Nhà khoa học không chọn con đường bình yên

Vừa qua, tại trụ sở Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris, Hội đồng Giám khảo UNESCO và Quỹ L’Oréal đã trao Giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022 cho PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Đây là giải thưởng danh giá nằm trong khuôn khổ chương trình “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học”, do Quỹ L’Oréal và UNESCO khởi xướng.
PGS - TS Hồ Thị Thanh Vân (giữa) nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế 2022
PGS - TS Hồ Thị Thanh Vân (giữa) nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế 2022

Niềm tự hào của nhà khoa học nữ Việt Nam

PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân là 1 trong 15 nhà nghiên cứu nữ được lựa chọn trong số 250 hồ sơ tài năng trẻ từ các chương trình quốc gia và khu vực vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học toàn thế giới. Nhà khoa học nữ của Việt Nam được vinh danh bởi công trình nghiên cứu về công nghệ pin nhiên liệu hydro - một lĩnh vực trọng tâm cho tương lai của năng lượng sạch. Nghiên cứu giúp tối ưu hóa hoạt động của pin nhiên liệu để cải thiện hiệu suất, cho phép sản xuất năng lượng hydro bền vững, hạn chế nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.

Từ năm 2015 đến nay, tính cả PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân, mới chỉ có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được trao giải thưởng nói trên. Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, xúc động chia sẻ: “PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân được trao giải lần này là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, của các nhà khoa học nữ Việt Nam nói riêng, thể hiện vai trò và đóng góp của nước ta trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng, được quốc tế đánh giá cao và vinh danh…”. PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân tâm sự, khi có mặt ở Paris, đứng cùng các nhà khoa học tiêu biểu đến từ các nước phát triển, chị cảm thấy niềm tự hào dân tộc dâng lên mãnh liệt.

PGS-TS Thanh Vân nhớ lại, khi lựa chọn đề tài nghiên cứu, năm 2010-2011, các giáo sư không đồng ý, lo lắng vì đề tài quá mới, mạo hiểm. Nhưng lúc đó chị chỉ có suy nghĩ cứ mạnh dạn tìm tòi cái mới, dù kết quả thế nào cũng sẽ học được nhiều thứ. “Tôi nỗ lực suốt 6 tháng trời trong phòng thí nghiệm, 1 đêm chỉ ngủ 1-2 tiếng. Làm để mình biết năng lực mình tới đâu, mình có kiên trì hay không”, chị kể. 6 tháng sau, kết quả đã vượt ngoài mong đợi. Đây là một bước đệm rất lớn trong việc chị tốt nghiệp tiến sĩ sau này. Chị cũng đăng ký được bằng sáng chế của Mỹ từ công trình nghiên cứu. “Mình cứ quyết tâm hết sức đi trên con đường đó thôi. Tôi đã nghĩ sẽ phải mất 1-2 năm, nhưng may mắn thành công sớm hơn dự kiến. Kết quả đó thực sự cho tôi một bước mạnh dạn để đột phá”, PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân chi sẻ.

Không từ bỏ

PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân sinh năm 1980. Năm 1998, chị được tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Sau khi ra trường, chị được giữ làm cán bộ giảng dạy môn Hóa vô cơ. Hoàn thành thạc sĩ vào năm 2006, Thanh Vân nhận học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Khoa học Kỹ thuật Đài Loan và xuất sắc nhận bằng tiến sĩ trước thời hạn (chưa đến 3 năm) khi đã công bố một bằng sáng chế Mỹ, một bằng sáng chế Đài Loan về lĩnh vực năng lượng mới, 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín. Sau khi lấy bằng tiến sĩ, chị được mời ở lại làm việc 2 năm và thành công với các dự án lớn về pin, năng lượng mặt trời. Hết 2 năm, chị được mời ở lại làm việc thêm 2 năm nữa, nhưng lại quyết định về Việt Nam vì khao khát được đóng góp kiến thức, đào tạo lớp trẻ và góp phần phát trển đất nước.

Trong câu chuyện của mình, PGS-TS Thanh Vân nhắc nhiều đến thời điểm cam go, mang tính quyết định nhất. Đó là tháng 9-2013, chị về nước sau khi kết thúc 2 năm làm việc ở nước ngoài, đảm nhận vị trí Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM). Chị vừa giảng dạy vừa nghiên cứu về năng lượng tái tạo, áp lực, khó khăn bủa vây, có lúc tưởng chừng không thể tiếp tục. “Về nước năm 2013, lương của tôi khoảng 6,5 triệu đồng/tháng, trong khi, để mua 2gr hóa chất nghiên cứu phải tốn gần 5 triệu đồng. Các khâu đo đạc, phân tích cần máy móc hiện đại, tôi phải bay sang phòng thí nghiệm cũ ở nước ngoài hoặc gửi mẫu đi đo đạc ở các nước Hàn Quốc, Canada với chi phí khá cao. Hồi đó, không có dự án, đề tài thì không có sự hỗ trợ tài chính. Nhiều đêm thao thức liệu có thể tiếp tục được những nghiên cứu này ở Việt Nam hay không? Đó là hướng nghiên cứu quá mới, cần công nghệ, thiết bị hiện đại mà điều kiện Việt Nam lúc đó không thể đáp ứng. Đúng là mình phân vân nhưng không nản, bởi nếu không bước đi thì sẽ chậm với khoa học công nghệ nước ngoài”, PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân tâm sự.

Giờ đây, sau hơn 15 năm, đề tài nghiên cứu của PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân càng cần thiết cho cuộc sống, góp phần giải quyết những vấn đề mà toàn cầu đang đối mặt về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng. “Nhìn lại, tôi thấy lựa chọn của mình khi về nước để tiếp tục nghiên cứu đề tài này là đúng đắn. Tôi hài lòng và hạnh phúc với sự lựa chọn đó”, PGS-TS Thanh Vân nói.

Chia sẻ về dự định tương lai, nhất là sau khi sang Pháp nhận giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022, PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân bày tỏ: “Chuyến đi cho tôi thêm động lực, Việt Nam có thể làm được rất nhiều điều không thua những nước có nền khoa học phát triển trên thế giới. Trước mắt, cố gắng để đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung”.

Năm 2016, TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xét công nhận PGS khi mới 36 tuổi. Năm 2020, chị được Tạp chí Asian Scientist vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á.

Tin cùng chuyên mục