Tại cuộc thi ảnh quốc tế Arbella lần thứ 6 do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức mới đây, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Nghĩa đã đoạt huy chương vàng FIAP (giải thưởng do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới trao tặng) với tác phẩm Buổi sáng mùa đông; nhiếp ảnh gia Trần Văn Túy đoạt huy chương vàng FIAP với tác phẩm Chế biến đậu nành.
Một điều lạ là tác phẩm đoạt giải vàng Buổi sáng mùa đông của Nguyễn Trọng Nghĩa lại giống tác phẩm Vó đánh cá của nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long (từng đoạt huy chương vàng FIAP cuộc thi ảnh Trophy Gipuzkoa International năm 2014 tổ chức tại Tây Ban Nha) đến lạ kỳ! Đây không phải là chuyện cá biệt của nhiếp ảnh Việt Nam.
Tác phẩm Buổi sáng mùa đông (trái) của Nguyễn Trọng Nghĩa và Vó đánh cá của Lý Hoàng Long
Nhiều tác phẩm đoạt giải na ná nhau
Chuyện bức ảnh của Nguyễn Trọng Nghĩa là mới, nhưng “căn bệnh” này của nhiếp ảnh Việt Nam là vấn đề cũ. Năm 2012, bức ảnh Thăm phố ngày mưa của Thái Bích Thuận đoạt giải Ảnh xuất sắc toàn quốc năm 2012 và tác phẩm Dưới mưa của Mai Thanh Chương đoạt giải nhất Cuộc thi ảnh toàn quốc năm 2012 đều giống nhau là cùng chụp ảnh đoàn người mang dù đỏ đi dưới mưa.
Trên thực tế, còn không ít những bức ảnh giống nhau. Bức ảnh của Trần Nhật Quang (từng đoạt giải tại cuộc thi ảnh quốc tế HIPA) và ảnh Đan lưới của Phạm Tỵ (giải nhất cuộc thi Smithsonian năm 2015, từng dự thi giải ảnh quốc tế National Geographic Photo Contest năm 2015), đều ghi lại cảnh hai người phụ nữ cần mẫn ngồi đan lưới. Tác phẩm Thả hoa đăng trên sông Hoài của tác giả Kỳ Anh cũng khá giống với tác phẩm thả đèn tương tự của Phạm Tỵ, ảnh 3 em bé người dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá Đồng Văn của Trần Cao Bảo Long cũng khá giống bức ảnh Ba chị em Mông của Trần Thiết Dũng.
Ồn ào hơn cả là câu chuyện liên quan đến vụ tranh chấp bản quyền giữa nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Hữu Tâm với Đỗ Văn Tri về bức ảnh Lễ hội khất thực, tác phẩm đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung. Câu chuyện lùm xùm khiến Ban tổ chức là Hội nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế đã phải quyết định thu hồi lại giải thưởng này. Vụ việc sau đó được xác nhận rằng, trong một chuyến đi sáng tác chung, tác giả Nguyễn Xuân Hữu Tâm đã bấm máy giùm ông Nguyễn Hữu Hài, sau đó bức ảnh này được ông Đỗ Văn Tri đem dự thi và đoạt giải.
Trở lại câu chuyện bức ảnh Buổi sáng mùa đông. Theo giải thích của Nguyễn Trọng Nghĩa, sở dĩ có tác phẩm này là do anh và nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, có chuyến săn ảnh cùng nhau ở hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt vào năm 2014. Nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long cũng xác nhận, anh và Nguyễn Trọng Nghĩa vốn dĩ khá thân với nhau, cuối tuần thường rủ rê la cà hay mỗi khi đi chụp đâu đó. Đầu năm 2014, anh có rủ Nghĩa thực hiện bộ ảnh vó cá tại hồ Tuyền Lâm.
“Suốt một tuần chúng tôi chụp ảnh cả buổi sáng và chiều, nên việc trùng lặp ảnh cũng là bình thường”, Lý Hoàng Long nhìn nhận… Năm 2014, khi bức ảnh của Lý Hoàng Long đoạt Huy chương vàng cuộc thi Trophy Gipuzkoa International ở Tây Ban Nha thì ảnh Buổi sáng mùa đông của Nguyễn Trọng Nghĩa được chọn trưng bày tại Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc vào tháng 8-2014 cũng tham gia triển lãm Liên hoan ảnh nghệ thuật toàn quốc và nhận giải khuyến khích cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam năm 2015. Và tại cuộc thi Arbella lần thứ 6 tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa rồi, chính Lý Hoàng Long là người giới thiệu Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự.
Sức mạnh của khoảnh khắc
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT-DL, việc sáng tác theo kiểu tập thể để cho ra hàng loạt những tấm ảnh na ná nhau từ bố cục nghệ thuật, ánh sáng, góc chụp… là thực tế đáng buồn của nhiếp ảnh Việt Nam từ nhiều năm qua. Một phần nguyên nhân của câu chuyện được giới cầm máy cho rằng do thói quen đi sáng tác chung, đi theo nhóm của các nhiếp ảnh gia. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh cho biết, anh cảm thấy chán và mệt mỏi khi phải chấm những bức ảnh cứ hao hao, na ná nhau. “Nghệ thuật phải luôn là sự sáng tạo. Mỗi nghệ sĩ đều có những góc nhìn riêng về cuộc sống, từ đó phản ánh cuộc sống theo phong cách sáng tạo riêng của mỗi người... Nói gì thì nói, các bức ảnh giống nhau là đã thể hiện sự nghèo nàn về ý tưởng, bão hòa về đề tài, thiếu tư duy sáng tạo”, nghệ sĩ này khẳng định.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành, không ai có thể có hai bức ảnh giống nhau hoàn toàn 100% chi tiết dẫu có chụp cùng lúc hay cùng khoảnh khắc. Ở hai cuộc thi khác nhau, hai hội đồng giảm khảo khác nhau, hai thời điểm khác nhau đều đánh giá cao hai tác phẩm này, chứng tỏ cái nhìn của hai tác giả này tốt. Kết quả đánh giá của hội đồng giám khảo đã khẳng định điều này. Giá trị của tác phẩm nhiếp ảnh chính là sức mạnh của khoảnh khắc, bởi nhiếp ảnh có thể bắt được những khoảnh khắc mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Bản thân nhiếp ảnh gia có thể dàn dựng để sáng tác, vấn đề là phải làm sao bắt được khoảnh khắc tự nhiên nhất, đời thường nhất. Bản thân của sáng tạo trong nhiếp ảnh phải là những khoảnh khắc mới hơn, đẹp hơn chứ không nên lặp lại bởi điều này sẽ làm “chết” đề tài và “chết” cả người sáng tác. Vấn đề quan trọng nhất ở đây chính là lòng tự trọng của mỗi người, mỗi nghệ sĩ trong cách sống và sáng tạo nghệ thuật thì sẽ bớt đi những phiền nhiễu không đáng có.
“Để có được một phong cách riêng trong nghệ thuật, đòi hỏi người nghệ sĩ phải luôn sáng tạo, đẳng cấp, tự trọng và bản lĩnh. Và hơn tất thảy, phải có một tình yêu cuộc sống vô cùng mãnh liệt, ca ngợi cuộc sống với những gì đẹp nhất bằng một tình yêu lớn nhất. Khi người nghệ sĩ đặt tình yêu cuộc sống và lòng tự trọng lên trên hết thì sẽ chinh phục được công chúng. Công chúng mới chính là giải thưởng lớn nhất của người nghệ sĩ”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành khẳng định.
MINH AN