Hiếu kỳ

Một anh bạn người nước ngoài đang theo học khoa tiếng Việt tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM đặt câu hỏi với tôi: “Sao người Việt rảnh quá vậy, thấy chuyện gì họ cũng xúm vô xem? Họ có việc mới phải ra đường, vậy mà khi thấy chuyện lạ lại sẵn sàng gác công việc, xô đẩy, chen nhau để xem”.

Quả thực, mọi chuyện, từ cháy nhà, tai nạn giao thông, đánh nhau, đến việc phát hiện ra con vật, cái cây nào đó có vẻ không bình thường... đều thu hút sự quan tâm của mọi người, chen chúc nhau xem. Có nhiều người còn khăn gói đi hàng trăm cây số đến địa phương khác chỉ để xem những chuyện lạ. Ở Nghệ An có con bò đẻ ra con bê 7 chân, đó chỉ là trường hợp sinh dị tật thôi, vậy mà cũng khiến nhiều người xôn xao, ngày nào cũng có tới hàng mấy trăm người tìm tới để xem tận mắt. Ở Long An có khoảnh đất thường xảy ra cháy do khí metan, vậy mà cũng gây tò mò, ngày hay đêm vẫn có cả ngàn người tới xem, gây kẹt xe trầm trọng. Phiên tòa xét xử vụ án giết hại cả gia đình ở Bình Dương đã có hàng ngàn người ở nhiều tỉnh - thành đến tận nơi để xem, có người còn hớn hở cho biết cả nhà họ đã thuê xe đi hàng trăm cây số trong đêm để đến thấy tận mắt kẻ thủ ác.

Qua đó cho thấy rằng nhiều người từ thành thị đến nông thôn có tính hiếu kỳ đến mức kỳ cục. Họ quá tò mò vô bổ, muốn chứng kiến sự việc chỉ để có câu chuyện kể cho người khác nghe như một chiến tích. Vẫn biết, tính tò mò, hiếu kỳ thì người ở các nước văn minh cũng có, song với trình độ dân trí cao, thông tin luôn được công khai, minh bạch, nên họ chọn cách nắm bắt thông tin tiến bộ hơn, từ đó ý thức và hành xử có văn hóa hơn. Thói hiếu kỳ kéo lùi sự phát triển của xã hội, vì người ta sẵn sàng ngưng công việc, bất chấp phiền hà đến người khác để thỏa mãn sự tò mò vô bổ. Đây không phải là một thói quen khó bỏ, cái chính là ý thức của mỗi người, hãy luôn nhắc nhở bản thân điều gì quan trọng hơn, mình có ích gì nếu nán lại để coi, chưa kể có khi còn gặp hiểm họa.

THANH LY (quận 9, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục