

Vattenfall, một trong những công ty điện lực lớn nhất châu Âu, vừa khởi công một nhà máy thí điểm trị giá 70 triệu euro có tên “Bơm Schwarze” (Bơm Đen) ở Spremberg (Đức), gần biên giới Ba Lan. Nhà máy sử dụng công nghệ “hút và trữ khí CO2” (CCS), được xem là một đột phá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo công nghệ này, khí thải do đốt than bị giữ lại, sau đó được nén để hóa lỏng và trữ, do đó khí thải không hòa vào khí quyển và không làm tăng nhiệt độ trái đất.
Khí thải từ nhà máy ở Spremberg dự kiến được trữ trong những mỏ dầu rỗng hay gần rỗng ở Bắc Đức, hay đưa vào tầng địa chất đầy nước mặn để một phần khí CO2 tạo thành hợp chất carbonate.
Trong 3 năm nữa, Công ty Vattenfall dự định bơm 100.000 tấn CO2 từ nhà máy này vào một hầm khí đốt rỗng ở Saxony-Anhalt, cách Spremberg 350km. Nhà máy Spremberg còn là nhà máy đầu tiên trên thế giới sử dụng phương thức đốt than bằng ôxy nguyên chất để chỉ tạo ra khí thải CO2, thay vì hỗn hợp nhiều loại khí nếu đốt theo kiểu truyền thống, giúp áp dụng công nghệ CCS dễ dàng hơn.
Nhà máy ở Spremberg có công suất chỉ 30 megawatt. Công ty RWE, đối thủ của Vattenfall, dự kiến xây một nhà máy điện CCS kiểu mẫu có công suất đến 450 megawatt ở Hurth, cách Cologne 9km về phía Tây Nam.
Tuy nhiên, công nghệ CCS vẫn còn trong giai đoạn thí điểm và được xem như một giải pháp tạm thời trước khi con người tìm ra một hệ thống năng lượng phát triển bền vững trong tương lai. Thực tế, CCS chỉ có thể phát triển trên thị trường với những nhà máy công suất đến 1.000 megawatt.
HÀ KIM (theo Der Spiegel, News24)