Nhiều cơ quan ngại góp ý dự thảo luật

Ngày 27-8, Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 diễn ra cuối năm nay.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết, chủ trì hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện các sở ngành, quận huyện. 

Mất tính khách quan

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, dự thảo lần thứ 4 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với 44 điều dự kiến sửa đổi so với luật hiện hành, là số lượng rất lớn.

Các nội dung sửa đổi tập trung vào việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo dự án luật; thẩm tra dự án luật; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án luật trước khi trình Quốc hội; việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật…

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhìn nhận thực trạng hiện nay là việc các cơ quan ngại góp ý dự thảo luật, pháp lệnh. Có nhiều nguyên nhân, trong đó các cơ quan đơn vị khi được lấy ý kiến có tâm lý nể nang, chỉ đưa ra những ý kiến ủng hộ chung chung mà không có sự nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng, chính xác. 

Đối với các cơ quan thẩm tra, việc “ngại” góp ý, nêu nhiều ý kiến phản biện, đề xuất khác với nội dung được trình, là do theo quy định của luật hiện hành thì cơ quan thẩm tra sẽ là cơ quan trực tiếp chủ trì tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sau khi Quốc hội thảo luận.

Do vậy nếu thẩm tra mà đưa ra càng nhiều vấn đề phản biện, đề xuất thì sau khi Quốc hội cho ý kiến, chính cơ quan thẩm tra lại phải tiếp thu, chỉnh lý. Từ vai trò phản biện, cơ quan thẩm tra lại chuyển sang vai trò tiếp thu chỉnh lý, khiến cho việc thực hiện cả hai nhiệm vụ này mất đi tính khách quan.

Nhiều cơ quan ngại góp ý dự thảo luật ảnh 1 Hội thảo do Đoàn đại biểu Quốc hội THCM tổ chức sáng 27-8. Ảnh: MAI HOA

Đây là điểm bất cập lớn, bởi trách nhiệm sẽ dồn lên cơ quan chủ trì thẩm tra, còn vai trò trách nhiệm của cơ quan trình, soạn thảo luật sẽ giảm đi.

Cụ thể, cơ quan trình dự án là người khởi tạo chính sách, am hiểu nhất về chính sách và đã có sự chuẩn bị cần thiết; nhưng sau khi Quốc hội cho ý kiến thì vai trò chủ trì nội dung tự nhiên mất đi, họ trở thành một người tham gia. Nhiều lãnh đạo cơ quan soạn thảo thậm chí còn “khoán trắng”, không tham gia việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.

Lần sửa đổi này, phương án đang được nhiều cơ quan ủng hộ là chuyển việc chủ trì nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho các cơ quan soạn thảo. Còn các cơ quan thẩm tra vẫn tham gia nhưng chỉ với trách nhiệm phối hợp. 

Nên quy định cụ thể trong luật?

Tại hội thảo, có đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ thêm, các đại biểu cũng gặp không ít băn khoăn khi thông qua các dự án luật. Trước hết là tài liệu được gửi tới quá trễ, đại biểu gần như không có thời gian nghiên cứu đối chiếu, tìm hiểu thêm các tài liệu nước ngoài; thậm chí không đủ thời gian nghiên cứu dự thảo mới so với các luật, bộ luật khác có chênh nhau, có mâu thuẫn hay không.

Trong khi đó, Ủy ban Pháp luật đánh giá do thời gian soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh rất ngắn nên thường phải chạy theo tiến độ, dẫn đến chất lượng soạn thảo hạn chế. Nhiều báo cáo đánh giá tác động còn cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn; ít giá trị tham khảo, thậm chí dự án còn có sự mâu thuẫn về nội dung giữa các tài liệu…

Một điểm mà hiện nay các đại biểu Quốc hội vẫn còn tranh luận khá nhiều là việc có nên quy định cụ thể các nội dung trong luật hay không.

Theo đại biểu Bạch Tuyết, khi thông qua thì một số điều luật được ghi là “Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều này”, vậy là khi biểu quyết, đại biểu không biết tới đây Chính phủ quy định chi tiết như thế nào, có đúng ý của đại biểu hay không. Do đó, bà Bạch Tuyết cùng nhiều đại biểu ủng hộ phương án: khi trình dự án luật thì phải có thêm dự thảo quy định chi tiết thi hành.

“Theo tôi, phải có các tài liệu này thì mới biết hướng giải quyết của Chính phủ như thế nào, có phù hợp hay không. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, luật nên quy định càng chi tiết cụ thể càng tốt, để khi được thông qua thì áp dụng được ngay, hạn chế chuyện nghị định, thông tư ban hành sau luật “chỏi” nhau, rất khó thực hiện”, bà Bạch Tuyết nói.

Xây dựng luật nên chừa dư địa cho các địa phương

Tại hội nghị, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng luật, pháp lệnh, thông tư… nên xem xét có những khoản riêng cho các vùng đô thị lớn, hoặc vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc ít người; xem xét có dư địa cho địa phương chủ động, linh hoạt trong một số trường hợp để phù hợp với tình hình địa phương.

Bà Phạm Phương Thảo dẫn chứng ở một đô thị lớn như TPHCM, có thể tự xem xét mức xử phạt vi phạm hành chính, mức trợ giúp các đối tượng xã hội sẽ phù hợp hơn. 

Tin cùng chuyên mục