa văn bằng máy tính đặt tại phòng làm việc riêng ở nhà

Tới nay, ông Hiển đã có ngót nghét gần 30 năm “sống chết” với nghề. Nếu để nói làm nghề như bao người dân khác ở làng lụa Vạn Phúc sẽ rất bình thường, nhưng công việc của ông liên quan tới các công đoạn trong quá trình sản xuất lụa truyền thống - tạo mẫu cho lụa (tức vẽ hoa văn cho lụa). Đây chính là một trong những công đoạn cầu kỳ nhất, khó nhất trong toàn bộ các công đoạn sản xuất lụa. Ở làng lụa Vạn Phúc trong hơn 300 hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, sản xuất lụa hiện nay, giờ chỉ còn mình ông vẽ mẫu, sự đa dạng về mẫu mã của cả làng nghề phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của người tạo mẫu.

Giống như nhiều thợ trong làng, để đến được với nghề và gắn bó trọn đời với nghề không đơn giản chỉ là việc ngồi vào khung cửi để dệt lụa. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp cấp ba (nay là cấp THPT), không giống với chúng bạn thi đại học để tiếp tục ước mơ, ông Hiển quyết định ở nhà phụ giúp bố mẹ và đi làm thuê cho Hợp tác xã tơ lụa Vạn Phúc (HTX).

Ông không biết được lựa chọn đó sau này sẽ giúp ông có được cuộc sống ra sao, nhưng chí ít cũng giúp ông thỏa mãn được đam mê về lụa, về kỹ thuật sửa chữa máy móc, khung cửi. Sau 3 năm, với sự cần mẫn, tỉ mỉ của người thợ, ông được nhận chính thức vào HTX, mới đầu chỉ làm những việc “lon ton” như đánh gỉ sắt khung cửi, đóng kiện tay… Nhưng với bản tính tò mò, hay để ý, trong quá trình làm việc ông “tiếp cận” với các thợ kỹ thuật cao tay trong HTX để “hóng” nhiều chuyện về chuyên môn.

Qua thời gian, được để ý, chàng thanh niên Đỗ Văn Hiển được giao thêm việc “bẻ chân thép” - một công đoạn trong sản xuất lụa. Chứng minh được năng lực, ông Hiển tiếp tục được “gửi” vào tổ “hoa văn” của HTX, và đỉnh cao thời điểm đó ông được đứng máy dệt.

Năm 1993, khi HTX giải tán, các khung cửi được trả về từng hộ gia đình. Lúc này, ông Hiển nghĩ đã đến lúc phải “tự bơi” để duy trì cuộc sống và tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống. Để sống được với nghề, ngoài việc duy trì sản xuất, còn phải cải tiến thêm nhiều công đoạn sản xuất, mẫu mã để kịp với xu thế.

Thời gian đầu, ông khá loay hoay, đặc biệt là thiết kế các mẫu hoa văn trên tinh thần giữ được nét truyền thống từ cha ông. Tuy nhiên, để sản xuất được phải có “công cụ”. Thời gian đầu phải tự thiết kế hoa văn bằng tay trên giấy khổ lớn, sau đó mang đi scan rồi tiến hành đục lỗ để dệt. Mỗi bản vẽ phải mất từ 7-10 ngày để hoàn thành.

Những năm 1995, vô tình đi qua các cửa hàng in thiệp cưới trên quận Hà Đông, ông tự nhủ “họ cũng làm hoa văn, mình cũng làm hoa văn, họ làm được sao mình không làm được?”. 

Người giữ hồn lụa Hà Đông ảnh 2 Làng lụa Hà Đông (làng Vạn Phúc), một trong những làng lụa tơ tằm nổi tiếng nhất Việt Nam. Ảnh do nghệ nhân Đỗ Văn Hiển chụp trước thời điểm có dịch Covid-19

Thế rồi, ông được cậu em cho mượn chiếc máy vi tính. Không được học máy tính, không biết tiếng Anh, dùng máy tính như đi vào đường tối. Nhưng rồi, ông Hiển cũng tìm ra phần mền corel draw 5.0 để tự học đồ họa. Từ chỗ vẽ một mẫu mất hơn nhiều ngày, với máy tính, ông Hiển đã rút ngắn được thời gian và độ chính xác của những bản vẽ máy tính còn cao hơn vẽ thủ công rất nhiều.

Cách tân và sáng tạo hàng trăm mẫu hoa văn

Trong suy nghĩ của nhiều người, tạo mẫu cho lụa chỉ đơn giản là vẽ hoa lá càng lên tấm lụa. Nhưng, thực tế, việc tạo mẫu không chỉ đơn giản mang tính nghệ thuật, mà còn chứa đựng nhiều quy trình, kỹ thuật phức tạp khác.

Nghệ nhân Đỗ Văn Hiển cho biết, tới thời điểm này ông đã phát triển trên các mẫu hoa văn cổ, tự sáng tạo được khoảng 400 trăm mẫu hoa văn. Có những mẫu mang tính chất “kinh điển” của làng lụa, như mẫu “Hồng Thọ”, hay “Trúc Mai”.

Người nghệ nhân dáng cao gầy còn cho rằng, mỗi mẫu hoa văn giống như cơ thể, đều có tuổi thọ, mẫu nào đẹp, được thị trường đón nhận cũng giống như cơ thể vừa trẻ vừa đẹp sẽ có sức sống dài lâu. Có thể có mẫu “sống” được 10-20 năm, nhưng cũng có mẫu sống chỉ vài tháng.

Người giữ hồn lụa Hà Đông ảnh 3 Ông Đỗ Văn Hiển kiểm tra bìa cứng sau khi máy đục tự động hoàn thành công đoạn

Chính vì đó, ý tưởng trong người tạo mẫu là điều sống còn để phát triển làng lụa, và đây cũng là công đoạn khó khăn nhất. Giống như nhạc sĩ, muốn sáng tác, bên cạnh tài năng còn phải có cảm hứng. Sáng tác mẫu hoa văn cũng vậy, nghệ nhân Đỗ Văn Hiển thường lấy cảm hứng từ hoa văn cổ, từ các hoành phi, câu đối và các hình thù trên nhiều tạp chí quốc tế cũng như trong nước. Để sáng tạo ra được mỗi mẫu, thường phải mất từ 7 ngày tới 1 tháng. Tuy nhiên, người nghệ nhân sinh năm 1969 khẳng định, dù ý tưởng nào nhưng với lụa sẽ vẫn trân quý các giá trị cổ từ cha ông như bông sen, con hạc, lá đề...

Mỗi mẫu hoa văn trên lụa, ngoài là công trình nghệ thuật, trong đó còn chứa đựng những giá trị sáng tạo, tìm tòi của người nghệ nhân. Mỗi mẫu cần được đăng ký “bản quyền” để tránh bị sao chép. Nghệ nhân Đỗ Văn Hiển biết điều đó nhưng vì giá thành vẽ cho các gia đình, cơ sở sản xuất trong làng thường rất rẻ, chỉ trên dưới 1 triệu đồng, nên ông chưa nghĩ tới chuyện đi đăng ký thương hiệu.

Bên cạnh việc vẽ mẫu cho lụa, người trong làng lụa Vạn Phúc còn biết tới biệt tài của ông Hiển khi là người duy nhất sáng tạo ra máy đục tự động trong kỹ thuật dệt lụa, cùng với phần mềm viết riêng cho làng lụa của Viện Kinh tế kỹ thuật dệt may Việt Nam, hiện nay tính “liên thông” giữa phần thiết kế trên máy tính và máy đục tự động đã giảm thời gian đáng kể trong quá trình sản xuất lụa truyền thống.

Ngoài việc vẽ thuê trong làng lụa, nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các địa phương có sản xuất chiếu cói tìm đến ông để nhờ vẽ mẫu. Nói về việc làm của nghệ nhân Đỗ Văn Hiển, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc cho biết, với đặc thù của nghề vẽ hoa văn, trong làng không còn ai có thể vẽ được, ngoài ông Hiển.

“Trong nhiều năm qua, anh Hiển đã mang tới những nét mới cho lụa Vạn Phúc. Bên cạnh đó, cũng nhờ vào sáng chế máy đục tự động của anh Hiển và phần mềm của Viện Kinh tế kỹ thuật dệt may Việt Nam mà nay cả làng nghề phần lớn áp dụng công nghệ trong sản xuất dệt lụa để mang lại hiệu quả và năng suất cao hơn, mẫu mã đẹp hơn”, ông Hà chia sẻ.

Tìm người nối nghiệp

Trước khi kết thúc câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Đỗ Văn Hiển vẫn băn khoăn một điều làm sao về lâu về dài sẽ có người theo được nghề của mình bởi trong nhiều năm qua, đã có hàng chục thanh niên được ông chỉ dạy nhưng đều “rơi rụng” giữa chừng. "Tôi cũng hướng cho thằng lớn theo nghề này, nhưng thấy rằng nó không thích, không yêu".

Người giữ hồn lụa Hà Đông ảnh 4 Nghệ nhân Đỗ Văn Hiển kiểm tra các công đoạn dệt tại xưởng dệt

Trong làng cũng có thanh niên nhờ dạy nghề vẽ mẫu nhưng được vài buổi cũng không theo được. "Nghề này đòi hỏi đam mê, tính kiên trì và sáng tạo, lớp trẻ giờ ít người theo được", ông Hiển nói và cho biết, nhìn vào thực tế của nghề, thường không mang lại tiền bạc, làm giàu nhanh nên không đúng với suy nghĩ của lớp trẻ hiện nay.

Ông Hiển và những bậc làm nghề lâu năm ở làng lụa Vạn Phúc vẫn nói với nhau rằng, muốn duy trì được nghề, muốn lớp trẻ bám với nghề, trước hết phải sống được với nghề: “Có sống được mới yêu nghề được. Nghề này thu nhập thấp quá, muốn các cháu yêu nghề cũng khó, chưa kể có nhiều rủi ro về thị trường”.

Trong khi đó, theo ông Phạm Khắc Hà, hằng năm hiệp hội làng nghề thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề, nhưng 2 năm gần đây do dịch bệnh nên chưa tổ chức được.

Tuy nhiên, theo ông Hà, vẫn còn nhiều điều đáng lo trong quá trình bảo tồn và duy trì sản xuất của làng lụa truyền thống Vạn Phúc. Bởi, trong một vài năm gần đây, khi các lớp đào tạo nghề được mở, mỗi lớp 35 học viên học trong 3 tháng, nhưng chỉ học được một vài buổi là học viên rơi rụng hết.

“Giữ gìn bản sắc làng nghề truyền thống hiện nay nói chung và làng lụa Vạn Phúc nói riêng đang trong tình cảnh chung là ít có người kế nhiệm. Chúng tôi rất lo việc này, thanh niên trước bối cảnh xã hội muốn làm giàu nhanh thường lựa chọn ngành nghề khác sau khi ra trường. Chúng tôi không oán trách các cháu, nhưng mỗi gia đình cần định hướng cho con em để giữ được nghề truyền thống”, ông Hà chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, hiện ở làng lụa đang rất cần thanh niên có chí hướng gắn bó lâu dài, tham gia các hoạt động nghề như may lụa, hướng dẫn viên du lịch để cùng nhau bảo tồn và phát triển làng lụa Vạn Phúc gắn với các hoạt động du lịch làng nghề truyền thống sau khi dịch bệnh qua đi.

Tin cùng chuyên mục