Kỷ niệm 1 năm ngày mất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Người “học một biết mười”

Người “học một biết mười”

Có những con người đáng quý mà sau mỗi lần gặp gỡ vì công việc, hay đơn giản chỉ là thăm hỏi xã giao, đều để lại trong lòng ta một ấn tượng đẹp đẽ và đằm thắm: ta cảm thấy tin yêu cuộc đời hơn vì quanh ta còn có những trí tuệ khát khao chân lý và những tấm lòng chứa chan tình nhân ái. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – ông Sáu Dân đối với tôi là một người như vậy.

Là người may mắn được quen biết khá nhiều anh chị em trí thức nước nhà, hoạt động các lĩnh vực khác nhau, tôi thường rất chú ý đến cung cách mà ông Sáu Dân đối xử với họ, đồng thời lắng nghe họ nói gì về ông. Và tôi đã gặp hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Có một sự kiện xảy ra ở Nam bộ từ hồi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã làm tôi rất ngạc nhiên và thán phục ông Sáu Dân vì thái độ hết sức tôn trọng tri thức và trí thức. Đó là câu chuyện liên quan đến ông Nguyễn Thành Nhơn - một nhân sĩ “tây học”, mà sau này tôi có dịp hỏi lại và được ông xác nhận.

Chuyện ấy thế này. Robert Nhơn là con một gia đình điền chủ yêu nước ở Rạch Giá, tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng 8 năm 1945 cùng với ông Sáu Dân ở Phước Long. Sau đó mấy năm hai người cùng về công tác tại Tỉnh ủy Rạch Giá, ông Nhơn làm bí thư kiêm chủ tịch tỉnh, ông Sáu Dân làm phó bí thư. Năm 1949 Đoàn cán bộ cao cấp của TƯ Đảng vào Nam để tăng cường công tác tổ chức đã quyết định ông Sáu Dân lên thay ông Nhơn làm bí thư tỉnh ủy vì lý do thành phần giai cấp. Ông Sáu Dân đã kiên quyết không nhận sự đề bạt này với lý do: ông Nhơn là một trí thức yêu nước chân chính, có năng lực công tác và đang thực thi rất tốt nhiệm vụ của mình, không lẽ chỉ vì thành phần giai cấp mà bỏ phí một người tài giỏi và có đức.

Cuối cùng đại diện TƯ Đảng đã đặt ông Sáu Dân giữa hai lựa chọn: hoặc nhận chức bí thư tỉnh ủy thay ông Nhơn, hoặc chịu kỷ luật của Đảng. Không đắn đo, ông dứt khoát chịu nhận kỷ luật và đứng dậy đi ra khỏi phòng họp trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Việc ông tìm mọi cách, đôi khi hết sức mạo hiểm, để bảo lãnh cho một số trí thức miền Nam sau ngày giải phóng ra khỏi các trại giam hoặc lớp cải tạo của ta, cũng là một hành động hiếm có của một nhà lãnh đạo chính trị (xuất thân là nông dân), đặc biệt quý trọng con người - tri thức với cái tâm trong sáng và một tầm nhìn xa rộng.

Trường hợp điển hình có thể là trường hợp của các ông Bửu Khải (chuyên gia vô tuyến truyền hình), Phạm Văn Hai (chuyên gia ngành dệt)… Và cũng chỉ có ông mới đủ sức thuyết phục những chuyên gia giỏi ở lại với chính quyền cách mạng như Phạm Hoàng Hộ (sinh học), Phạm Bửu Tâm (bác sĩ), Dương Kích Nhưỡng (kinh tế)… Khi nhắc lại những chuyện này, ông cười sảng khoái: “Việc gì mình tin chắc là đúng thì cứ làm tới thôi!”.

Với tầm nhìn như thế, với cách làm như thế, ông Sáu Dân đã luôn tập hợp được quanh mình những trí thức thực thụ trong các nhóm, tổ và ban nghiên cứu do ông lập ra ở TPHCM và ở Hà Nội. Gần ông chúng tôi cảm nhận được điều trăn trở suốt đời của ông là làm sao để có thể học hỏi được nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất những tri thức mà ông thiếu hụt từ thời niên thiếu rồi bước thẳng vào cuộc đời cách mạng quyết liệt không ngừng nghỉ.

Cách của ông là học tập không ngừng ở những chuyên gia giỏi nhất, nhiệt huyết nhất mà ông có thể mời gọi được. Nếu có những người “học một biết mười” thì một trong số đó có thể là ông Sáu Dân. Bởi chỉ có những người như vậy mới có khả năng nắm bắt cái thần, cái cốt lõi của những vấn đề phức tạp bằng trực giác mẫn tiệp của mình; và trên cơ sở đó đã đưa ra các quyết định táo bạo và chính xác.

Một trong những quyết định sáng suốt ấy liên quan đến việc triển khai thực hiện chủ trương xây dựng đường dây tải điện 500 kV xuyên Bắc Nam. Hiệu quả chính trị - kinh tế - xã hội của dự án đó thì đã rõ, nhưng giải pháp kỹ thuật là một vấn đề hết sức khó khăn. Giới khoa học kỹ thuật hồi đó phân làm hai phái tranh luận gay gắt. Người khẳng định là không khả thi, người cho rằng có thể làm được.

Vào thời điểm quyết định, ông Sáu Dân triệu tập một cuộc họp gồm các cán bộ lãnh đạo và chuyên gia của các bộ ngành có liên quan tại Bộ Công nghiệp để thảo luận việc triển khai thực hiện dự án. Vẫn có nhiều ý kiến bàn lùi. Ông Sáu Dân đã nói một cách từ tốn nhưng đanh thép, đại ý: Tôi đến đây để bàn với các đồng chí triển khai thực hiện một chủ trương lớn đã được quyết định. Ai không tán thành chủ trương này thì có thể ra về, ai tán thành thì ở lại bàn bạc với tôi.

Vào thời điểm đó, sau khi nghe nhiều ý kiến trái chiều, ông đã cảm nhận được rằng (chắc là bằng trực giác) có thể triển khai thực hiện dự án được và hoàn toàn tin cậy vào đội ngũ chuyên gia đầy nhiệt huyết luôn sát cánh bên ông.

Sau này có lần ông phàn nàn với tôi: “Giới khoa học của các cậu nhiều lúc chẳng “ngon lành” tí nào. Cái gì mới cũng có người chống đối một cách quyết liệt. Sân golf đầu tiên ở Thủ Đức cũng chống, khách sạn 5 sao đầu tiên ở gần hồ Thủ Lệ cũng chống; chống bài bản và quyết liệt nhất là dự án đường dây 500kV. Mấy ảnh dọa tôi quá chừng: nào là hiệu ứng 1/4 bước sóng, nào là các cột điện dựng trên các sườn núi cheo leo không chịu được mưa bão và sấm sét... Tôi lắng nghe nhưng cảm thấy mấy ảnh không có lý bằng mấy người quyết tâm làm, và trong cung cách tranh luận của họ có điều gì đó không đáng tin cậy... Bây giờ cậu thấy đấy, đường dây 500kV là niềm tự hào của cả nước”.

Gần gũi với nhân dân, ông luôn hòa nhịp với mạch đập của cuộc sống. Gần gũi với trí thức văn nghệ sĩ, ông thông cảm với niềm khát khao tự do sáng tạo vị nhân văn. Gần gũi với trí thức khoa học - công nghệ, ông không ngần ngại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những ý tưởng mới, những kỹ thuật mới được phát triển...

Trời phú cho ông Sáu Dân gương mặt rạng rỡ và dáng vẻ hào hoa phong nhã rất phù hợp với trí tuệ và tâm hồn của ông. Gần ông ai cũng thấy dễ mến; giới trí thức thì càng quý ông vì sự tinh tế và dí dỏm. Có lần ông hỏi các bạn chơi quần vợt: “Sao lâu không thấy “gã đầu bạc” lên sân?”. Nghe tin ông nói vậy, ngay chiều hôm đó tôi vội vàng xách vợt vào sân chơi trong khuôn viên Văn phòng Chính phủ. Ông đang ngồi nghỉ giữa hai séc bóng bên cạnh cốc bia hơi và đĩa lạc luộc. Tôi đến chào ông: “Em độ này lu bu quá không lên sân được anh ạ !”.

Ông nhấp một ngụm bia, bóc một hột lạc, rồi tủm tỉm cười: “Anh bạn trẻ này, Thủ tướng người ta không kêu bận mà mình lại kêu bận!?”. Trời đất ơi! Tôi không còn biết chui xuống kẽ đất nào! Chuyện nhỏ thế nhưng đối với tôi lại là một bài học lớn.

Sinh nhật lần thứ 80 của ông tôi có hỏi: “Em chỉ mong đến tuổi U90 mà vẫn được minh mẫn và khỏe mạnh như anh bây giờ. Anh có bí quyết gì không?”. Ông vui vẻ nói ngay: “Có đấy! Đối với người trí thức thì sức khỏe tinh thần còn quan trọng hơn sức khỏe thể chất. Muốn có sức khỏe tinh thần thì phải có hai yếu tố quan trọng là làm việc hết sức mình và không bon chen đố kỵ. Muốn có sức khỏe thể chất thì cũng phải có hai yếu tố quan trọng khác là thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên tham vấn bác sĩ”.

Mới đấy mà ông Sáu Dân đã vĩnh biệt chúng ta một năm rồi. Thời gian trôi nhanh giục giã chúng ta tiếp tục những ý tưởng và gợi mở của ông - “Người được trí thức nước nhà thương và kính”.

Chu Hảo

Tin cùng chuyên mục