Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị phần tiêu thụ mà còn tăng khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của doanh nghiệp nước ngoài, từng bước hoàn thiện để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của thế giới.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo, nhưng chỉ khoảng 15% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vị trí tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng rất hạn chế, phần lớn là nhà cung ứng cấp 3, 4. Số ít tham gia vào nhà cung ứng cấp 1.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, các doanh nghiệp nội đã và đang có nhiều cố gắng trong việc cải thiện năng lực sản xuất của mình để có thể tham gia đa dạng các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện có nhiều doanh nghiệp vừa cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho Samsung nhưng cũng là nhà cung ứng cho nhiều tập đoàn khác như Sanyo, Toyota, Honda, Intel… Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Minh Nguyên hoặc như Công ty TNHH Lập Phúc, tuy không nằm trong chuỗi cung ứng của Samsung nhưng hiện đang là nhà cung ứng độc quyền nhiều sản phẩm cho Công ty Colgate toàn cầu. Hay như Công ty TNHH Thuận Việt thì phát triển sản phẩm cung ứng cho tập đoàn sản xuất xe máy của Nhật. Thậm chí, có những doanh nghiệp còn đẩy mạnh mở rộng thị trường cung ứng thông qua hoạt động xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM khẳng định, đa dạng hóa nguồn cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp giảm rủi ro trong hoạt động đầu tư sản xuất. Doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc lựa chọn khả năng cung ứng phù hợp với nội lực của mình. Về lâu dài, yếu tố này sẽ giúp tạo cơ sở nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp cải thiện năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm cũng như quy mô sản xuất. Trên cơ sở đó, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM phối hợp Hiệp hội Máy móc công nghiệp Hàn Quốc (KOAMI), Công ty COEX, Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (HAMEE) tổ chức Triển lãm Quốc tế máy móc thiết bị công nghiệp tại Việt Nam (VIMAF) và Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2018 (VSIF). Chương trình triển lãm diễn ra từ ngày 12 đến 14-12 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), số 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7. Hiện đã có 350 doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước khu vực châu Âu…, đăng ký tham gia với quy mô khoảng 500 gian hàng.
Đại diện Công ty Coex cho biết thêm, lĩnh vực trưng bày tại triển lãm tập trung giới thiệu sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm công nghiệp tiêu biểu TPHCM; sản phẩm chuyên ngành công nghiệp của các doanh nghiệp có năng lực cung ứng triển vọng của TPHCM; công nghiệp hỗ trợ ngành công nghệ cao, y tế, du lịch; máy và công cụ gia công kim loại; máy móc trong xây dựng và thiết bị nâng hạ trong nhà kho; phụ kiện vật liệu và thiết bị công nghiệp; thiết bị trong nhà máy và thiết bị điện. Đặc biệt, có khoảng 200 gian hàng trưng bày chi tiết linh kiện sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, tin tưởng thông qua hoạt động kết nối tại VIMAF & VSIF 2018 sẽ tạo điều kiện tiếp xúc quảng bá sản phẩm đến doanh nghiệp sản phẩm đầu cuối. Ngược lại, hỗ trợ doanh nghiệp đầu cuối tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, để có thể trở thành nhà cung ứng cấp cao của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, đòi hỏi doanh nghiệp nội cần phải đáp ứng yêu cầu cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm… theo chuẩn chung dành cho doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hỗ trợ toàn cầu. Mặt khác, những tiêu chuẩn này không phải do doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tự đánh giá, mà phải do chuyên gia của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối kiểm tra, đánh giá thực tế tại các nhà xưởng.