Nghị định 06/2016/NĐ-CP không quy định các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải có nghĩa vụ dành dung lượng truyền dẫn để thực hiện truyền dẫn phát sóng kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương (sau đây gọi là “Kênh truyền hình thiết yếu”) như các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình quảng bá. Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này, nếu các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền muốn phát sóng các Kênh truyền hình thiết yếu thì phải tổ chức các kênh chương trình này thành gói dịch vụ cơ bản, tách biệt riêng với các gói dịch vụ khác, ví dụ: gói dịch vụ nâng cao (bao gồm các kênh chương trình trong nước khác và kênh chương trình nước ngoài), gói dịch vụ theo yêu cầu, gói dịch vụ giá trị gia tăng.
Mặc dù đã có sự phân định rõ ràng về các khái niệm truyền hình quảng bá, truyền hình trả tiền cũng như quy định việc tiếp phát các Kênh truyền hình thiết yếu trên các nền tảng này, tuy nhiên, thực tế các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lại đang thực thi việc này chưa thật rõ ràng.
Theo đó, để sử dụng truyền hình trả tiền, người tiêu dùng buộc phải mua thiết bị, trả tiền thiết bị và trả tiền thuê bao cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Khi đó, người tiêu dùng mới có thể xem được các gói kênh của các đơn vị này. Vấn đề đặt ra ở đây, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền không phân định rõ ràng các gói dịch vụ của mình theo như quy định tại Điều 14 Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã đề cập ở đây. Gói kênh của các đơn vị này bao gồm luôn cả Kênh truyền hình thiết yếu cùng với các kênh chương trình trong nước khác và kênh chương trình nước ngoài.
Với cách cung cấp dịch vụ của các đơn vị truyền hình trả tiền như hiện nay thì người bị thiệt hại nhiều nhất chính là người tiêu dùng, đặc biệt là trong việc xem các Kênh truyền hình thiết yếu. Bởi lẽ, các Kênh truyền hình thiết yếu ra đời nhằm mục đích thời sự, phục vụ yêu cầu thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng của quốc gia và của địa phương. Vì tôn chỉ và mục đích cũng như tầm quan trọng của các kênh chương trình này đối với người xem trong nước như vậy, Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã quy định nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh truyền hình quảng bá và truyền hình trả tiền tách bạch Kênh truyền hình thiết yếu so với các kênh chương trình khác. Đồng thời, người tiêu dùng phải được tiếp cận các chương trình này mà không phải trả tiền thuê bao, hoặc bị kiểm soát, ràng buộc điều kiện thu tín hiệu… để có thể cập nhật các thông tin thời sự, các tin tức quan trọng. Điều này hoàn toàn khác với thực tế cách thức mà các đơn vị truyền hình trả tiền đang thực hiện. Việc các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đặt vị thế của các Kênh truyền hình thiết yếu ngang hàng với các chương trình trong nước khác và chương trình nước ngoài, cũng như hạn chế người xem tiếp cận các Kênh truyền hình thiết yếu.