Nhiều địa phương có những cách làm hay, mô hình sáng tạo được người dân chủ động thực hiện rất hiệu quả. Đến nay, nhiều nội dung của phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành việc làm hàng ngày của người dân. Bộ mặt nông thôn của tỉnh đã thay da đổi thịt, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao.
Cây lành cho trái ngọt
Trở về nhà sau một ngày bán vé số dạo, ông Tiệm (63 tuổi, nhà ở ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) nghỉ lưng một chút rồi ăn mấy hột cơm, sau đó đi đến nhà văn hóa ấp để nghe đờn ca tài tử khi trời vừa sập tối. Theo ông Tiệm, tuy cuộc sống còn nghèo khó, vất vả mưu sinh hàng ngày, nhưng bù lại, mỗi tối ông được nghe đờn ca tài tử ở nhà văn hóa ấp là “sướng” rồi. Thật vậy, không chỉ với ông Tiệm, từ khi nhà văn hóa ấp được xây dựng, nơi đây trở thành điểm sinh hoạt của câu lạc bộ văn nghệ, dưỡng sinh của ấp, cũng là nơi giúp người dân nghèo trong vùng “giải khuây” mỗi tối với món đờn ca tài tử. Tuy hệ thống âm thanh và nhạc cụ chưa chất lượng lắm, nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt ca hát kiểu “cây nhà lá vườn” của người dân. Nói như lời ông Tiệm “được nghe các anh chị em nghệ sĩ ở đây ca là đã lắm, mệt nhọc, nghèo khó gì nó cũng bay đi hết, làm cho đầu óc mình thoải mái hơn”.
Quả thật, không riêng ở ấp Ao Gòn của xã Tân Lân, mà nhiều nơi ở huyện Cần Đước, ngoài đời sống vật chất từng bước được nâng lên, thì đời sống tinh thần của người dân, nhất là ở thôn quê cũng được nâng cao. Từ khi xây dựng ĐSVH, người dân ngày càng nâng cao nhận thức, chung tay, góp sức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Những hủ tục, mê tín dị đoan dần được xóa bỏ, việc tang, việc cưới ngày một văn minh, tiết kiệm, tình làng nghĩa xóm cũng ngày càng thắt chặt hơn. Nói như lời Bí thư ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân: “Lúc mới xây dựng ĐSVH, hàng năm, ấp nhận hơn 10 vụ tranh chấp đất đai giữa những người hàng xóm. Nhưng sau thời gian thực hiện, mọi người sống gần gũi nhau hơn nên các vụ tranh chấp cũng ít xảy ra. Hay trước đây, khi người thân qua đời, một số gia đình có thói quen chôn cất trên ruộng nhà, nhưng bây giờ đưa vào an táng ở nghĩa trang nhân dân hoặc cụm mộ gia tộc”.
Ông Nguyễn Văn Đát, Bí thư Huyện ủy Cần Đước, cho biết: “Hiện nay, điều kiện kinh tế của người dân ngày càng được nâng lên, người dân có điều kiện mua sắm các phương tiện nghe nhìn phục vụ đời sống tinh thần. Qua phong trào TDĐKXDĐSVH, nhất là xây dựng ấp, xã văn hóa, một số thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân”. Theo ông Đát, các phong trào rất phát triển, như Gương người tốt việc tốt; Gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa; xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; huyện điểm điển hình về văn hóa; Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại… Đến nay, các mô hình xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa và triển khai xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa của huyện Cần Đước cơ bản đều đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và thứ X đã đề ra.
Ở ấp Ông Lễ, một vùng quê biên giới thuộc xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (Long An), qua phong trào TDĐKXDĐSVH nay đã có nhiều thay đổi, đặc biệt, giao thông nông thôn như có một sự “lột xác” thần kỳ. Hầu hết các con đường đều được bê tông hóa, nhựa hóa. Bà Liền, một người dân ở đây cho biết: “Hồi trước, các con đường ở đây chỉ là đường đất, nắng thì bụi mù, mưa thì dơ, còn nay thì ngon rồi, làm bê tông hết rồi nên đi lại dễ lắm”. Ông Bình, một hàng xóm của bà Liên nói thêm: “Ở đây bây giờ khác trước nhiều lắm, điện có rồi, trạm y tế xây rồi, trường học cũng có rồi, các cây cầu khỉ cũng được thay bằng cầu bê tông rồi… thuận lợi nên người dân ở đây ưng bụng lắm”.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Kiến Tường, cho biết: “Có thể nói, qua việc xây dựng ĐSVH, nhận thức người dân được nâng cao, thể hiện qua phong trào xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới và hoạt động Về nguồn. Người dân thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân, từng gia đình nên tích cực tham gia xây dựng, góp phần giữ vững các danh hiệu văn hóa: “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”, “Xã văn hóa” và “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Quả thật, nhờ phong trào TDĐKXDĐSVH mà đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, nhất là đối với vùng nông thôn, vùng sâu của tỉnh Long An đã thật sự thay đổi diện mạo, ngày càng tươi sáng hơn.
Phát huy tình làng nghĩa xóm
Theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VII, VIII, IX và X, giai đoạn 2000 - 2020, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân không ngừng cải thiện; tác động tích cực đến các phong trào quần chúng. “Những chuyển biến rõ nét mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là việc xây dựng các gia đình văn hóa - tế bào của xã hội, với truyền thống tốt đẹp như ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền được phát huy, nhân rộng. Các cơ quan, đơn vị đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị với phong trào xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh. Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến đã trở thành mục tiêu trong cơ quan, đơn vị, trong mỗi dòng họ, mỗi gia đình”, ông Hòa nói.
Quả thật, phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh Long An ngày càng chất lượng, đi vào chiều sâu. Qua đó, xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, mô hình mới, cách làm sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn. Như phong trào Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chỉ một thời gian ngắn, có đến hàng ngàn người tham gia ủng hộ với số tiền lên đến gần 250 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng ngàn hộ gia đình được giúp vốn để sửa nhà, xây nhà mới; giúp vốn làm ăn thoát nghèo, vươn lên khá giả. Hàng chục ngàn người được hỗ trợ chữa bệnh hiểm nghèo, hàng chục ngàn học sinh được hỗ trợ học tập, hơn 100 ngàn hộ gia đình được hỗ trợ vốn để làm cây nước sạch hợp vệ sinh...
Từ phong trào TDĐKXDĐSVH, toàn tỉnh đã có gần 350.000 hộ gia đình đăng ký hộ gia đình văn hóa, trong đó hơn 97% hộ được công nhận. Hiện cũng đã có hơn 64% số xã của tỉnh được công nhận là xã văn hóa (tỉnh có 188 xã, phường). Huyện Cần Đước cũng được công nhận là huyện văn hóa của tỉnh… Qua thực tiễn cho thấy, sức dân chính là cội nguồn để xây dựng ĐSVH một cách hiệu quả. Trong lần khảo sát phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh Long An, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào TDĐXDĐSVH Trung ương, khẳng định: “Khi ý Đảng hợp lòng dân thì mọi người sẽ đồng lòng ủng hộ. Vì vậy, để phong trào nâng chất, không chạy theo thành tích thì các nội dung về xây dựng ĐSVH phải được quán triệt, cụ thể hóa một cách hiệu quả đến người dân để họ hiểu và thực hiện”. Ngoài ra, phong trào đã làm chuyển biến nhận thức của người dân, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc: Tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá tốt, đặc biệt là phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới được đông đảo quần chúng tích cực tham gia, tạo hiệu quả chính trị - xã hội rộng lớn, nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Bộ mặt nông thôn được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khang trang (điện, đường, trường, trạm), tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới. |