Đọc trong văn học đương đại Trung Quốc thấy xuất hiện rất nhiều chiếc “giường lò”. Giả Bình Ao tả những chiếc giường có cấu tạo rất gần với phát minh thời nguyên thủy. Nghĩa là đắp bằng đất để hở khoang trống dưới gầm dẫn ra bếp lò đốt củi lấy hơi nóng trong mùa đông. Ngạc nhiên thay, nó là những chiếc giường hiện đại chỉ cách đây chưa đầy dăm chục năm ở vùng Thiểm Bắc - Trung Quốc. Chiếc “giường lò” của Giả tiên sinh có thể nằm được chín, mười người. Và dĩ nhiên cũng với ngần ấy mộng.
Dấu vết duy nhất về chiếc giường đầu tiên của người Việt sau thời kỳ đồ đá mới có lẽ chỉ còn lại những hình đắp nổi trên trống đồng Đông Sơn. Cái giường lúc ấy mang hình hài như cái phản có chân mễ cao lênh khênh. Mọi sinh hoạt diễn ra trên giường cho thấy công dụng của nó không chỉ để nằm ngủ. Nó vừa là kho dự trữ thóc lúa, vừa là nơi tụ tập đình đám lễ hội, lại cũng là nơi nấu nướng và đặc biệt là nơi gióng lên những hồi trống đồng sơ sử oai hùng khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Có thể hình dung nó như cái sàn lớn trong những ngôi nhà miền núi bây giờ.
Một cái giường có rất nhiều chân. Không khó để suy ra khái niệm cái giường bốn chân chỉ hình thành khi chế độ mẫu hệ qua đi. Cuộc sống lứa đôi bắt đầu một chương mới cho lịch sử cái giường.
Mấy ngàn năm phong kiến, cái giường chỉ được nhắc đến trong sinh hoạt của vua chúa, quan lại. Người dân nằm chõng và ổ rơm. Cái chõng được dần dà cải tiến ngày càng đến gần khái niệm cái giường như mơ ước. Cũng đầu giường trang trí hoa văn ghép mộng tre, cũng thang, cũng giát. Cũng sào màn bằng trúc treo lên rui nhà.
Long sàng của vua chúa ngày xưa bằng gỗ chạm khắc sơn son thếp vàng cầu kỳ lộng lẫy. Giường của quan lại nhà giàu bằng gỗ quý khảm vỏ ốc khắp xung quanh. Tất cả đều được ghép hộp liền với bộ “cọc” màn thành khối lớn như cửa võng khám thờ trong đền chùa. Có thể di chuyển đến bất cứ vị trí nào trong phòng vẫn màn trướng đề huề. Thậm chí hành cung vua chúa mang theo chiếc long sàng có thể buông màn gấm giữa đường mà bắt cóc con gái nhà lành.
Dân thành phố gần trăm năm đô hộ của thực dân Pháp mới có khái niệm cái giường như bây giờ. Rất nhiều kiểu cách được sáng chế nhưng có thể quy về 2 hình dạng chính. Giường hộp và giường lộ chân. Đã có vài chục năm thời bao cấp xuất hiện khái niệm “giường mậu dịch”. Đó là thứ giường lộ chân đóng sẵn bán phân phối cho các cặp đôi mới cưới. Thỉnh thoảng cán bộ lâu năm cũng được phiếu mua giường.
Giường đóng bằng gỗ tạp đánh véc-ni vàng rộm. Giát giường để mộc không bào nằm trên những thang giường cong queo chỉ có duy nhất một mặt thẳng. Chiếc giường đơn giản nhưng cũng có nhiều yếu tố lãng mạn. Đầu giường lắp chấn song tròn hình rẻ quạt xoay quanh một nửa mặt trời như vừa nhú lên lúc rạng đông. Cuối giường là khung gỗ có nan dẹt lượn sóng song song trùng điệp thôi thúc. Nghệ thuật ứng dụng thiết kế đồ gỗ lúc ấy cũng mang tính nội dung cổ động sâu sắc. Không lạ khi con người lúc bấy giờ có chung nhau một niềm tin và hết lòng vì lý tưởng.
Giường mậu dịch trải chiếu mậu dịch. Có lúc in hoa và phần lớn để trơn. Trẻ con đái dầm thâm xịt cũng như hoa rồi. Người già, đêm đêm nghe tiếng giường chiếu các đôi vợ chồng con trẻ cọt kẹt mà lo lắng trong lòng. Nhà lại sắp thêm miệng ăn. Thanh niên mới cưới sáng dậy loay hoay cả giờ đồng hồ gấp giấy chèn vào những chỗ cập kênh giát giường cho tắt tiếng động. Cẩn thận thì thử lại.
Cán bộ đi công tác xa nằm giường mậu dịch ở nhà khách ủy ban nhân dân luôn phải mang theo một tấm ni-lông lớn. Đêm ngủ trải lên giường cho trùm xuống hai bên. Rệp cào lạo xạo bên dưới như chậu cua để gậm giường.
Giường mậu dịch mắc màn mậu dịch bằng vải xô. Thứ vải thông dụng rẻ tiền dùng cho rất nhiều việc. May màn, may đồ tang chế, làm vó bắt tôm và vài việc linh tinh khác. Màn mới cũng màu ngà vàng chưa tẩy trắng. Dân phố ít nhà dùng cọc màn bởi chỗ ở chật chội. Người ta căng dây thép lấy chỗ mắc màn. Thời ấy, Hà Nội còn nhiều ao hồ cống rãnh sông ngòi. Muỗi như trấu vãi. Nhà ven sông Kim Ngưu, Tô Lịch có khách đến chơi đôi khi phải mời lên giường mắc sẵn màn ngồi uống nước. Chủ nhà bảo “Bác cứ lên giường, em vừa thay bộ thang lim tha hồ chắc”.
Chè ba hào một gói rót ra chén nước đỏ quạch lẫn vụn bã. Hút thuốc lào phải thò đầu ra khỏi cửa màn mà châm đóm. Chuyện vẫn nổ như pháo. Chẳng hiểu sao ngày ấy rất lắm mộng mơ. Nhiều đêm mơ thấy mua về nhà cả một cây giò lụa. Lại mơ thấy được người thân ở nước ngoài gửi về cho một chiếc xe đạp Mifa gói trong cái chăn len kẻ sọc. Chăn ấy mà may thành lớp lót áo khoác thì thật tuyệt. Cười trong mơ rung cả giát giường.
Giờ thì cái giường không còn là vật quý hiếm nữa. Có thể mua ở bất cứ đâu. Thậm chí có thể mua qua mạng. Người ta sẽ mang đến tận nhà lắp ráp. Giường phổ thông cũng trải đệm mút dày cả gang tay. Chẳng cần chiếu và cũng hiếm nhà mắc màn. Giường quý giá 7 tỷ đồng của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy nay chỉ để chiêm ngưỡng như cổ vật.
Giường giá 6 tỷ đồng của đại gia Vũng Tàu chẳng hiểu sao đắt thế? Nhìn trên ảnh thấy không khác gì chiếc giường hộp mua 5 triệu đồng ở đường Đê La Thành - Hà Nội. Hộp giường ấy cũng có thể đựng được 5,995 tỷ đồng tiền mặt.
Giường nhiều, thế nhưng dân phố bây giờ rất ít mộng mơ. Không còn nhiều thứ phải mơ ước như xưa nữa. Trẻ con, người lớn có câu cửa miệng nhắc nhau hàng ngày “Đừng có mơ”. Có chăng bây giờ chỉ mơ gặp một giấc mơ lành. Mơ kiểu ấy cũng không cần đến hẳn một cái giường.
ĐỖ PHẤN