Cánh mai vàng trước sân nhà tôi đã nở bung chiều sơ xuân se lạnh. Con Nguyễn Quang Sáng gọi báo cho tôi biết là “ba Sáng đã về với tổ tiên”. Tôi bàng hoàng vì mới đây, tôi, anh Đặng Quang Dương và chú em Võ Khắc Đội (láng giềng) còn đỡ anh lên xe đi ăn cháo vịt. Hôm ấy, anh nói mình và Tuấn sẽ ra Hà Nội, làm một chuyến dối già. Nhưng chiều nay anh lỡ hẹn rồi!
Mới đây trước tết tôi còn dự sinh nhật của anh (12-1), anh bảo anh sẽ vượt qua con số 85 và hôm chủ trì cho sinh nhật của tôi, anh còn bảo sẽ phấn đấu 5-10 năm nữa…, năm nào anh cũng dự sinh nhật của tôi và ngược lại.
Tôi thân với Nguyễn Quang Sáng từ năm 1954 hồi chuyển quân tập kết. Rồi cùng ở Đài Tiếng nói Việt Nam làm biên tập, cùng đi B. Hồi ấy tôi ở Hàng Khay, anh ở 20 Tràng Tiền, thường qua lại với nhau. Chúng tôi hay hẹn nhau ở Cổ Tân gần Nhà hát lớn mỗi khi thấy nhớ nhà, nhớ quê miền Nam. Lúc bấy giờ Nguyễn Quang Sáng viết Con chim vàng và tiểu thuyết Đất lửa về vùng đất nhiều đồng bào theo đạo Hòa Hảo của anh.
Đọc tác phẩm của anh, Nguyễn Tuân đã nhận xét: “Có cựa và đủ lông, ra trường được rồi!”. Con gà chọi Nguyễn Quang Sáng và tôi là bạn vong niên với Nguyễn Tuân, khi ấy tôi đã viết Với bác Nguyễn, bác thường bảo: “Sáng như Con chim vàng sải cánh trên cánh đồng mênh mông của miền Tây Nam bộ, có thể bay cao, bay xa được rồi đấy!”. Mà thật vậy! Nguyễn Tuân đã đánh giá anh là một ngòi bút sắc sảo và đậm chất Nam bộ, tiêu biểu cho vùng sông nước chín rồng cuộn sóng.
Tôi còn nhớ Sài Gòn vừa giải phóng ngày 30-4 thì 1-5 tôi từ Đà Nẵng và Nguyễn Quang Sáng từ Hà Nội vào cùng một chuyến bay đến Tân Sơn Nhất. Nguyễn Quang Sáng không đi xe ra đón mà mướn xích lô máy và rủ tôi, hai anh em chạy quanh Sài Gòn, tiếng xe máy nổ bình bịch qua các quận. Anh bảo tôi có như thế mới quan sát và viết được.
Đến chiều tối khi qua các huyện ngoại thành chúng tôi mới về chỗ ở 148 Võ Văn Tần, quận 3 (lúc bấy giờ do Ban Tuyên huấn Thành ủy quản lý). Nguyễn Quang Sáng ở lầu dưới, tôi ở lầu trên và Triệu Xuân chưa được bố trí nhà, còn ở tạm với tôi. Nhà chúng tôi như “chiêu đãi sở” của Hội Nhà văn, Nguyễn Quang Sáng và tôi tiếp các bạn Hà Nội như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh đều ở đấy. Tôi lo mồi, Sáng lo rượu đế, vợ anh và nhà tôi đều lo phục vụ, các con anh và con tôi là bạn học với nhau. Anh rủ bác Tuân, Tô Hoài về quê anh ở hàng tuần. Dòng sông tuổi thơ cũng được anh ấp ủ từ đây, dòng sông cuộn sóng, nơi 1930 cờ đỏ đã treo cao trên dòng sông oai hùng này.
Có lần ra Hà Nội, tôi và anh được Văn phòng Chủ tịch nước mời vào gặp bác Tôn. Văn phòng hỏi anh đi bằng xe gì, số xe? Anh trả lời: “Đi bằng xích lô”. Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, chánh văn phòng, thấy vậy bèn cho ô tô ra đón, anh bảo tôi: “Đi xích lô thoải mái, ung dung và an toàn hơn”.
Khi nào anh viết bị kẹt ý tứ, câu chữ, anh thường nằm đong đưa trên võng và thế là ý tứ lại tuôn trào ra. Anh làm việc tưởng như chơi nhưng thật ra lại rất siêng năng, cần cù, có như vậy mới có bút lực gần 30 tác phẩm, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, điện ảnh. Anh được giải thưởng Văn hóa nghệ thuật Hồ Chí Minh về điện ảnh, được giải Vàng kịch bản Cánh đồng hoang tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva. Anh là một chiến sĩ liên lạc dũng cảm, gan dạ, giữ được phẩm chất cao đẹp về anh lính Cụ Hồ, một nhà văn xuất sắc có nhiều tác phẩm hay.
Tôi và nhà thơ Nguyễn Duy đã viết và đạo diễn phim tài liệu nghệ thuật về anh, về Đoàn Giỏi và nhiều bạn văn khác.
Những ngày đầu giải phóng Campuchia, tôi và anh được bạn mời sang, khi về bằng đường hàng không, máy bay bị trục trặc, “cô nàng” Iắc 40 ngúng nguẩy chuyện xăng nhớt. Định quay về bằng đường bộ nhưng phi công lại biết Nguyễn Quang Sáng nên đã cùng tốp bay sửa chữa suốt ngày. Khi máy bay cất cánh được, đội bay nói: “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi thì phải bay thử vài vòng cho an toàn mới mời nhà văn”. Theo trưởng đội bay, phải cẩn thận không được sơ suất vì Nguyễn Quang Sáng là nhà văn lớn của Nam bộ thành đồng. Hành lý chúng tôi có phần hơi nặng, cô cân hành lý nói: “Bản thảo nhà văn Nguyễn Quang Sáng có thừa cũng không tính cước”. Có lần tôi và anh đi xe con ở Hà Nội, lái xe vô tình vi phạm luật, anh xuống xin lỗi. Anh công an trẻ nói: “Ai chứ xe chở tác giả Chiếc lược ngà ở phổ thông anh đã học thì cho qua” và anh còn chào kính trọng. Anh sống trong lòng bạn đọc như thế đó!
Năm 2010, anh và tôi cùng nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, hai anh em lại liên hoan. Là người lính già, chuyện của anh là chuyện về người lính, chuyện về đồng đội, chuyện chiến đấu ngoan cường. Anh hẹn với tôi ra Hà Nội một chuyến nhưng rồi không thể thực hiện. Anh là nhà văn cầm bút không lúc nào nghỉ ngơi suốt 60 năm. Sáng nay anh hơi mệt, gia đình dìu anh nằm nghỉ, tim anh đã ngừng đập, anh đã ra đi về cõi người hiền. Chiều nay, tôi và nhà văn Lê Quang Trang bên linh cữu anh ở nhà riêng, tôi vuốt mắt anh trước khi liệm, anh ngủ yên anh nhé!
Con chim vàng đã bay xa mãi mãi, anh sẽ về gặp các bạn văn của mình. Anh bình thản ra đi anh nhé! Anh là con chim vàng, là con sếu đầu đỏ của Đồng Tháp Mười, của đồng bằng Nam bộ mãi mãi bay cao, bay xa ngàn dặm. Vĩnh biệt anh!
Quận 7. Đêm 13-2-2014
Nhà văn ĐOÀN MINH TUẤN
| |
|