Nghị quyết không ràng buộc, do 2 hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez và Earl Blumenauer cùng Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bảo trợ “yêu cầu huy động quốc gia, xã hội, nền công nghiệp và kinh tế” để “ngăn chặn, đảo ngược, giảm thiểu và chuẩn bị cho hậu quả của tình trạng khẩn cấp khí hậu và để khôi phục khí hậu cho các thế hệ tương lai”.
Đây là lời hưởng ứng với dự báo của Hội đồng liên chính phủ về khí hậu thuộc Liên hiệp quốc (UNIP) rằng trái đất có thể nóng lên 1,5°C so với mức tiền công nghiệp trong vòng chưa đầy 12 năm tới, gây ra “những thay đổi thảm khốc, không thể đảo ngược” đối với hành tinh.
Reuters dẫn lời Hạ nghị sĩ Blumenauer nói: “Đây là một cuộc khủng hoảng chính trị nếu không hành động”.
Hạ nghị sĩ Ocasio-Cortez thì cho rằng cần phải có ý chí chính trị, sự can đảm để coi đây là một vấn đề cấp bách. Hồi tháng 5, Quốc hội Anh cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu mang tính biểu tượng, ủng hộ lời kêu gọi của lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn hành động nhanh chóng và quyết liệt để bảo vệ môi trường sau gần nhiều tuần biểu tình của phong trào chống biến đổi khí hậu. Hơn 740 chính quyền địa phương ở 16 quốc gia cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Trong diễn biến liên quan, 23 bang và 20 thống đốc bang của Mỹ, bao gồm cả California và New York, đã thúc giục chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ bỏ đề xuất ngừng các tiêu chuẩn hiệu quả nhiên liệu. Đề xuất này đưa ra vào tháng 8-2018, theo đó đề xuất ngừng các yêu cầu về hiệu quả sử dụng nhiên liệu và tước quyền của California thiết lập các quy tắc phát thải của xe cho riêng bang này. Kế hoạch của chính quyền ông Trump nhằm mục đích đẩy lùi các tiêu chuẩn khí thải do cựu Tổng thống Barack Obama đặt ra.
Liên minh các nhà sản xuất ô tô, trong đó có General Motors Co, Volkswagen AG, Toyota cho biết họ thể đối mặt với một thị trường với các tiêu chuẩn khác nhau ở các bang khác nhau và không thể chấp nhận các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường cao đến mức chỉ một số ít xe điện mới có thể đáp ứng. Cuộc chiến pháp lý giữa chính quyền các bang và chính quyền liên bang kéo dài nhiều năm có thể khiến các nhà sản xuất ô tô rơi vào tình trạng rối loạn về các yêu cầu khí thải và hiệu quả nhiên liệu trong tương lai.
Từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về cắt giảm khí thải gây biến đổi khí hậu, ông tiếp tục đối mặt với sức ép liên tục từ các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, các nhà chính trị trong đó có các nghị sĩ và các thống đốc bang. Những sức ép ấy liệu có đủ để nước Mỹ trở lại với Hiệp định Paris hay không thì chưa thể khẳng định. Song có điều chắc chắn là lực lượng ủng hộ Hiệp định Paris ở Mỹ và nhiều nước khác ngày càng lớn mạnh và yêu cầu cắt giảm khí thải ngày càng trở nên cấp bách hơn nếu chúng ta muốn cứu hành tinh.