Nhiều doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp công nghệ cao

Nếu như vài năm trước, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu được chú trọng khi xác định đây là hướng đi tiềm năng để tạo đà tăng trưởng cho nền nông nghiệp Việt Nam, thì từ đầu năm 2017 đến nay, không ít “ông lớn” đã lần lượt tung sản phẩm ra thị trường nội địa cũng như định hướng xuất khẩu.
 
Điều này khẳng định, sau thời gian dài không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn không ngại đổ vốn đầu tư; còn doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng ưu tiên chọn lĩnh vực tiềm năng này để khởi nghiệp.

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), nông nghiệp là lĩnh vực truyền thống, có tiềm năng và lợi thế nhất của Việt Nam. Đây là ngành duy nhất xuất siêu và giúp Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế và tham gia sâu rộng vào thị trường thương mại tự do. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam cũng như thế giới ngày càng quan tâm và có nhu cầu cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm đã mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp lớn có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm về thị trường... lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp. Đáng khích lệ là hầu hết những doanh nghiệp này đều đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; qua đó góp phần tổ chức và cơ cấu lại nền nông nghiệp nội địa theo hướng phát triển bền vững và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm hơn.

Đơn cử, chính thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2015, đến tháng 9-2017, Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phước, trực thuộc Tập đoàn Hòa Phát, đã chính thức có giấy chứng nhận VietGAP, chứng nhận cho sản phẩm thịt heo đủ điều kiện đưa ra thị trường tiêu thụ, đặc biệt tại thị trường TPHCM. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phước cũng tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác với các đối tác, đơn vị phân phối trong ngành, nhằm phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cho thị trường. 
Nhiều doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1 Trang trại chăn nuôi heo khép kín của Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phước
 Ông Trần Anh Trà, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phước, cho biết hiện đơn vị đã cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 con heo thịt; trong đó, heo thương phẩm đã đưa vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và chuỗi siêu thị mini. Công ty cũng đang tích cực tìm thêm nhà phân phối, chuẩn bị cho kế hoạch bán ra thị trường với sản lượng dự kiến 150.000 con heo vào năm 2021.
Tương tự, tích cực tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, còn có nhiều doanh nghiệp lớn khác như VinGroup, Hoàng Anh Gia Lai, Pan Pacific, Ô tô Trường Hải... đang từng bước mở rộng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Không dừng lại ở việc đầu tư, một số “ông lớn” còn chọn hướng liên kết, hợp tác với những doanh nghiệp có tiềm năng để tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai vừa thực hiện chiến lược đầu tư vào lĩnh vực cây ăn trái với kế hoạch doanh thu năm 2017 đạt 113 triệu USD, ký kết hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Để thu hút nhiều nguồn lực hơn nữa đầu tư phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy ngành này tăng trưởng, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Chi hội Thương mại giống cây trồng Đông Nam bộ, cho biết: “Về chính sách nông nghiệp công nghệ cao, TPHCM đã tạo điều kiện về lãi suất cho các doanh nghiệp, tùy theo dự án, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ 30% - 100% đối với lãi suất thương mại; còn lãi suất cơ bản doanh nghiệp phải chịu. Để tiếp cận các ưu đãi này, doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư trên địa bàn TPHCM. Nếu dự án có tiềm năng, khả thi thì thời gian phê duyệt sẽ được nhanh chóng hơn do rút ngắn khâu thẩm định”.   Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, có nhiều sự hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo dự thảo, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý môi trường... Còn doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được hỗ trợ khi dự án đáp ứng các điều kiện có doanh thu tối thiểu 500 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt và 1 tỷ đồng/ha/năm đối với nuôi trồng thủy hải sản (quy mô từ 3ha trở lên). Với các tiêu chí của dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ do Bộ NN - PTNT quy định.

Tin cùng chuyên mục