Là kỹ sư tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo máy của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, kỹ sư Bửu An không làm việc theo ngành nghề được đào tạo bài bản mà rẽ sang chế tạo các thiết bị chữa cháy với mong muốn góp chút nỗ lực cứu người, cứu tài sản trong đám cháy.
Bình chữa cháy “Made in… Bửu An”
Trong căn phòng bề bộn thiết bị, máy móc chuyên dùng sửa chữa và nạp bình chữa cháy trong con hẻm nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng, ông Bửu An bồi hồi tâm sự: “Tôi đến với nghề này như một định mệnh. Lúc ấy tôi đang học lớp 7. Trên đường về nhà thì thấy khói đen mù mịt, bao trùm khu xóm của mình. Tôi cắm đầu chạy hộc tốc về nhà. Lửa táp tận đầu hẻm, nóng hừng hực. Mấy chú lính chữa cháy đang lăn xả vào đó để khống chế ngọn lửa. Chứng kiến cảnh tượng quá thảm khốc và hình ảnh các chú lính chữa cháy hớt hải cõng người già, trẻ nhỏ, di chuyển đồ đạc ra khỏi đám cháy… tự nhiên tôi khóc nức nở.
Trong giây phút “ngàn cân treo sợi tóc”, ước mơ chữa cháy đã hình thành và đeo đuổi ông Bửu An từ đấy cho đến tận bây giờ.
Thời điểm đó, đất nước vẫn còn nghèo, thiết bị chữa cháy càng thiếu thốn. Trong khi đó tình hình cháy nổ - nhất là tại khu dân cư - gia tăng đột biến. Lực lượng chữa cháy tại chỗ được khẩn trương xây dựng. Với trang thiết bị chưa đầy đủ như vậy, các anh lính chữa cháy đó chỉ ra quân bằng… sự quyết tâm và lòng dũng cảm! Một vài cơ sở, doanh nghiệp trong đó đáng kể là Phòng Cảnh sát PCCC TPHCM đã sản xuất được bọt chữa cháy AB, nhưng vỏ bình lại quá thiếu. Vừa tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo máy, anh Bửu An bắt tay ngay vào việc mày mò chế tạo vỏ bình. Tính năng chịu lực, sức ép hoàn chỉnh. Anh tìm gặp lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC lúc bấy giờ và giới thiệu sản phẩm của mình. Sau nhiều lần thực nghiệm, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC đã ký hợp đồng 5.000 chiếc vỏ bình bọt. Đây là việc tận dụng phế liệu của chiến tranh: vỏ đựng thuốc bồi đại bác 155 ly.
Từ đó, bình chữa cháy “Made in… Bửu An” ra đời, thêm thiết bị chữa cháy trang bị tại các khu dân cư.
Giấc mơ tàu chữa cháy
Từ thành công ban đầu, kỹ sư Bửu An lại tiếp tục lao vào nghiên cứu với mong muốn tạo thêm các thiết bị chữa cháy khác. Trong đó đáng kể là chế tạo xe gắn máy chữa cháy.
Xe gắn máy chữa cháy được nhiều phường, xã, thị trấn ở TPHCM trang bị.
Chiếc xe gắn máy được cải tạo lại và “phủ” một khung sắt khá nhỏ gọn, cơ động. Nơi ấy chứa đầy đủ “đồ chơi”: từ bình bọt, máy bơm, vòi túi nước. Tuy nhiên, khi đến hiện trường thì phải có người giúp nâng xe, “hạ càng” để đỡ chiếc xe gắn máy ổn định vị trí để vận hành máy bơm… Chúng tôi góp ý: “Anh có cách nào cơ động hơn. Đến hiện trường chỉ việc vận hành máy bơm mà không phải hạ càng. Túi nước chỉ 50 lít thì quá ít, xịt vài giây là hết. Bà con múc nước đổ vào cũng được, nhưng bất tiện, nếu lấy nước ở trụ nước chữa cháy và vòi nước sinh hoạt của các cư dân thì tốt hơn.
Anh cười cười, gãi đầu và không ngần ngại nói: “Được thôi! Phải cải tạo lại vài chi tiết”. Một chiều hè mưa tầm tả, kỹ sư Bửu An điện thoại cho tôi và hồ hởi khoe sản phẩm mới. Tôi phóng xe ngay đến xưởng của Bửu An. Trước mắt tôi là chiếc xe gắn máy 3 bánh với đầy đủ thiết bị được gắn ổn định. Kỹ sư Bửu An cho biết: “Xe đã cơ bản hoàn thiện rồi. Dù dốc hay đường khúc khuỷu cũng vận hành được. Chiếc túi nước có khung xếp rất chắc chắn. Khi đến nơi bật ra là có thể chứa 150 lít nước. Đầu nối cơ động với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Ống hút từ trụ nước chữa cháy ngoài đường đến nguồn nước sinh hoạt bình thường trong nhà dân. Đặc thù xe liên phường, với 60 mét vòi chuyển nước từ nơi hồ nước, trụ nước đến điểm cháy. Chiều ngang xe là 7 tấc và dễ dàng cơ động với đường hẻm nhỏ khoảng 1 mét”.
Từ đó, xe chữa cháy 3 bánh đã tham gia các vụ cháy và được trang bị không chỉ ở Bình Thạnh của TPHCM mà còn nhiều tỉnh thành khác, thậm chí ở nước bạn Campuchia.
Chưa dừng ở đó, kỹ sư Bửu An lại tiếp tục mơ đến việc chế tạo tàu chữa cháy. Anh cho biết: “Chiếc ca nô vận hành như máy cày, ở trên bờ thì nó sẽ di chuyển trên mọi địa hình; xuống nước thì nó trở thành tàu chạy bằng cánh quạt. Đến hiện trường, chiếc ca nô sẽ chuyển chế độ thành máy hút và bơm nước”. Đến nay, chiếc ca nô đã hình thành nhưng chưa một lần “hạ thủy” vì chưa được phép. Nhưng với kỹ sư Bửu An, niềm tin và việc nuôi dưỡng giấc mơ về các thiết bị chữa cháy sẽ được ứng dụng trong thực tiễn vẫn chưa bao giờ dừng lại!
ĐOÀN HIỆP