
Câu chuyện đời thường của ba cô con gái bên cạnh một ông cha gà trống nuôi con. Mỗi cô một cảnh đời riêng mà người cha chỉ là cái bóng mờ nhạt…

Cảnh trong vở kịch “Nhà có ba chị em gái”.
Tú (Minh Hằng), cô lớn chấp nhận một cuộc sống “hy sinh”, nhẫn nhịn đến cùng cực, bên cạnh một anh chồng không ra người, chỉ biết bài bạc và ăn bám vào gia đình. Nhiên (Quách Thu Phương), cô kế chán ghét anh chồng suốt ngày chỉ biết có công việc, và đang muốn lãng đãng đi tìm cuộc phiêu lưu tình ái mới.
Quỳnh (Kim Oanh), cô út lấy chồng Việt kiều, mà vẫn không đi theo chồng vì vừa dư dả tiền bạc để có thể giúp đỡ gia đình vừa vẫn được tự do như thời con gái. Cả ba cô với ba kiểu sống và ba tính cách khác nhau, ai cũng cảm thấy mình đã sống đúng, để cuối cùng, bi kịch bỗng dưng đổ ập xuống mái gia đình cùng một lúc.
Tú bị chồng lường gạt, ẵm trọn số tiền 3.000 USD Quỳnh cho mượn để cao chạy xa bay. Nhiên bất lực trước cuộc ra đi của chồng. Quỳnh thê thảm hơn khi nhận ra sự thực rằng mình chỉ là một loại gái bao cho một tên đàn ông đã có vợ ở nước ngoài.
Đây chỉ là một câu chuyện gia đình, và người xem dễ dàng nhận ra điều mà tác giả muốn bộc lộ trong tính cách của từng cô con gái. Tính cách nào cũng được nhấn mạnh, đôi khi là quá đà. Ví như sự nhẫn nhịn một cách kỳ cục của Tú, không thể giải thích ở đây là tình yêu, mà chỉ là sự ngu xuẩn của một người kém hiểu biết. Bỏ con cho gia đình ngoại nuôi để về hầu hạ một người đàn ông vô tích sự, ăn bám và cờ bạc, vậy mà vẫn tin và vẫn mang tiền đưa cho anh ta, để cuối cùng thì… khóc.
Với Nhiên, nếu như chính tác giả cho rằng “Nhiên có được hạnh phúc trong tay rồi sẽ không còn bận tâm gìn giữ nữa” (Báo Người Lao Động) thì tình huống kịch chưa lý giải hết quan hệ của đôi vợ chồng này. Suốt chiều dài vở diễn, không thấy anh chàng Vinh yêu vợ ở chỗ nào, càng không thấy cái gì tốt đẹp ở con người này để cô em út là Quỳnh phải đem lòng yêu ông anh rể, và mơ ước được vào chỗ của chị. Chỉ thấy anh chàng suốt ngày đi nhậu với đối tác, và so đo chuyện cơm áo, gạo tiền với nhà vợ một cách bần tiện, và sau đó thì đi mượn tiền của cô em vợ?!
Để kết thúc câu chuyện, người cha xuất hiện và tự nhận rằng do ông chạy theo mưu sinh nên đã không dạy dỗ con gái đến nơi đến chốn! Ông sẽ dạy dỗ được gì ở đây, khi chính ông cũng chỉ là một cái bóng đồng tình hết tất cả những sai lầm của các cô con gái? Có vẻ như tác giả cũng thực sự lúng túng bởi muốn khép lại những bi kịch đồng loạt như vậy đâu có dễ và cũng bởi sự khép lại đó rốt cuộc nó sẽ nói lên điều gì?
Cuối cùng, điều lạ lùng nhất vẫn là câu tuyên ngôn tự phản tỉnh của các cô con gái rằng họ đã thất bại, bởi vì một người phụ nữ không thể gọi là thành công, thành đạt khi không có một mái ấm gia đình. Một câu tuyên ngôn khá là xưa cũ, nếu không muốn nói là khá tự ti và lạc hậu giữa thời đại bây giờ…
* Đoàn Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam đang diễn ở Nhà hát lớn TPHCM.
BÍCH CHÂU