Nhặt sạn văn nghệ

  • Gò Nổi không thuộc huyện Duy Xuyên

Trong bài Đầu năm Tý đi coi mắt vợ, đăng trên tạp chí Hồn Việt số xuân Mậu Tý 2008, có đoạn viết: “Anh Trần Thể Ký, quê ở Gò Nổi (Duy Xuyên – Quảng Nam…”. Vì Gò Nổi vốn nổi tiếng trong cả nước về mức độ ác liệt trong chiến tranh và tinh thần cực kỳ anh dũng kiên cường của nhân dân với lời tôn vinh “Nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”, nên xin được nói rõ vùng đất này không phải thuộc huyện Duy Xuyên.

Gò Nổi gồm ba xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong của huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), được sông nước bao bọc xung quanh. Vùng đất này có nghề trồng dâu dệt lụa lâu đời và từng sản sinh nhiều nhân tài, nhân vật lịch sử như: Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Bôi, Lê Đình Dương, Lê Đình Thám…

Hoàng Tú

  • Không nên nói quá

Trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn số ra ngày 24-11-2007, tác giả H.T. dẫn bài thơ tứ tuyệt Kỷ Hợi niên (năm 879) của tiến sĩ Trung Quốc Tào Tùng và bình câu cuối: Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Tác giả viết: “Nghĩa của nó là: một tướng thành công vạn người bỏ mạng. Đôi khi nó được dùng như một thành ngữ trong giao tiếp của giới có học. Nó cũng được lưu truyền trong hàng ngũ tướng lĩnh Việt Nam, bởi lẽ Hồ Chủ tịch trong lần phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp thời chống Pháp ở rừng Việt Bắc, cũng dùng đến nó…”.

Hỏi một số vị trí thức và tướng lĩnh trên địa bàn TPHCM, họ đều xa lạ với câu thơ trên, đừng nói đến việc dùng nó như một thành ngữ và lưu truyền nó. Lại biết Kỷ Hợi niên là bài thơ phê phán tiết độ sứ Cao Biền năm đó tàn sát khốc liệt quân khởi nghĩa Hoàng Sào bên Trung Quốc, thì việc nói Hồ Chủ tịch cũng đã dùng đến nó trong lễ tấn phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là không có căn cứ, không hợp với tính chất của buổi lễ.

Trương Nguyên Tuệ

  • TPHCM mới lập thêm vài trăm phường, xã?

Tuần san Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy Xuân Mậu Tý 2008, tại trang 8, bài “Thành phố Hồ Chí Minh 2008 - thành phố văn minh đô thị” có câu: “TP Hồ Chí Minh có 24 quận, huyện và hơn 600 phường xã đều có phòng địa chính – trật tự đô thị…”.

Từ vài năm trước khi thành phố có một số quận huyện được tách ra như từ quận Tân Bình có thêm quận Tân Phú, Bình Chánh có thêm Bình Tân và thêm vài phường như ở quận Gò Vấp thì tổng số phường, xã toàn thành phố mới chỉ đến 322 đơn vị hành chính cấp phường, xã.

Được biết con số này (322) đến hết tháng 12-2007 vẫn chưa có gì thay đổi. Đùng một cái, đọc báo Tết 2008 thấy thành phố có đến “hơn 600 phường xã” nghĩa là tăng thêm... vài trăm phường xã, làm bạn đọc quá bất ngờ!

Lâm Thao
Đường Âu Cơ, Tân Bình

  • “Đại nguyên soái Lê Quý Công” là danh tướng thời Quang Trung?

Bán nguyệt san Công an TPHCM ngày 1-1-2008 có bài viết nói về “một vị tướng tài” tên là Lê Văn Hoan ở  “giữa thế kỷ 17 dưới triều đại vua Quang Trung”. Tác giả bài viết cho biết: Tướng Lê Văn Hoan “giữ chức đô đốc hải quân trấn giữ vùng duyên hải Bắc Trung bộ... Nửa cuối thế kỷ 17, ghi nhớ công khai đất lập dân, Lê Văn Hoan được vua Quang Trung triệu vào kinh đô Phú Xuân và sau đó điều ra Bắc đánh giặc... Cánh quân của ông cùng với đại quân của vua Quang Trung đánh tan giặc Thanh. Nhờ lập công cho đất nước nên ông được nhà vua phong Đại nguyên soái Lê Quý Công...”.

1/ Mọi người đều biết, khởi nghĩa Tây Sơn xảy ra năm 1771, và Quang Trung lên ngôi hoàng đế vào tháng 12 năm 1788 (nửa sau thế kỷ thứ l8). Do đó, viết “thế kỷ 17” là sai!

2/ Trong số các tướng lĩnh chủ chốt của Quang Trung và nhà Tây Sơn nói chung, tên Lê Văn Hoan không hề có trong bất kỳ một tài liệu lịch sử tin cậy nào. Sử sách chỉ đề cập đến những cái tên (được nhiều người biết) như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Vũ Văn Dũng, Phan Văn Lân, Ngô Văn Sở, Đại đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết, Đại đô đốc Bảo, Đô đốc Mưu, Đô đốc Long...

Hơn nữa, các triều đại phong kiến Việt Nam không có chức “Đại Nguyên soái” (chức này tương đương với Tổng tư lệnh quân đội hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay, chỉ có dưới chế độ phong kiến Trung Quốc). Tây Sơn có tướng Ngô Văn Sở được phong chức Đại tư mã và Phan Văn Lân chức Nội hầu (hầu dưới công một bậc, giống như sĩ quan cấp tá so với cấp tướng ngày nay).

Do vậy, theo tôi, “Đại nguyên soái” kiêm “Đô đốc hải quân” Lê Văn Hoan chỉ có thể là nhân vật hư cấu hoặc truyền thuyết mà thôi, vì nếu là một tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Tây Sơn (chỉ đứng dưới vua Quang Trung) thì chắc chắn công trạng phải lớn, và lịch sử (của cả Tây Sơn và triều Nguyễn) không thể để sót tên.

Phan Trọng Hiền (Q.Bình Thạnh)

Tin cùng chuyên mục