Khi còn nhỏ, trong Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi từng hát các ca khúc thiếu nhi của ông một cách say mê. Lúc trưởng thành có gia đình, tôi lại nghe con trai con gái mình nghêu ngao những bài hát của ông. Khi “lên chức” ông nội ông ngoại, tôi cũng lại được nghe các cháu hát những bài thiếu nhi mình yêu thích lúc còn bé. Tôi tin rằng trên mảnh đất chữ S này, chắc chắn đã có hàng vạn, hàng triệu người như tôi, là 3 thế hệ trong gia đình từng hâm mộ những ca khúc thiếu nhi của người nhạc sĩ này.
Trọn đời gắn bó với tuổi thơ
Tôi muốn nói đến nhạc sĩ Phong Nhã, người hiếm có trong giới nhạc sĩ cả nước, trọn đời chuyên sáng tác ca khúc thiếu nhi. Lần đầu tiên gặp ông tại đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957 tại Hà Nội, tôi rất mừng vì có thể chào hỏi, bắt tay người mà mình từng kính phục. Khi biết được tên thật của ông là Nguyễn Văn Tường, tôi tò mò hỏi từ đâu ông lại có bút danh Phong Nhã. Đây cũng là câu chuyện ít người biết. Ông kể, ông có một người em chú bác tên là Phong Nhã. Hồi còn trẻ cả hai cùng hoạt động văn nghệ với nhau rất thân thiết. Năm 1944, người em mất vì bạo bệnh, ông rất thương tiếc và lấy tên Phong Nhã làm bút danh cho chính mình suốt con đường hoạt động nghệ thuật.
Sáng tác đầu tay của Phong Nhã là bài Nhanh bước nhanh nhi đồng, được sáng tác vào năm 1944, trước Cách mạng Tháng Tám khoảng 1 năm, lúc ấy Phong Nhã 20 tuổi. Sau này bài hát được chọn làm bài ca chính thức của Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh. Bản gốc ban đầu của bài Nhanh bước nhanh nhi đồng không có các cụm từ như “theo cờ đỏ sao vàng”, “nhớ ơn Bác Hồ”, “lao động vinh quang”… thường xuất hiện từ sau Cách mạng Tháng Tám. Sau này, Phong Nhã mới bổ sung vào. Ví dụ câu “Trở nên bao người lao động vinh quang”, nguyên gốc là “Trở nên bao người anh tài hiên ngang”… Trong không khí sôi động của những ngày tiền khởi nghĩa, ông tham gia phong trào thanh niên học sinh. Tháng 3-1945, ông vào Đoàn (còn trong vòng bí mật), tháng 5-1946, ông được kết nạp vào Đảng. Từ Cách mạng Tháng Tám cho đến khi nghỉ hưu, ông chuyên sáng tác ca khúc cho thiếu nhi.
Năm 1945, ông sáng tác bài Kim Đồng, một bài hát sống mãi cho đến bây giờ. Bao nhiêu thế hệ thiếu nhi hơn nửa thế kỷ qua đều nhớ mấy câu: “Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít/Dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu…”. Có những người hồi Cách mạng Tháng Tám còn là thiếu nhi hát bài này, ngày nay “con đàn cháu đống” của các vị đó cũng hát bài này. Năm 1946, ông viết một loạt bài, có thể kể đến như: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Măng mọc thẳng, Ông trăng và bầy trẻ, Họp đoàn, Bom bím bom, Bác chúng em đã về… trong đó nổi tiếng nhất là bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Cuối bài viết này chúng ta sẽ trở lại với ca khúc rất phổ biến này.
Trong kháng chiến chống Pháp, Phong Nhã còn có những bài như Dương Văn Nội (1947), Công tác Trần Quốc Toản (1948), Tình đồng đội (1950), Cùng nhau ta đi lên (1950), Thiếu nhi yêu hòa bình (1954)… Trong đó, bài Cùng nhau ta đi lên là một hành khúc vui tươi, ngắn gọn dễ hát, mở đầu bằng câu “Cùng nhau ta đi lên theo bước Đoàn thanh niên đi lên cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ…”. Sau này trở thành bài ca chính thức của Đội TNTP HCM.
Sau hiệp định Genève, tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ này ông viết khá nhiều, có 4 bài được thiếu nhi rất yêu thích còn phổ biến đến hôm nay, đó là Lê Văn Tám (1956), Đội ta lớn lên cùng đất nước (1960), Bác sống đời đời (1969), Hành khúc Đội (1970). Ngoài ra, ông còn có các bài khác như Anh còn sống mãi (1964), Làng em xanh tươi (1966), Thiếu niên hành quân (1967), Em yêu Đội nhi đồng (1968), Vui hè chiến thắng (1968), Đôi hài ngàn dặm (1972), Tàu em đi trại hè (1973), Trên ngựa ta phi nhanh (1974)… Đây đúng là thời kỳ nở rộ những sáng tác thiếu nhi của Phong Nhã. Sau 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm, mừng ngày đại thắng mùa xuân 1975, ông viết 3 bài: Cảm ơn bầu bạn bốn phương (1975), Tây Nguyên chiến thắng (1975) và đáng chú ý là bài Bài ca sum họp (1976) khá phổ biến, được các em nhỏ TPHCM rất yêu thích. Tiếp đến ông có bài Chi đội em làm kế hoạch nhỏ (1977) cũng được thiếu nhi hát nhiều. Ông lại tiếp tục viết Đoàn tàu mang tên Đội (1978), Chuyện ở biên giới (1979), Niềm vui lớn (1981), Đi Sầm Sơn (1981), Kế hoạch nhỏ màu xanh (1982), Vì dòng điện ngày mai (1982), Phong thư hòa bình (1982), Ngọn lửa hồng (1983)…
Có thể nói hầu hết các sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã đều thắm đượm tình cảm sâu đậm, tha thiết dành cho tuổi thơ, như lời nhắn nhủ ân cần, chân tình, lời giáo dục nhẹ nhàng, đầy tính thuyết phục của người anh, người cha, người ông gửi đến đàn em, đàn con, đàn cháu. Từ giai điệu đến ca từ trong các ca khúc của ông viết cho thiếu nhi đều vui tươi, bay bổng, hồn nhiên, tươi trẻ. Đó cũng là lý do vì sao các sáng tác của ông có sức sống lâu bền trong lòng tuổi thơ cả nước.
Bài hát “để đời”
Đó là bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ý định của Phong Nhã sáng tác về Bác Hồ xuất hiện ngay từ khi lần đầu tiên ông được thấy Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào sáng ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình. Ông nhớ lại hôm ấy trên lễ đài, Người hiền từ, thân ái giơ hai tay vẫy chào đồng bào đến dự lễ. Khi đọc bản Tuyên ngôn, Người còn tạm dừng, hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?” thật giản dị, thân mật. Các em thiếu nhi trên quảng trường hô to “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Khi lên xe ra về, Bác còn nhoài người ra cửa xe vẫy tay với các em thiếu nhi. Hình ảnh này khiến Phong Nhã rưng rưng đôi mắt. Ông ấp ủ dự định viết về Bác và phải qua năm sau (1946), bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng mới hoàn thành.
Trước hết cần ghi nhận rằng đây bài hát thiếu nhi đầu tiên ca ngợi vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cho nên mỗi khi được phép vào thăm Bác, các em thiếu nhi thường hay hát bài này. Phong Nhã kể lại rằng, năm 1946, Bác đã 56 tuổi, khi nghe câu hát: “Bác nay tuy đã già rồi, già rồi nhưng vẫn vui tươi…”, Bác cười hiền từ, hóm hỉnh nói: “Bác đã già đâu!”. Có anh phụ trách thiếu nhi thủ đô kể lại: Khi nghe các em thiếu nhi hát bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Bác dí dỏm đáp lại: “Ai yêu thiếu niên nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Có thể khẳng định bài hát về Bác Hồ của Phong Nhã sẽ còn sống mãi mãi trong lòng tuổi thơ Việt Nam và với hàng trăm sáng tác viết cho thiếu nhi, ông thật xứng đáng với danh hiệu “nhạc sĩ của tuổi thơ”.
| |
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC