Người hứa thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện bồi thường cho bị hại đã nộp 6,4 tỷ đồng

HĐXX thông báo ông Lê Viết An, bạn làm ăn chung với vợ chồng Nguyễn Thái Luyện đã nộp 6,4 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho đôi vợ chồng này.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa

Chiều 15-5, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty địa ốc Alibaba bước vào phần tranh luận.

HĐXX thông báo đã nhận được phiếu thu do luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc tài chính Công ty Alibaba, vợ bị cáo Nguyễn Thái Luyện) nộp. Phiếu thu của Cục Thi hành án dân sự TPHCM thể hiện ông Lê Viết An nộp 6 tỷ đồng thay cho bị cáo Mai khắc phục hậu quả của tội “Rửa tiền” và 400 triệu đồng khắc phục hậu quả tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

HĐXX đề nghị đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo để xem xét, cân nhắc khi tranh luận.

Luật sư của bị cáo Luyện đề nghị HĐXX xem xét cho thân chủ của mình được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Bị cáo Luyện cũng đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu nhận thêm tiền của 31 bị hại, công nhận số tiền bồi thường như đã nêu trong bản án sơ thẩm vì số tiền yêu cầu bồi thường thêm đối với 31 khách hàng này tăng thêm 300 tỉ đồng.

Bị cáo Luyện cho rằng, số tiền này là quá nhiều và chưa được kiểm chứng. Đồng thời, bị cáo Luyện mong HĐXX xem xét tình tiết có khả năng khắc phục hậu quả để áp dụng là một tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo còn lại trong vụ án.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Luật sư của bị cáo Mai đề nghị HĐXX xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của mình. Đồng thời, xem xét lại vai trò của bị cáo Mai trong vụ án khi bị cáo Luyện thừa nhận mọi hoạt động của Công ty Alibaba là do bị cáo này chỉ đạo.

Luật sư của bị cáo Mai cho rằng, nguồn gốc số tiền 12 tỷ đồng quy kết bị cáo Mai rửa tiền được chuyển từ sổ tiết kiệm 50 tỷ đồng của bị cáo Mai do người bạn đứng tên giùm. Sổ tiết kiệm này đã được giao cho cơ quan điều tra. Do đó, luật sư đề nghị xem xét lại tội “Rửa tiền” với bị cáo Mai.

Trước đó, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho biết, trong quá trình diễn ra phiên tòa, một số bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt đã nộp số tiền 10-50 triệu đồng. Xét thấy đây là tình tiết mới nên Viện KSND Cấp cao đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt với các bị cáo này.

Bị cáo Luyện cùng em trai tại tòa

Bị cáo Luyện cùng em trai tại tòa

Theo đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, trong vụ án này bị cáo Luyện giữ vai trò chính, gây ra hậu quả đặc biệt lớn. Trừ các tài sản bị kê biên, bị cáo Luyện còn phải khắc phục hơn 800 tỷ đồng nên mức án cấp sơ thẩm tuyên là đúng người, đúng tội. Với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc tài chính Công ty Alibaba, vợ bị cáo Luyện) được xác định đã giúp sức tích cực cho bị cáo Luyện. Về tội “Rửa tiền”, bị cáo Mai vẫn chưa nộp số tiền 12 tỷ đồng nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt.

Vì thế, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX không chấp nhận giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Luyện và bị cáo Mai, đề nghị tuyên y án sơ thẩm. Đối với các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không khắc phục hậu quả, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho rằng không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của 31 bị hại yêu cầu tăng mức bồi thường so với bản án sơ thẩm đã tuyên. Đối với các bị hại có yêu cầu nhận đất, yêu cầu nhận lãi suất ngân hàng từ khi tài sản bị kê biên, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM nhận định không có cơ sở chấp nhận với kháng cáo này.

Tin cùng chuyên mục