Phiên đấu giá nghệ thuật mang chủ đề “Tết” sẽ diễn ra tại số 17, phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 27-1 tới đây.
Dân gian vẫn thường nói Tết là dịp của sum vầy, là những ngày đoàn tụ, của tình thâm ấm áp, của cội nguồn quê hương. Đấu giá phiên “Tết”, Nhà Chọn muốn mang đến cho giới yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập những vẻ đẹp dung dị ấm áp tình thân, tình quê hương giữa những sắc màu tươi vui- thay lời chào cho một năm mới. Sắc xuân tràn ngập đất trời với 39 tác phẩm được giới thiệu, phiên 20 hứa hẹn sẽ là một phiên đấu rực rỡ, tràn ngập niềm vui cũng như sắc màu Tết cổ truyền của dân tộc.
Góp mặt trong phiên đấu thứ 20 là các gương mặt họa sĩ nhiều thế hệ, từ danh họa bậc thầy, các họa sĩ khóa kháng chiến đến nhiều họa sĩ đương đại. Nếu như các họa sĩ Mai Long, Lê Thánh Thư, Lư Tòng Đạo, Dương Ngọc Sơn, Bùi Suối Hoa, Cơ Chu Pin góp vào phiên đấu những sắc hoa rực rỡ, thì Lưu Công Nhân, Bùi Ngọc Tư, Lê Trí Dũng, Đặng Hồng Vân mang đến người xem những không gian đậm chất và không khí nô nức của lễ hội đầu năm. Và, ngày xuân cũng không thể thiếu những hòa sắc tươi vui trong tranh, khắc họa hình ảnh con người bởi bàn tay nữ họa sĩ lão thành Lê Thị Kim Bạch, của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Hồng Cẩm, Lương Khánh Toàn, Đỗ Thị Kim Đoan, Tạ Thị Thanh Tâm.
Nhắc đến người họa sĩ tài hoa Lưu Công Nhân là nhắc đến những nét họa tài tình, lãng mạn, bay bổng, một phong thái hào hoa, lịch lãm. Trên con đường hội họa, hiếm ai cần mẫn được như họa sĩ Lưu Công Nhân. Ông hình thành một cá tính sáng tạo rõ nét và rất mạnh là "cả đời đạp xe nông thôn, thành thị... để vẽ". Trong nhật ký của Tô Ngọc Vân từng viết: "Lưu Công Nhân là tuổi trẻ của ta hiện về". Bấy nhiêu cũng đủ để hình dung ra một Lưu Công Nhân sáng tạo nghệ thuật ở mức độ chuyên tâm sâu sắc và chăm chỉ vô cùng… Tác phẩm góp mặt trong phiên Tết của ông với tựa đề "Đầu sự vui", kích thước 42 x 50cm, ký "Lưu Công Nhân" phía dưới trái.
Trong giới hội họa đi lên từ khóa XIII trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có một cặp vợ chồng họa sĩ nổi danh. Vợ là cánh chim đầu đàn của điêu khắc nữ Việt và chồng là nhà họa sĩ tài năng gắn liền với cách mạng nước nhà. Đó là Phạm Văn Đôn và Nguyễn Thị Kim. Trong chặng đường lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Thị Kim đã nhấn một điểm son, góp viên gạch đầu tiên xây dựng điêu khắc hiện đại. Chồng của bà, họa sĩ Phạm Văn Đôn đã không ngừng cống hiến cho sự nghiệp mỹ thuật và xông xáo tham gia vào các hoạt động cách mạng của nước nhà. Ông đã đạt được rất nhiều những giải thưởng, ghi nhận những đóng góp không ngừng nghỉ… Đặc biệt trong phiên 20, với ba tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc về đời sống, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, cả hai họa sĩ đã góp phần dựng lên một bức tranh toàn cảnh của đất nước trong thời kì xây dựng xã hội mới, con người mới đầy rạng rỡ.
"Với tôi, nghệ thuật là phương tiện để nuôi dưỡng tâm hồn, tu dưỡng đạo đức, giúp cân bằng con người, giống như kinh là phương tiện của các sư thầy vậy" – họa sĩ Ca Lê Thắng chia sẻ. Từng giữ chức Phó tổng thư ký Hội Mỹ thuật TPHCM 12 năm, Ca Lê Thắng không chỉ là một hoạ sĩ mà còn là một người thầy khi bắt đầu giảng dạy từ năm 1971. Các sáng tác của ông thiên về trường phái nghệ thuật trừu tượng với những gam màu lạnh trầm mang đến cho người xem những cảm xúc lạ lùng, ngổn ngang. Với chất liệu sơn dầu trên toan, kích thước 80 x 80cm, tác phẩm “Dòng chạy” của Ca Lê Thắng thuộc bộ sưu tầm của gallery Lạc Hồng sẽ tham gia đấu giá lần này.
Nhắc đến các tác phẩm thiếu nữ trong tà áo dài trắng không vẽ mặt nhưng người vẫn đẹp là trong giới hội họa người ta lại nhớ đến họa sĩ Nguyễn Thanh Bình. Cứ như sự thôi miên của màu trắng, tranh ông có nét tinh khôi ẩn chứa hơi thở phương Đông. Đó là sự đan xen giữa hình thể và không gian đã làm cho người mẫu trở nên huyền ảo hơn, dù dáng vóc thân quen của mỗi ai đó đang hiện hữu. “Chân thiện mỹ”- tác phẩm với tà áo dài, búp sen hồng tím nhưng lại chuyển tải một thông điệp đầy ý nghĩa về cuộc sống hòa bình, gần gũi…
Phiên đấu “Tết” của Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn sẽ khai cuộc lúc 18g ngày chủ nhật 27-1.