Cuộc thi ký sự “40 năm - Những ký ức không thể nào quên” do Báo SGGP phối hợp Hội Nhà văn TPHCM tổ chức đã để lại nhiều dư âm. Điều gây bất ngờ, người đoạt giải cao nhất không phải một cây bút đang thời “tác chiến” sung sức mà là một bậc lão thành tuổi bát tuần: nhà văn Trần Thanh Giao, với tác phẩm Chui qua đáy sông Sài Gòn giàu ký ức và xúc cảm về công trình đường hầm Thủ Thiêm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Trần Thanh Giao.
Nhà văn Trần Thanh Giao (giữa) nhận giải nhất Cuộc thi ký sự “40 năm - Những ký ức không thể nào quên”.
° PV: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa cũng như quá trình diễn ra cuộc thi ký sự nhân kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, thưa nhà văn?
° Nhà văn Trần Thanh Giao: Cuộc thi ký sự “40 năm - Những ký ức không thể nào quên” đã nêu ra một đề tài rất trúng, trong một thời điểm rất thích hợp, đáp ứng “nỗi lòng” của người viết và sự mong đợi của bạn đọc, được hưởng ứng nhiệt tình. Vì vậy mà cuộc thi thu được kết quả rực rỡ, cả về chất lượng và số lượng bài dự thi, cũng như sự quan tâm của người đọc. Chất lượng bài viết khá đồng đều, chắc chắn Hội đồng giám khảo cũng phải làm việc vất vả khi chọn giải, vì văn chương chữ nghĩa không có thước đo thật chính xác như máy quay phim hay đồng hồ bấm giờ trong các cuộc đua thể thao...
° Nhìn lại đời văn của mình hơn nửa thế kỷ qua, ông có cảm thấy thỏa mãn hay còn điều gì luyến tiếc?
° Tôi nghĩ không một người viết văn nào thỏa mãn với những cuốn sách mình viết ra. Tôi cũng vậy. Còn rất nhiều luyến tiếc, giá như cuốn tiểu thuyết đó mình thêm phần này, bớt phần kia, nâng chỗ này giảm chỗ khác, hoặc nếu không bị gò bó bởi thời cuộc hay sự bất cập nào khác thì mình có thể viết hay hơn... Tuy nhiên, cũng có niềm vui khi nghĩ mình đã trút hết nỗi lòng làm ra những điều tốt nhất, đẹp nhất mà mình có thể.
° Với những nhà văn cùng thế hệ với mình, ông đánh giá cao tác phẩm của những nhà văn nào?
° Trước hết là ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Tôi cũng đã viết bài về cuốn Đội gạo lên chùa đăng tạp chí Nhà văn và Tác phẩm. Ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết về đề tài lịch sử, còn tôi theo đuổi đề tài “nóng”. Mỗi đề tài đều có cái khó của nó. Còn nhiều bạn văn khác, nhắc ra sẽ quá dài. Tôi còn có nhiều dịp viết báo, in sách về những tác phẩm mà các bạn văn cùng thế hệ với mình đã đóng góp.
° Đâu là kinh nghiệm quan trọng của ông về cuộc sống và nghề văn?
° Không ngừng học tập, suy nghĩ ngày đêm, ngay cả khi ăn khi ngủ, về nghĩa và nhân mà cha ông cũng như các nhà văn lớn của loài người đã từng dạy bảo, đặc biệt là chữ “nghĩa”.
° Ông có theo dõi tác phẩm của thế hệ các nhà văn sau này?
° Tôi đọc họ nhiều chứ. Các bạn trẻ có học, năng động, nhiều sáng tạo, một số người đã có bản sắc riêng. Nhưng hình như một số bạn chưa rõ mục đích của văn chương là sáng tạo ra cái đẹp, “lấy nhân nghĩa làm gốc, kỹ xảo làm cành”, đặc biệt ở Việt Nam ta, văn chương phải có cả nhân và nghĩa.
° Từng nhiều năm công tác ở Hội Nhà văn TPHCM và Việt Nam, ông nhìn nhận gì về công tác ở hội hiện nay?
° Theo tôi, hiện nay, cũng như trước đây và sau này, những người lãnh đạo Hội Nhà văn phải là những người đặt lợi ích của hội và hội viên lên trên hết và làm mọi cách, kể cả bỏ tiền của công sức của riêng mình ra, để thực hiện điều đó, vì có hội viên mới có Ban Chấp hành Hội. Hội viên sẽ không bao giờ chấp nhận những người chỉ biết tư lợi nắm hội nghề nghiệp của mình.
Trần Thanh Giao vừa làm báo vừa viết văn. Năm 1959, mới 27 tuổi, ông đã đoạt giải cao nhất (giải nhì, không có giải nhất) cuộc thi của Báo Thống Nhất với truyện ngắn Câu chuyện một chiều thứ bảy. Cuộc thi này đã thu hút hầu hết lực lượng cầm bút cả miền Bắc tham gia và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống. Truyện ngắn Câu chuyện một chiều thứ bảy của Trần Thanh Giao được đánh giá cao nhờ hai yếu tố: thể hiện được sắc thái rừng U Minh và lòng thương nhớ miền Nam. Giải thưởng này cũng là “tấm giấy thông hành” cho ông thực sự bước vào làng văn. Ngay năm sau - 1960, Trần Thanh Giao với truyện ngắn Dòng sữa lại đoạt tiếp giải thưởng cuộc thi của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Nhắc lại điều đó để thấy rằng việc đoạt giải thưởng đối với nhà văn, nhà báo Trần Thanh Giao không phải chuyện lạ. Bất ngờ chăng là ông được trao giải nhất Cuộc thi ký sự “40 năm - Những ký ức không thể nào quên” khi đã ở tuổi bát tuần. Dù sức khỏe không còn được như xưa, nhưng so với những người cầm bút cùng thế hệ, mà trong đó phần lớn không còn nữa thì đến bây giờ, sức đi sức nghĩ sức viết của bậc lão thành Trần Thanh Giao vẫn đáng nể. Ông không từ chối bất kỳ chuyến đi thực tế gần xa nào để được tiếp cận với sự phong phú của đời sống. Ông vẫn xuất bản tác phẩm đều đặn và không ít bạn văn trẻ khâm phục bút lực của ông. |
HÙNG PHAN