(SGGPO).- Sau một thời gian lâm bệnh, Nhà văn Trang Thế Hy đã từ trần vào lúc 0g50 ngày 8-12 tại nhà riêng (Khu phố 1, phường Phú Tân, Bến Tre), thọ 91 tuổi. Lễ viếng nhà văn bắt đầu lúc 9g ngày 8-12 và lễ động quan sẽ được tổ chức vào lúc 12g30 ngày 10-12. Linh cữu nhà văn sẽ được an táng ngay tại mảnh đất ông đã sống những ngày cuối cùng.
Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, ông sinh ngày 29-10-1924 tại Bến Tre. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, từng làm cán bộ văn hóa thông tin, tuyên huấn… sau chiến tranh ông đảm đương các chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và sau này là Chủ tịch danh dự Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu của tỉnh Bến Tre. Ông nổi tiếng với các tác phẩm: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ 13 (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993)… Ông cũng từng đạt Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) với truyện ngắn Anh Thơm Râu Rồng; được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát.
Nhà văn Trang Thế Hy (bên trái) lúc sinh thời
Trang Thế Hy viết ít, không những thế do phần lớn thời gian sáng tác của ông là thời chiến nên ông phải sử dụng nhiều bút danh khác nhau dẫn đến nhiều tác phẩm bị thất lạc như trường hợp bài thơ Đắng và Ngọt của ông được ông ký bút danh Minh Phẩm. Bài thơ sau đó được phổ nhạc với nhan đề Quán bên đường khá nổi tiếng. Thế nhưng vì dùng bút danh nên một thời gian dài không ai nghĩ Trang Thế Hy là tác giả bài thơ này, mãi đến sau này mới được khẳng định.
Đánh giá về nhà văn Trang Thế Hy, các nhà phê bình cho rằng điểm đáng chú ý nhất ở ông là khả năng tìm thấy cái đẹp trong những điều giản dị của cuộc sống. Những nhân vật của ông đa số đều là những con người bình thường, ở dưới đáy của xã hội nhưng qua ngòi bút của ông họ tỏa sáng với những nét đẹp riêng của mỗi người.
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá đã cho rằng “Trang Thế Hy cùng với những Sơn Nam, Mai Văn Tạo, Trần Kim Trắc, Nguyễn Quang Sáng... xây dựng nên dòng chảy độc đáo của văn học Nam bộ”. Trên website của Hội Nhà văn TPHCM khi nói về ông đã nhận định: “Ông là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam bộ nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.”.
Giữa năm 2014, NXB Trẻ tiến hành ký kết hợp đồng độc quyền sử dụng tác quyền trọn đời với nhà văn Trang Thế Hy. Danh mục tác phẩm do nhà văn Trang Thế Hy trao quyền xuất bản, phát hành cho NXB Trẻ gồm 65 truyện ngắn và 2 tiểu thuyết, chủ yếu được sáng tác từ trước năm 1975 đến năm 1983. Ngay sau lễ ký kết, một loạt các tác phẩm của ông đã được tái bản như các tập truyện ngắn Mưa ấm, Tiếng khóc và tiếng hát, Nợ nước mắt và tập thơ song ngữ Đắng và Ngọt.
Tường Vy
________________________________________
Xin nghiêng mình tưởng nhớ chú Tư Sâm - Nhà văn Trang Thế Hy
Sáng nay, trên đường đi công tác, tôi nghe tin nhà văn Trang Thế Hy qua đời. Thế là "Ông Cá Hô" đã ra đi! Người “đi chỗ khác chơi” đã đi mãi cuộc chơi vĩnh hằng!
Cuộc đời vắng thêm một người đã buồn, vắng thêm một người như nhà văn Trang Thế Hy lại càng buồn hơn. Bởi ông là một trong số ít người còn lại của giới văn chương Nam bộ thời khai phá. Cái thời cùng với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… Trang Thế Hy rất lạ! Ông lặng lẽ sống, lặng lẽ chiêm nghiệm, lặng lẽ chia sẻ bằng trí tuệ mẫn tiệp, tinh tế mà đau đáu nỗi niềm. Một thứ nỗi niềm có vẻ rất riêng, như chỉ có của ông, chỉ là ông nhưng thực ra rất chung, rất phổ quát, rất người!
Tôi ít khi được ngồi trò chuyện lâu với ông, nhưng trong những lần trò chuyện ít ỏi đó, tôi đọc được những suy ngẫm cuộc đời đầy nhân bản và minh triết của ông. Sự minh triết không phải cố tình giấu mà ẩn kín một cách rất tự nhiên trong cái vẻ bình thường, giản dị đến mức thu mình lại. Ẩn trong cái dáng dấp gầy gò, nhỏ thó đó, là một tâm hồn lớn, một cốt cách đỉnh đạc đến sững sờ.
Thế nào rồi các bạn văn của ông - cả bạn đồng niên và vong niên - cũng sẽ viết cho ông, viết về ông rất nhiều. Vì ông là nhà văn lớn. Lớn ở rất nhiều chiều kích: Tuổi tác, sự trải nghiệm cuộc đời, sự nghiệp văn chương. Tôi không đủ sức đi vào thế giới văn chương, nên không dám lạm bàn về tài năng, về vẻ đẹp, về giá trị tác phẩm của ông.
Tôi chỉ xin tỏ một chút lòng mình khi nhận được tin ông qua đời. Tấm lòng của kẻ hậu sinh may mắn được ông hóm hỉnh kể, hóm hỉnh nghe, hóm hỉnh nhận xét điều tôi trải lòng chia sẻ.
Tôi quý ông, tôi kính phục ông. Một người không “đi chỗ khác chơi” với tôi.
Vĩnh biệt ông, nhà văn Trang Thế Hy!
Võ Thành Hạo
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre