Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (27-1-1973 – 27-1-2013), Báo SGGP đã tìm gặp bà Nguyễn Thị Bình, một trong bốn nhân vật đại diện chính thức cho các bên ký kết Hiệp định. Bà Nguyễn Thị Bình cầm bút ký kết bản Hiệp định với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 40 năm đã trôi qua, bà vẫn nhớ như in cảm xúc của thời khắc quan trọng đó.
Hiệp định Paris - Kết tinh sức mạnh niềm tin
- Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại này, cảm xúc trong bà thế nào?
>> Bà NGUYỄN THỊ BÌNH: 40 năm qua rồi, không phải là thời gian ngắn. Khi tôi ký Hiệp định Paris, tôi 46 tuổi và bây giờ đã 86 tuổi. Từ đó đến nay, bao nhiêu chuyện xảy ra. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, đặc biệt là trên bàn đàm phán Hiệp định Paris là thắng lợi lịch sử đối với dân tộc ta. Đó là thắng lợi để chúng ta có hòa bình, độc lập, tự do ngày hôm nay.
Phải nói, 5 năm làm việc trên bàn đàm phán không phải là ngắn. Người ta nói đó là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử cho một cuộc chiến tranh, cũng dài nhất trong lịch sử. Nhiều căng thẳng, khó khăn, có lúc chán ngán. Căng thẳng nhưng cuối cùng cũng đi đến thắng lợi nên rất phấn khởi, đạt được mục tiêu đã định, đã mong đợi từ lâu. Khi cầm bút ký Hiệp định, cảm xúc rất nhiều. Như vậy là ta đã đạt được thắng lợi rất lớn, quyết định; cá nhân mình đã làm được nhiệm vụ được giao. Tôi nghĩ đến bao nhiêu người ở trong nước, bao nhiêu bạn bè đã chiến đấu, hy sinh gian khổ để có thời khắc đó. Nói chung cảm xúc rất lớn, rất phong phú.
- Tại thời điểm đó, bà có tin ngày chúng ta chiến thắng, giải phóng miền Nam đã cận kề?
Nói thật, lúc đó chúng tôi nghĩ, thắng lợi đó là to lớn nhưng chiến tranh chắc chưa chấm dứt. Nhưng nếu không có thắng lợi của Hiệp định Paris thì cũng khó có thắng lợi hoàn toàn sau này.
Có thể nói rằng, ở trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị, có đường lối chính trị của Đảng, Bác Hồ rất tài tình, đó là yếu tố quyết định thắng lợi của chúng ta. Nhưng phải nói, chiến sĩ của chúng ta ở trong nước cũng như toàn thể cán bộ, kể cả cán bộ trên bàn đàm phán đều có một lòng tin, sức mạnh là nhất định chiến thắng thuộc về ta. Niềm tin đó tuyệt đối. Bây giờ nhìn lại, ngày đó chưa có lúc nào tôi nghĩ rằng chúng ta không thắng lợi, chỉ là khi nào thôi. Chính niềm tin tuyệt đối giúp cho chúng ta, ở trong nước cũng như trên bàn đàm phán, luôn có quyết tâm làm thật tốt công việc được giao.
- 40 năm qua, bà vẫn luôn nhớ về những thời khắc quan trọng đó?
Cái đã qua để lại những kinh nghiệm, cảm xúc nhưng tâm trí tôi giờ đây dành quan tâm nhiều đến tình hình hiện nay và tương lai. Đó là nhiệm vụ phải tiếp tục phát huy những thắng lợi trong giai đoạn hiện nay. Những người như tôi, đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, cảm thấy lo khi tình hình hiện có nhiều khó khăn. Lo làm sao để phát huy được những thành quả cách mạng của cha ông để lại, đó là điều phải suy nghĩ nhiều. Tất nhiên, mỗi dịp đến ngày kỷ niệm, tôi lại nhớ. Nhưng nhớ tới là để nghĩ, ngày nay chúng ta phải tiếp nối thế nào.
- Điều trăn trở nhất của bà hiện nay là gì?
Khi còn kháng chiến, cứ nghĩ một khi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước thì chắc mọi việc đều dễ dàng. Tôi và bao nhiêu người đều nghĩ như vậy. Nhưng bây giờ nhìn lại, cuộc đấu tranh để phát triển đất nước, nói cách khác là để phát huy thành quả cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc là cuộc đấu tranh gian khổ, có khi còn gian khổ, phức tạp hơn.
Qua 40 năm, nhìn lại thấy lúc bấy giờ suy nghĩ mọi việc còn đơn giản và ngây thơ quá. Không có độc lập dân tộc thì không thể phát triển đất nước nhưng độc lập rồi còn phải tiếp tục xây dựng. Nếu nói có độc lập là có tất cả là không phải. Bác Hồ đã nói rồi, độc lập mà nhân dân chưa có hạnh phúc thì độc lập đó chưa có ý nghĩa. Bây giờ tôi rất thấm điều đó. Giành độc lập là phải hy sinh nhiều lắm nhưng có lẽ xây dựng đất nước còn khó khăn, phức tạp hơn. 40 năm qua cho thấy điều đó, nhất là trong tình hình thế giới vẫn còn nhiều biến động, có nhiều diễn biến khôn lường.
Chúng ta phải lo mọi mặt về cuộc sống để nhân dân hạnh phúc hơn, từ đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần đòi hỏi đều phải phát triển, nâng lên. Đúng là sau chiến tranh, điều quan tâm đầu tiên phải là đời sống của nhân dân. Chúng ta thiếu lương thực nên coi trọng tâm kinh tế là đúng đắn. Nhưng ngay cả lúc đó, nhiều đồng chí lãnh đạo cũng đã nói, quan tâm kinh tế nhưng vẫn phải sớm coi trọng vấn đề văn hóa, xã hội. Thực tế đã qua càng chứng tỏ đúng là phải quan tâm cả hai phía. Vừa qua chúng ta tập trung làm kinh tế và thu được thành tựu lớn, rõ nhất là nông nghiệp. Từ chỗ không đủ ăn bây giờ đã thành nước xuất khẩu gạo thứ nhất thế giới. Nhưng về lâu dài, chúng ta phải quan tâm về văn hóa, xã hội, về con người. Tôi cho hiện nay vấn đề giáo dục, văn hóa phải được coi trọng. Nếu không làm tốt thì kinh tế sẽ không phát triển được. Mà theo tôi, khó khăn về kinh tế hiện nay cũng có nguyên nhân từ văn hóa, giáo dục làm chưa tốt trong những năm qua.
Nhân lên khát vọng thế hệ trẻ
- Đó là lý do bà mong muốn phát triển Quỹ Hòa bình và phát triển?
Thực ra, hiện nay chúng ta vẫn phải bảo vệ đất nước. Vì có hòa bình mới có thể phát triển được, làm được mọi thứ như chúng ta mong muốn. Chúng ta phải luôn làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình. Muốn hòa bình thì trước hết trong nước chúng ta phải mạnh lên, đồng thời phải có đường lối đối ngoại khôn ngoan. Chúng ta đã có kinh nghiệm của cuộc chống Mỹ cứu nước với đường lối đối ngoại rất khôn ngoan, tài tình, vấn đề là thực hiện đường lối đó cho đúng. Trong lúc này, muốn làm đối ngoại tốt thì trong nước phải vững, đoàn kết tốt, đó là cái gốc. Nội lực phải vững mạnh thì đối ngoại mới thuận lợi. Đó cũng là điều kiện để chúng ta thực hiện mong muốn có một xã hội tốt đẹp, no ấm, hạnh phúc cho mọi người. Đồng thời phải quan tâm phát triển nhiều mặt, trong đó trước hết phải là phát triển con người. Con người của chúng ta hiện nay cũng có nhiều vấn đề. Cái này có khách quan của nó. Một đất nước mấy chục năm chiến tranh liên tục, rất xáo trộn. Tuy khó khăn nhưng chúng ta phải đặt ra yêu cầu chuyển biến nhanh để có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới là phát triển đất nước. Phải hết sức quan tâm phát triển văn hóa, mà cốt lõi là giáo dục. Đó là lý do mấy năm nay, sau khi về hưu, tôi đặc biệt quan tâm về giáo dục, vì giáo dục hiện nay của chúng ta thực sự chưa tốt. Đó là điều tôi lo nhất hiện nay, vì nếu không có con người tốt thì chúng ta khó mà làm những việc khác.
- Bà có tin thế hệ trẻ sẽ làm nên được những điều kỳ diệu như ông cha đã từng làm?
Thắng lợi chống Pháp, chống Mỹ của chúng ta được cả thế giới khâm phục cho đến tận bây giờ. Nguyên nhân của kỳ tích này là gì? Dĩ nhiên có vấn đề về đường lối, về đoàn kết nhưng suy đến cùng là trí tuệ Việt Nam: về mặt quân sự, chiến lược, chiến thuật cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Đó chính là trí tuệ của chúng ta, nhờ thế mới thắng được những kẻ thù lớn mạnh hơn chúng ta nhiều lần. Vì thế, tôi tin con người Việt Nam có đủ những yếu tố để làm nên những điều to lớn, tốt đẹp.
Thực tế đã chứng minh, chúng ta có những tố chất đó. Thế hệ trẻ hiện nay cũng từ dân tộc này mà ra. Vấn đề là phải chuẩn bị cho các em thế nào để các em thực hiện được nhiệm vụ của mình. Tôi tin nếu giáo dục tốt chắc chắn chúng ta có thể làm được điều to lớn, tốt đẹp, thậm chí là kỳ diệu như chúng ta đã từng làm. Có thể bây giờ có những điều đang diễn ra không như mong muốn, ví dụ như tiêu cực nhưng cũng có những con người, những tấm gương khiến chúng ta khâm phục. Có những em rất nghèo nhưng học rất giỏi, có những nông dân sáng tạo ra những phát minh tầm của các nhà khoa học.
- Xin cảm ơn bà!
| |
Phan Thảo