Gần đây, khái niệm thị trường hễ gắn liền với một khái niệm văn hóa nghệ thuật là dễ bị nhìn nhận với góc độ tiêu cực như nhạc thị trường, sách thị trường, ca sĩ thị trường… Thế nhưng, vừa qua, một sự liên kết giữa doanh nghiệp và văn học lại nhận được sự tán đồng của nhiều người.
Thương nhân gặp văn nhân
Cuối năm 2004, một sự kiện gây chấn động làng văn khi một công ty kinh doanh thiết bị điện tử đã mua bản quyền bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan với số tiền kỷ lục lúc đó: 100 triệu đồng. Rất nhiều người ngạc nhiên cho rằng giám đốc Lê Văn Chính của Công ty Vitek VTB, đơn vị mua bản quyền bài thơ đã “chơi ngông” chỉ để thỏa mãn sở thích yêu thơ văn, chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế sau đó cho thấy sự kiện này đã gây dư luận rộng khắp, các cơ quan thông tấn, báo chí liên tục đăng tải thông tin và giới kinh doanh đã phải nhìn nhận: dù có bỏ ra gấp nhiều lần số tiền đó, họ cũng không thể quảng bá thương hiệu của mình như Vitek VTB đã làm.
Đến đầu năm 2008, đến lượt hãng sơn ICI gây ngạc nhiên khi rầm rộ ra mắt một tác phẩm văn học với nhan đề Phút thong dong tặng người bận rộn. Hãng sơn làm sách là sự kiện lạ, tuy nhiên, thực chất cuốn sách này nằm trong chiến lược quảng bá, giới thiệu một sản phẩm mới của ICI.
Gần đây nhất, Soncamedia ra mắt Tủ sách Sơn Ca. Tủ sách sẽ có một nhóm biên tập bao gồm các nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc. Họ sẽ có trách nhiệm chọn ra những bài thơ, truyện ngắn hay và Công ty Sơn Ca sẽ chịu mọi chi phí để xuất bản. Yêu cầu duy nhất là mỗi cuốn sách ra mắt sẽ được gắn kèm thương hiệu của công ty. Với mỗi năm có 5-10 đầu sách hay và hấp dẫn được xuất bản, Tủ sách Sơn Ca vừa giúp các nhà văn, nhà thơ xuất bản sáng tác của mình vừa giúp Công ty Sơn Ca có một kênh quảng bá tên tuổi hiệu quả.
Bắt tay cùng tồn tại
Một số loại hình văn hóa nghệ thuật khi gắn với thị trường thường bị chi phối nội dung hoặc phong cách... Nhạc thị trường bị phê phán là hời hợt do chạy theo thị hiếu dễ dãi của giới trẻ, sách thị trường bị coi là đáp ứng nhu cầu tầm thường của một bộ phận độc giả, có khi chạy theo tình dục, kinh dị…
Khi nhận xét về sách tình dục, kinh dị, bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Soncamedia cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn không quan tâm đến các thể loại sách này, bởi chúng tôi không bị vướng bận chuyện hạch toán kinh tế trong việc chọn lựa sách”. Điều đó cho thấy nếu sách thị trường có yêu cầu bán càng nhiều càng tốt thì loại sách gắn với thương hiệu lại cần sự nổi tiếng hơn là bán bằng mọi giá. Chính vì thế, các đơn vị làm sách văn học để quảng bá thương hiệu rất cần sách có nội dung hay, giàu chất văn học bởi sách hay sẽ góp phần tôn vinh thương hiệu của họ. Ngược lại, sách bị chê, bị phê phán sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Một bên có vốn, cần tác phẩm thơ, văn hay để quảng bá thương hiệu. Một bên có tác phẩm hay nhưng lại không có điều kiện xuất bản. Cái bắt tay giữa doanh nghiệp và nhà văn, nhà thơ theo nguyên tắc cộng sinh cùng có lợi hứa hẹn sẽ đem đến một sức sống mới cho nền văn học Việt Nam trong thời kỳ phát triển hội nhập như hiện nay.
Tường Vân