Những tác phẩm trong phiên đấu giá, hoặc đã trở thành huyền thoại của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam, hoặc là tác giả đương thời, hoặc đang còn là nhân tố bí ẩn, những tiềm năng đang cần khám phá. Có lẽ không cần phải băn khoăn về độ “hot” của những tên tuổi danh họa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Hoàng Lập Ngôn, Lưu Công Nhân…, phiên đấu còn có sự góp mặt của không ít tên tuổi đương đại: Văn Đen, Hoàng Tích Chù, Bùi Quang Ngọc, Chóe - Nguyễn Hải Chí, Hồ Hữu Thủ, Mai Long, Lê Kinh Tài...
Có 4 trong tổng số 18 tác phẩm được bán trực tiếp thành công tại phiên đấu giá. “Ký họa thiếu nữ”, bức ký họa nhỏ bằng bút chì trên giấy của Tô Ngọc Vân sáng tác những năm 1940, được bán với giá 600 USD (mức khởi điểm 500 USD). Bức sơn dầu “Buổi hoàng hôn rực rỡ”, được coi là khá hiếm vì đã thuộc về các bộ sưu tập nước ngoài của họa sĩ Văn Đen, được bán với giá 19.000 USD (giá khởi điểm 18.000 USD). Bức “Chân dung nhà văn Hemingway”, chất liệu sơn dầu trên toan của họa sĩ Chóe, vẽ năm 1992 bán giá 3.700 USD (mức khởi điểm 3.600 USD). Cùng chất liệu sơn dầu trên toan, bức “Cô gái màu xanh”, sáng tác năm 2001 của Hồ Hữu Thủ được bán giá 5.700 USD (mức khởi điểm 5.000 USD)…
Con số những tác phẩm được bán vẫn chưa được như mong đợi so với phiên đấu đầu tiên và so với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Lý Thị khi tổ chức để đông đảo công chúng tiếp cận, thưởng lãm trước đó cả tuần tại khách sạn khu trung tâm. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, phiên đấu giá mang đến cho những người yêu nghệ thuật những niềm vui không nhỏ, niềm hy vọng về một tương lai không xa của nền mỹ thuật Việt Nam.
Một tín hiệu vui khác là tại thị trường trong nước đã xuất hiện nhiều lớp công chúng yêu mỹ thuật, đồng thời xuất hiện một số nhà sưu tập thực sự quan tâm đến mỹ thuật nước nhà. Trong số họ có người thuộc lớp hậu duệ của họa sĩ, có người đang học tập và làm việc tại nước ngoài, có người là doanh nhân. Nhưng tựu trung ở họ là nhận thức sâu sắc về giá trị của lịch sử, văn hóa Việt thông qua việc tìm kiếm, sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật. Xa hơn một chút, những dấu hiệu trên cũng cho thấy một thực tế đáng tự hào, những giá trị sáng tạo của người nghệ sĩ Việt Nam thực sự được nhìn nhận đúng nghĩa, có những tên tuổi xứng tầm khu vực và thế giới, có các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam có giá trị nghệ thuật cao - như nhận định của nhiều nhà chuyên môn lẫn giới sưu tập quốc tế. Từ vài thập niên qua, giá trị tác phẩm mỹ thuật Việt bị làm cho nhiễu loạn, thật giả khó lường khi thị trường bị thả nổi, tranh giả, tranh nhái tràn lan, người bán vì tư lợi đã không minh bạch. Hậu quả nhãn tiền của việc này là giới sưu tập quốc tế ngán ngẩm, thậm chí chẳng mặn mà khi đề cập đến chuyện sưu tập tranh Việt.
Có lẽ những con số bán được qua phiên đấu giá vẫn chưa được như chúng ta mong đợi, về số lượng tranh lẫn giá trị kinh tế. Tuy nhiên, điều đó hầu như không ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển một thị trường mỹ thuật thực sự trong sạch và minh bạch. Bà chủ sàn đấu giá Lý Thị chia sẻ, khó khăn và thử thách có lẽ sẽ còn nhiều, nhưng chúng tôi luôn nhen lửa hy vọng, luôn vững tin vào con đường mình đã chọn. Gầy dựng lại một thị trường thực sự cho mỹ thuật trong nước vẫn còn là chặng đường dài đầy chông gai và trong đó, cần lắm sự khích lệ đối với những người thực sự dấn thân như Lý Thị.