Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển

Người trả lời chất vấn thu hút nhất

Người trả lời chất vấn thu hút nhất

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nhận được 12 câu chất vấn gửi trước, trong đó hơn phân nữa đã đề cập đến vấn đề đang "nóng" hiện nay là vụ tiêu cực trong phân bổ hạn ngạch dệt may. Bên cạnh đó nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề thị trường dệt may năm 2005 sẽ ảnh hưởng như thế nào sau vụ tiêu cực này và những giải pháp để hạn chế tiêu cực trong việc phân bổ hạn ngạch dệt may.

Người trả lời chất vấn thu hút nhất ảnh 1

Ở đâu có phân phối, ở đó có tiêu cực

Giải trình về những sai phạm trong phân bổ quota dệt may, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết: Quy mô và tính chất tiêu cực của vụ này còn chờ thanh tra. Tuy nhiên về đại thể có 2 nhóm nội dung chính, đó là sự cố tình phân phối sai để nhận hối lộ và lợi dụng quyền hạn trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ. Sai phạm dù dưới bất cứ hình thức nào, thì trước hết  cá nhân gây ra sai phạm sẽ bị pháp luật xử lý”


Riêng cá nhân ông Trương Đình Tuyển, dù không sai phạm nào nhưng đã để xảy ra sai phạm, ông xin chịu trách nhiệm nghiêm túc. Cũng theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, việc kiểm điểm ông cùng các cán bộ, nhân viên có liên quan đã có sự chứng kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, đại diện Chính phủ.

 

Người trả lời chất vấn thu hút nhất ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển

Tuy nhiên, khi giải thích nguyên nhân của các vụ tiêu cực trên, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển diễn giải khá vòng vo, lòng vòng về những tác động khó khăn từ khách quan lẫn chủ quan (bối cảnh khó khăn trong đàm phán với châu Âu, Hoa Kỳ về hạn ngạch dệt may, những chính sách ưu tiên trong phân phối quota, lực lượng cán bộ, chuyên viên thiếu…)  khiến cho việc phân phối nảy sinh tiêu cực. "Ở đâu có phân phối, ở đó có tiêu cực", Bộ trưởng Trương Đình Tuyển xác nhận  


Sau một hồi diễn giải, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển quay lại vấn đề: “Bản thân tôi có thái độ nghiêm khắc với những sai phạm nhưng không thể sống mãi với sai phạm mà phải rút ra kinh nghiệm gì cũng như đã có sự sửa chữa, khắc phục gì”


Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, bài học kinh nghiệm lớn nhất ở đây là Bộ chưa nghĩ ra một cơ chế giám sát làm việc song hành, độc lập với bộ phận quản lý và việc quản lý chưa theo kịp với tình hình mới.

 

Về việc khắc phục, sửa chữa, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã giới thiệu về việc xây dựng một quy trình phân phối hạn ngạch mới, theo ông là minh bạch, hợp lý, hạn chế được những tiêu cực - cụ thể là hiện tượng “văn hóa phong bì” mà trước đây những doanh nghiệp phải hứng chịu khi ra bộ để xin quota. 

  • Giá cả tăng do giá thế giới tăng?

Về giá cả Bộ trưởng Trương Đình Tuyển giải trình, 11 tháng của năm 2004 giá cả tăng bình quân 8,8%, khách quan mà nói ở những mức độ khác nhau việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Việc tăng giá tập trung vào chủ yếu các mặt hàng như thực phẩm và lương thực.

Thứ nhất thực phẩm tăng 16,3% nguyên nhân quan trọng nhất đó là do chúng ta mắc bệnh cúm gà, mất đến 42 triệu con gà và 24 triệu quả trứng. Đàn gà của chúng ta chiếm 17% trong cơ cấu tiêu dùng, do đó khi thiếu thịt gà không những làm tăng giá thịt mà còn làm tăng nhiều giá thực phẩm khác "đó là điều khó tránh khỏi" ông Tuyển nhấn mạnh.

Thứ hai, lương thực tăng 13,4%, nói đến lương thực là nói đến lúa, ở đây chính phủ phải giải quyết một mâu thuẫn và tìm cho được điểm cân bằng hợp lý. Đó là  là quốc hội muốn giá lúa cao là để người dân có lời, nhưng lại muốn giá tiêu dùng thấp. Tháng 12 - 2003 trung bình 1 ha người dân có lời được 4 triệu đồng, đến thời điểm này của năm 2004, 1 ha nông dân lời khoảng 5 triệu đồng. Nếu như tình hình giá xăng tăng , phân bón tăng thì liệu rằng người dân có còn lời được như thế này không, nếu giá lương thực giảm.

"Nếu Chính phủ kiềm chế giá bán gia cầm nhiều đại biểu Quốc hội chưa chắc đã đồng tình. Người nông dân đã bị mất mát sau dịch bệnh, nếu giảm giá bán gia cầm họ sẽ sống thế nào", ông Tuyển đặt vấn đề.


Một nguyên nhân nữa khiến giá tiêu dùng tăng, theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, năm 2004, giá một số mặt hàng trên thế giới tăng cao, ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Ví dụ giá xăng dầu, phân bón tăng khiến chi phí sản xuất gạo trong nước tăng. "Giá gạo tăng, thu nhập người nông dân tăng nhưng họ không được lợi. Lý do là họ phải thêm tiền đóng học cho con, chi phí cho đời sống hằng ngày cũng tăng", ông Tuyển nói.

Người trả lời chất vấn thu hút nhất ảnh 3

Đại biểu Na'eng Kim Cheng đặt vấn đề "Về việc tăng giả cả, bộ trưởng có trả lời nguyên nhân chủ yếu là do giá thế giới biến động. Tuy nhiên đã có nhiều nhận định cho rằng còn những yếu tố khác tác động như công tác dự báo, công tác phân tích giá, thậm chí còn do việc buông lỏng vai trò quản lý nhà nước của bộ. Điều đó đã dẫn tới một số doanh nghiệp lớn thao túng điều khiển giá, khiến giá tăng đột biến. Bộ trưởng có nhận định gì về những nguyên nhân trên ".

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định: có nhiều mặt hàng tăng giá chủ yếu là do giá cả thế giới biến động như thép, xăng dầu...Đối với những mặt hàng này chính phủ không thể nào quay trở lại các biện pháp quy định giá như trước đây. Và một trong những tiêu chí của nền kinh tế thị trường là chính phủ không can thiệp về giá.

Còn những nguyên nhân chủ quan như công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức hệ thống phân phối giá ... chỉ làm cho tình hình phức tạp thêm.

Nói thêm về những nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng báo về việc cá nhân ông và Bộ Thương mại vào năm 2003 cũng đã có sự phân tích dự đoán trước tình hình biến động giá xăng dầu, từ đó, đã xây dựng và trình Chính phủ thông qua cơ chế mới về phân phối xăng dầu, giúp cho tình giá cả xăng dầu Việt Nam không bị nhiều biến động.

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng phải thừa nhận  còn có những yếu kém, khuyến điểm trong công tác điều hành, trong đó có những yếu kém tích lũy từ lâu

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái): Xin Bộ trưởng cho biết hướng khắc phục việc sử dụng các chợ đầu mối hoạt động không hiệu quả ? Tại sao Bộ trưởng đưa ra nhiều biện pháp như cải cách hành chính, công bố thông tin trên mạng...nhưng hiệu quả không cao ? Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với những sai phạm trên cụ thể ra sao ?

Bộ trưởng Trương Đình Tuyến: Bộ đã có báo cáo cụ thể thống kê số lượng chợ đầu mối không hiệu quả. Dù chợ này do địa phương đầu tư nhưng Bộ vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Nhưng ông cũng cho rằng, khả năng khắc phục việc không hiệu quả này hoàn toàn có thể như dự án khác vì chỉ cần tác động, thuyết phục đến tập quán, tâm lý người dân. Bộ cũng đề nghị Thành phố dành cho TCty Dệt may chuyển đổi chợ đầu mối nông sản Bắc Thăng Long thành chợ nguyên liệu. Về trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng, ông cho biết mình đã có báo cáo kiểm điểm gửi Bộ Chính trị và cho rằng nếu Quốc hội kiểm điểm trách nhiệm thì sẵn sàng chịu trách nhiệm.

  • Cơ chế phân bổ hạn ngạch dệt may làm nảy sinh tiêu cực?

ĐB HLuôc NTơr (Đắc Lắc), chất vấn bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển bằng câu hỏi về vụ tiêu cực lớn trong phân bổ hạn ngạch dệt may liên quan tới Thứ trưởng Mai Văn Dâu và một số quan chức cao cấp của Bộ Thương mại. Với cương vị của mình, bộ trưởng đã biết chưa, hay chỉ khi báo chí lên tiếng rồi bộ trưởng mới biết? Hướng xử lý của Bộ Thương mại là thế nào? Đại biểu Luôc NTơr còn thắc mắc vì sao giá đầu vào cho các vật tư nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thuốc BVTV...) vẫn cứ cao mãi, liệu có biện pháp nào để hạ nhiệt?

Trả lời câu hỏi của đại biểu HLuôc NTơr, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển cho rằng trước đó Bộ trưởng đã nghe dư luận về chuyện có tiêu cực trong việc phân bổ hạn ngach (quota) dệt may, và từ năm 2003 Bộ trưởng đã định cho tiến hành thanh tra,  nhưng do Bộ bận nhiều việc nên chưa làm được. Bản thân cơ chế phân bổ hạn ngạch dệt may là cơ chế xin - cho, và theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, tự cơ chế này sẽ sinh ra tiêu cực.

Về quan điểm xử lý các quan chức vi phạm trong Bộ Thương Mại, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tỏ thái độ dứt khoát và thẳng thắn nếu tìm đủ chứng cứ tham nhũng, ăn hối lộ, và bản thân Bộ trưởng không e ngại hay cả nể gì. Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đã thừa nhận rằng, đây là một bài học đau đớn cho Bộ và rất cần có sự giám sát thêm của người dân và cá cơ quan chức năng. Về vấn đề giá cả đầu vào cho các vật tư nông nghiệp liên tục tăng, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng đây là một vấn đề khó vì giá cả này phụ thuộc vào giá cả thế giới...

Đại biểu Lê Quốc Hưng (Thái Bình): Đặt vấn đề sự giản ra giữa các vùng, việc bình ổn giá cá vừa qua hình như chỉ có lợi cho khu vực Đồng bằng sông cửu long, vậy làm thế nào để rút ngắn khoảng cách?

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Đúng là việc điều chỉnh giá cả có ảnh hưởng đến việc tạo khoảng cách giữa các vùng, bởi vì giá công nghiệp, rất khác giá nông nghiệp. Do vậy về lâu về dài như tôi đã nói phải quyết liệt chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chỉ có thể làm tốt việc này khi từng địa phương làm tốt công tác chuyển dịch, chứ Chính phủ cũng chỉ làm chung cho toàn quốc chứ không cụ thể từng địa phương được.

Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (TPHCM): Boăn khoăn về kế hoạch phát triển thương mại năm 2005 của Bộ Thương mại, vì hạ tầng cơ sở còn có nhiều vấn đề đáng nói?

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Cái  cốt yếu của vấn đề như tôi và nhiều người cũng đã từng nói, công tác cán bộ, phải có cán bộ giỏi. Nếu tất cả các cán bộ đều có tài điều hành doanh nghiệp như chị Nghĩa tôi tin sẽ làm được (bà Nghĩa hiện là Chủ tịch HĐQT HTX mua bán TPHCM)

  • Gian lận thương mại và "đem con bỏ chợ"
Người trả lời chất vấn thu hút nhất ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bức xúc: rất tiếc thủ đoạn gian dối trong kinh doanh xăng dầu (như pha xăng A83 và xăng A92, đong thiếu...) mà bộ trưởng trong báo cáo đã gọi được gọi là gian lận thương mại  lại được lực lượng quản lý thị trường xử lý quá nhẹ, không có tính răn re. Điều này là không hợp lý và không công bằng. Bộ trưởng có ý kiến gì về tình trạng này?

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển thừa nhận có hiện tượng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, cụ thể là trong chất lượng xăng dầu Bên cạnh đó, việc kiểm soát, quản lý của ngành trong lĩnh vực này còn hạn chế. Tuy nhiên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng nêu lên một tình trạng bất cập trong công tác quản lý, đó là một bên là Bộ Khoa học công nghệ sở hữu một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nhưng lại mỏng và một bên là  Bộ Thương mại có một lực lượng cán bộ tuy nhiều hơn nhưng lại hạn chế về lĩnh vực chuyên môn. Nếu sự phối hợp giữa hai đơn vị này không tốt thì sẽ nảy sinh vấn đề. Do vậy cần phải có sự phối hợp tổng thể trong việc kiểm tra, quản lý các hoạt động kinh doanh xăng dầu; hoàn thiện bộ máy quản lý hành chính tổng thể chứ không giải quyết từng khu vực

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề cập đến việc ban hành nhưng pháp lệnh, nghị định mới trong xử phạt để đảm bảo tính răn đe trên cơ sở Quốc hội thông qua Luật Thương mại

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng đề nghị Chính phủ xem xét hạn chế, ngăn cấm không cho hoạt động những loại xe cũ, sử dụng xăng A83 vì như thế mới xóa được tình trạng người kinh doanh mua xăng A83 nhưng lại treo bảng bán xăng A92 

Về tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh Hội chợ "đem con bỏ chợ" khi đưa các doanh nghiệp trong nước đi tham dự Hội chợ, triển lãm ở nước ngoài mà đại biểu Huỳnh Văn Chính nêu ra, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của địa phương trong việc cấp phép và kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp này. "Chỉ có doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh hội chợ mới được đưa các doanh nghiệp đi tham gia hội chợ, triển lãm", Bộ trưởng khẳng định

  • "Các Bộ trưởng nhớ cho 6 chữ !"

Tuy còn đến 5 đại biểu có ý kiến chất vấn, nhưng Chủ tịch Nguyễn Văn An đã lấy ý kiến của Quốc hội đồng ý để các đại biểu này gửi bằng văn bản đến Bộ trưởng Trương Đình Tuyển. Chủ tịch Nguyễn Văn An còn nhận xét sau khi hỏi ý kiến các đại biều Quốc hội trong giờ giải lao: Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là người trả lời chất vấn hấp dẫn nhất, thu hút nhất trong 2 ngày chất vấn vừa qua.

Bởi vì theo Chủ tịch Nguyễn Văn An, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là người dám nói, dám làm, không né tránh, không do dự và tự nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Đây là một nhận thức về việc chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Bất cứ một việc gì xảy ra, Quốc hội, Chính Phủ chỉ biết có mỗi Bộ trưởng, vì đó là người "tư lệnh" lĩnh vực trên toàn quốc.

Chủ tịch Nguyễn Văn An cho biết thêm sắp tới Chính phủ sắp ban hành Nghị định về trách nhiệm của những người đứng đầu các Bộ, Ngành. Và ông cũng mong nghị định này sẽ có sớm để các Bộ trưởng không còn "boăn khoăn" nhận trách nhiệm khi bộ mình có sai phạm. 

Cuối cùng Chủ Nguyễn Văn An lưu ý các vị Bộ trưởng nhớ cho 6 chữ: Trách nhiệm - Sâu sát - Kiên quyết. "Tôi nói như thế vì vừa qua nhiều Bộ trưởng cứ biện minh, sai trái là do cấp dưới làm, nên boăn khoăn khi nhận trách nhiệm trước Quốc hội, nhận thức như vậy là không đúng, vì Quốc hội, Chính phủ chỉ biết có Bộ trưởng là người đứng đầu lĩnh vực đó", ông nhấn mạnh.

SGGP Online

Tin cùng chuyên mục