
(SGGPO).- Sáng nay, 17-4, ngày thứ 6 xét xử vụ án tham nhũng tại các bưu điện tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo các bưu điện thuộc nhóm tội danh “cố ý làm trái…”.
Đầu buổi sáng, toà cho gọi bị cáo Ngô Quang Thạch, nguyên Giám đốc Bưu điện Cần Thơ để thẩm vấn thêm một số vấn đề liên quan đến sai phạm của bị cáo này.

Luật sư và các bị cáo trao đổi trong giờ giải lao.
Theo bị cáo Thạch, sau khi vụ việc liên quan đến tập đoàn “CIP” của Nguyễn Lâm Thái bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố điều tra, để đảm bảo khách quan, Bưu điện Cần Thơ đã phối hợp cùng Công an TP Cần Thơ vào cuộc kiểm tra, đánh giá toàn bộ về chất lượng, mẫu mã trang thiết bị, vật tư mà bưu điện này đã mua sắm của Nguyễn Lâm Thái.
“Kết quả kiểm tra của phía Công an Cần Thơ đã xác định hầu hết chủng loại hàng hoá đều trùng khớp với hợp đồng và kết quả nghiệm thu và đến nay số thiết bị này vẫn hoạt động tốt. Nhưng khi nhận được thông báo của phía cơ quan điều tra Bộ Công an tôi thật sự bàng hoàng vì con số thiệt hại được giám định cho kết quả quá lớn, lên đến trên hai tỷ đồng, lớn gấp nhiều lần con số mà chúng tôi tính toán”, bị cáo Thạch trình bày.
“Tôi thừa nhận mình có sai sót trong việc ký kết các hợp đồng với Nguyễn Lâm Thái như đã không tổ chức chào hàng, chào giá cạnh tranh, mở thầu… nhưng hành vi của tôi không đến nỗi phạm tội cố ý làm trái. Bây giờ cơ quan điều tra bảo chúng tôi phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại đã gây ra thì chúng tôi chịu. Về số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, tôi xin nộp để khắc phục hậu quả. Tôi xin chịu hết trách nhiệm vì dưới tôi anh em còn quá khổ, nhưng do khả năng tôi chỉ đến đó chứ nếu có đủ tôi xin nộp thay cho anh em”- bị cáo Thạch trình bày tiếp.
Bào chữa cho bị cáo Ngô Quang Thạch nhưng trong phần thẩm vấn bị cáo này, luật sư Phan Trung Hoài bất ngờ xin phép hội đồng xét xử cho mời vợ bị cáo Ngô Quang Thạch là bà Trần Ánh Hồng (là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này) để xin “hỏi một câu ngắn gọn” về việc bà Hồng đứng tên 3 lần chuyển số tiền hơn 1,2 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả cho chồng.
Toà chấp nhận mời bà Ánh Hồng tham gia phần xét hỏi của luật sư. Luật sư Phan Trung Hoài hỏi: “Xin bà cho biết số tiền 1,2 tỷ đồng mà bà đứng tên nộp cho cơ quan điều tra là từ đâu, có phải là tiền cá nhân?”.
Không đi thẳng vào phần trả lời câu hỏi của luật sư, phu nhân của cựu giám đốc bưu điện tay cầm sẵn cuốn tập ghi chép cẩn thận đã phát biểu ngay cảm tưởng của mình về phiên toà này và bào chữa cho chồng một cách bài bản.
“Thưa quý toà, chồng tôi có gần 40 năm cống hiến cho Đảng, nhà nước là một người cha mẫu mực, người chồng thuỷ chung, người cán bộ liêm khiết. Vì vậy, là người vợ, tôi bảm đảo chồng mình không phạm tội. Khi vụ án được khởi tố, mỗi buổi sáng thức giấc, thấy báo chí thông tin nay bắt người của bưu điện này, mai bắt người của bưu điện kia nên gia đình tôi rất hoang mang và nghĩ đơn giản nếu có thiệt hại thì phải khắc phục hậu quả trước, giống như cầu sập thì quyên góp giúp đỡ người bị nạn ngay. Tôi và chồng đã thống nhất quan điểm như vậy nên ban đầu nghe chồng tôi nói chắc phải nộp tiền thiệt hại khoảng vài trăm triệu, nhưng khi được thông báo gửi về, thấy hai tỉ mấy thì thực sự tá hoả. Gia đình tôi huy động người thân, bạn bè, thậm chí có anh em ở bưu điện cũng xin đóng góp để chồng tôi có tiền nộp cho cơ quan điều tra. Thời gian chỉ có một tháng, chúng tôi gom góp được hơn 1,2 tỷ đồng để nộp…”- bà Hồng phát biểu một lèo.
Khá sốt ruột, cả luật sư Phan Trung Hoài và chủ toạ phiên toà buộc phải chen ngang lời của bà Hồng để cắt lời phát biểu và đề nghị trả lời thẳng vào câu hỏi của luật sư. Tuy nhiên, vị phu nhân của cựu giám đốc bưu điện vẫn «xin nói thêm một tí » rồi tiếp tục bào chữa cho chồng mình: “Tôi xin HĐXX đồng cảm cho sai phạm của chồng tôi, dù con số thiệt hại của vụ án này có lớn đến cỡ nào nhưng cũng không lớn hơn danh dự của chồng tôi đã tạo dựng bao năm nay, tôi có lòng tin ở HĐXX và tha thiết đề nghị quý toà xem xét… ». Như thể không còn đủ kiên nhẫn, chủ toạ ngắt lời bà Ánh Hồng và khuyên nên để dành phần phát biểu trong phần tranh luận sắp tới…
Cũng trong sáng nay, HĐXX chuyển sang thẩm vấn nhóm các bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo Bưu điện tỉnh Cà Mau. Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 7-1999 đến tháng 8-2004, Bưu điện tỉnh Cà Mau do bị cáo Phạm Minh Quang làm giám đốc đã ký 11 hợp đồng kinh tế, đầu tư mua sắm thiết bị, vật tư với 5 Công ty TNHH của Nguyễn Lâm Thái với tổng trị giá trên 2,7 tỷ đồng. Trả lời thẩm vấn, bị cáo Phạm Minh Quang thừa nhận có sai sót nhưng không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Chiều nay phiên toà tiếp tục với phần thẩm vấn.
VĨNH NGUYÊN