“Cây đàn bầu Việt Nam” là một trong hai chủ đề tọa đàm dự kiến thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ hơn 30 nước và vùng lãnh thổ tham dự Liên hoan Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ 2 và Liên hoan - hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 34 diễn ra tại Hà Nội và Vĩnh Phúc từ ngày 12 đến 18-10. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (ảnh), Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chia sẻ với Báo SGGP những câu chuyện xung quanh loại nhạc cụ dân tộc đặc trưng của người Việt.
Phóng viên: Đàn bầu là một trong những loại nhạc cụ dân tộc đặc trưng, thuần túy của người Việt Nam. Đất nước Việt Nam cũng từng được gọi với cái tên trìu mến là “đất nước của đàn bầu”, song thời gian gần đây có một số thông tin sai lệch về điều này?
Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN: Việt Nam là đất nước của đàn bầu - điều này là chân lý thì không cần phải tranh luận thêm nữa. Đàn bầu là nhạc cụ cổ truyền có từ lâu đời, hàng ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Sự thuần Việt thể hiện từ việc chế tác nhạc cụ với các chất liệu là tre, nứa, gỗ… gắn liền với đời sống của nông thôn Việt Nam.
Cách đây 5 - 10 năm, có một số sinh viên, chuyên gia, nghệ sĩ của Trung Quốc sang Việt Nam xin được học về cây đàn bầu. Khi ấy, các giáo sư, chuyên gia của Việt Nam đã hết lòng chỉ bảo, thậm chí có nhà lý luận phê bình âm nhạc của Trung Quốc đã từng viết một luận án về cây đàn bầu của Việt Nam. Nhưng đáng tiếc, theo những thông tin phản hồi từ Trung Quốc mà tôi có được đó là có một luồng ý kiến cho rằng đàn bầu có tìm thấy ở một số dân tộc ở Trung Quốc, cụ thể như dân tộc Kinh ở Quảng Tây… Tôi cũng có tìm hiểu thông tin về việc này và được biết loại nhạc cụ mà người dân ở Quảng Tây chơi tương tự như đàn bầu nhưng không phải đàn bầu. Nhạc cụ được cho là đàn bầu ấy có hình dáng gần giống với đàn bầu của Việt Nam nhưng có cấu tạo khác, chế tác khác và quan trọng là nó không có đời sống trong cộng đồng. Họ chỉ làm giống kiểu mô hình vậy thôi.
Tiết mục biểu diễn đàn bầu trong chương trình đón Xuân do Hội Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức
Ở Việt Nam cũng như một số nước, nhạc cụ phương Tây như violon, piano… du nhập và được dân chúng chơi từ đầu thế kỷ 20 nhưng cũng không vì thế mà ta nói rằng nhạc cụ có nguồn gốc châu Âu đó có xuất xứ từ Việt Nam. Với đàn bầu cũng vậy. Các nước khác có thể thành lập hiệp hội hay câu lạc bộ… đàn bầu, dành cho những người yêu và chơi đàn bầu là chuyện bình thường nhưng cũng không phải vì thế mà họ có thể phủ nhận nguồn gốc xuất xứ của nhạc cụ dân tộc này của Việt Nam.
Không chỉ là hoạt động giao lưu đơn thuần, tọa đàm “Đàn bầu Việt Nam” hứa hẹn sẽ đem đến nhiều cách tiếp cận về nhạc cụ thuần Việt - đàn bầu?
Đúng vậy. Bạn bè quốc tế muốn tìm hiểu kỹ, sâu hơn về cây đàn bầu thì nên đến Việt Nam để được các chuyên gia, nghệ sĩ Việt Nam phân tích thậm chí minh họa các thể hiện, tận tai nghe âm thanh thật mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp, các hồn của loại nhạc cụ độc đáo này.
Trong khuôn khổ liên hoan âm nhạc tới, chúng tôi dành riêng một buổi giới thiệu về loại nhạc cụ đặc biệt này của Việt Nam với sự tham dự của nhiều nghệ sĩ, những chuyên gia hàng đầu, am hiểu và gắn bó nhiều năm với đàn bầu như NSND Thanh Tâm, NSND Nguyễn Tiến… Họ là những người nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác và biểu diễn trực tiếp trên cây đàn bầu.
Đàn bầu là một trong những nhạc cụ dân tộc xuất hiện và phát triển gắn liền với đời sống cộng đồng làng xã Việt Nam. Hiện tại, khi âm nhạc truyền thống bị lấn át bởi âm nhạc hiện đại thì sức lan tỏa của đàn bầu còn mạnh mẽ như trước?
Đàn bầu là chuyên ngành của khoa nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ngay từ ngày đầu thành lập trường, trong khoa Nhạc cụ dân tộc đã có chuyên ngành đàn bầu vì thế đến thời điểm này có rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc công, giảng viên đã trưởng thành và làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật đàn bầu. So với nhiều ngành học khác thì đây được coi là khoa có sức hút và gần như chiếm vị trí đông đảo nhất trong khoa nhạc cụ truyền thống. Đối với đàn bầu chúng ta đã có các giáo trình ở bậc trung học, đại học, có nhiều nghiên cứu, luận án chuyên biệt về đàn bầu cũng được thực hiện.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác như tì bà, sáo trúc, nhị… một trong những trăn trở của người yêu nhạc cụ dân tộc là tình trạng thiếu tác phẩm sáng tác mới dành riêng cho đàn bầu. Do vậy, khi đưa tác phẩm dàn dựng biểu diễn ở nước ngoài hay với các dàn nhạc lớn, đồ sộ cũng gặp nhiều hạn chế. Điều này khiến cho đàn bầu mất dần cơ hội giao lưu, lan tỏa ra ngoài biên giới.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã làm gì để khơi dậy sức sống của loại nhạc cụ thuần Việt này?
Cách đây 2 năm, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và khoa nhạc cụ truyền thống của học viện có cùng xây dựng CLB nghệ thuật đàn bầu. Cho đến giờ CLB do NSND Thanh Tâm làm chủ nhiệm đã thu hút được 200 người tham dự. Có người chơi đàn bầu thực thụ, chơi nghiệp dư, thậm chí chỉ có người chỉ yêu thích nghe đàn bầu… nhưng họ đã cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ tình yêu với loại nhạc cụ đặc biệt này. Chúng tôi cũng phối hợp tổ chức một số CLB âm nhạc truyền thống khác như đàn và hát dân ca, ngoài việc hát lại các bài cổ thì còn sáng tác lời mới và thậm chí còn một dòng âm nhạc dân ca đương đại, viết theo hình thức dân ca nhưng tiết tấu mới… dần dần hình thành dòng ca khúc dân ca đương đại. Đây cũng là hướng phát triển để tìm được nhiều loại hình hoạt động không làm lặp lại những cái cũ. Với sự nỗ lực này hy vọng sẽ đưa đàn bầu tới gần hơn với công chúng, những người yêu nhạc và lan tỏa bay xa.
MAI AN (thực hiện)
Các tin, bài viết khác
- Tham gia Miss Intercontinental và Miss Earth: Bảo Như “lên núi”, Nam Em “xuống biển”
- Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần 2: Giảm thủ tục, nghệ nhân vẫn gặp khó
- Nam Em chính thức lên đường tham gia Miss Earth 2016
- Cấp thiết tu sửa Đình Chí Hòa
- Kim cương mà Kim Kardashian bị cướp có dễ bán?
- Nam Em tiết lộ phần thi tài năng và trang phục tham dự Miss Earth 2016
- Giá trị BST trang sức Jolie-Pitt "nóng" theo câu chuyện chủ nhân
- Kim Kardashian bị chĩa súng và cướp tại căn hộ ở Paris
- Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật theo quy chuẩn
- Ngọc Châu đăng quang Vietnam’s Next Top Model mùa 7