Nhạc sĩ Lê Quang Vũ: Cháy bỏng cùng giao hưởng hợp xướng

Nhạc sĩ Lê Quang Vũ: Cháy bỏng cùng giao hưởng hợp xướng

Ở nước ta hiện nay, nhắc đến tác phẩm khí nhạc, mọi người thường nhớ đến những giáo sư, nhạc sĩ (GS-NS) tên tuổi: GS-NSND Quang Hải, GS-NS Nguyễn Văn Nam, GS-NS Ca Lê Thuần… tiếp đó là GS-NS Hoàng Cương, NS Vĩnh Lai, NS Võ Đăng Tín. Những năm gần đây, một trong những NS có tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao, có năng lực là NS Lê Quang Vũ.

Nhạc sĩ Lê Quang Vũ (trái) trong một tiết mục biểu diễn giao lưu với Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Nhạc sĩ Lê Quang Vũ (trái) trong một tiết mục biểu diễn giao lưu với Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Yêu thích âm nhạc, từ nhỏ Lê Quang Vũ đã tham gia trong các CLB đội nhóm văn nghệ thiếu nhi ở Nhà Thiếu nhi TPHCM. Đến khi học Trường THPT Phú Nhuận, Lê Quang Vũ thành lập ban nhạc ca khúc chính trị Nắng Hồng, ban nhạc học sinh hoạt động rất sôi nổi, tham gia nhiều liên hoan hội diễn và luôn đoạt giải cao. Khi trưởng thành, âm nhạc vẫn là niềm đam mê cháy bỏng của Lê Quang Vũ: anh thành lập nhóm nhạc dân tộc Trăng Tròn cùng với hai chị em Hải Phượng, Hải Yến ở CLB Lao động (ngày nay là Cung Văn hóa Lao động), thời gian sau anh lại cho ra mắt ban nhạc jazz, thường xuyên biểu diễn ở Khách sạn Majestic.

Sau một thời gian lăn lộn với cuộc sống, anh quyết định chuyển công tác về Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận, phụ trách phòng nghiệp vụ và giảng dạy âm nhạc cho các em thiếu nhi. Đến nay, không ít học trò của anh tạo được chỗ đứng, tên tuổi trong giới nhạc trẻ.

Công việc thuận lợi, kinh tế tương đối ổn định, nhưng anh tâm niệm, nếu không học qua trường lớp chính quy thì niềm đam mê âm nhạc khó có thể phát triển và đạt đến một giá trị nghệ thuật như mong ước. Vậy là Lê Quang Vũ quyết định thi và học sáng tác nhạc tại Nhạc viện TPHCM.

Năm 2001, anh tốt nghiệp loại ưu và chuyên tâm đầu tư chuyên môn, kỹ năng sáng tạo trong lĩnh vực sáng tác nhạc giao hưởng – một lĩnh vực khó, đòi hỏi người sáng tác phải có nhiều kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống, sự tinh thông nghề nghiệp, năng lực thẩm mỹ, kỹ năng sáng tạo. Với bao khó khăn, trong đó có cả sự phát triển chưa mạnh của dòng nhạc giao hưởng tại Việt Nam, thế nhưng niềm tin yêu và đam mê với nghề sáng tác luôn được NS Lê Quang Vũ ấp ủ, nuôi dưỡng với nhiều tâm huyết.

Anh chia sẻ: “Tôi thích sự sáng tạo của nhạc giao hưởng vì nó chuyển tải được cuộc sống, tình cảm con người… sâu sắc hơn, rộng và bao quát hơn khi nó được đem thể hiện trong một ca khúc. Dù rằng sự phát triển của dòng nhạc hàn lâm tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, sự hạn chế về lượng khán giả, sân khấu trình diễn… nhưng đã là đam mê, là tâm huyết thì tôi vẫn tiếp tục theo đuổi và gắn bó dòng nhạc này đến cùng. Tôi luôn sáng tác bằng cảm xúc từ trái tim mình. Tôi hy vọng, dần dần sẽ có nhiều khán giả biết thưởng thức, và tôi cũng mong mỏi Nhà nước quan tâm nhiều hơn cho anh em nghệ sĩ, NS, nhạc công đang theo đuổi và cố gắng phát triển dòng nhạc này. Một khi có chế độ ưu đãi tốt, sinh viên ra trường mới yên tâm theo nghề, anh em nhạc công sống được, người sáng tác có nhiều điều kiện sáng tạo và tác phẩm được đưa đến công chúng, lúc đó, ắt hẳn dòng nhạc hàn lâm sẽ phát triển tốt hơn”.

Hiện nay, NS Lê Quang Vũ giữ khá nhiều vai trò: chuyên viên âm nhạc của của Hội Âm nhạc TPHCM, Chủ tịch Công đoàn hội, Thư ký Hội đồng nghệ thuật của hội… nên được các thầy, bạn bè đồng nghiệp quý mến. Những hoạt động sôi nổi và nhiệt tình trong hội đã giúp anh có thêm nhiều kinh nghiệm quý phục vụ việc sáng tác, đồng thời mở rộng những kiến thức xã hội, nắm bắt các vấn đề thời sự để tạo nên những tác phẩm có giá trị. NS Trần Long Ẩn nhận xét: “NS Lê Quang Vũ là một trong những học trò xuất sắc của NS Nguyễn Văn Nam, anh chịu khó học hỏi, viết nhanh và viết tốt”

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục