Bữa ăn đậm đà tình nghĩa thầy trò

Bữa ăn đậm đà tình nghĩa thầy trò

Hơn 3 năm qua, mỗi lần đến kỳ ôn thi tốt nghiệp PTTH, thầy cô Trường THPT Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long lại trực tiếp đứng ra nấu ăn, phục vụ bữa trưa miễn phí cho hàng trăm học sinh nghèo. 

Nhà giáo “tiếp viên”

Chúng tôi đến Trường THPT Tam Bình, ngay lúc các thầy cô của trường vừa nấu xong bữa cơm trưa cho các em học sinh khối 12 ở lại học ôn ca chiều. Hiệu trưởng Huỳnh Thị Hồng Lạc, trán đẫm mồ hôi, tay vẫn nháy nháy xắt dưa leo vào đĩa; các thầy cô khác, người bới cơm, người múc canh, sắp xếp bàn ăn… nhìn chuyên nghiệp như một  “ê kíp” của nhà hàng.

Cô Lạc chuẩn bị bữa trưa cho học sinh.
Cô Lạc chuẩn bị bữa trưa cho học sinh.

Cô Lạc vui vẻ kể: “Trước đây, chỉ lo việc quản lý, điều hành mệt lắm, nhiều khi bị stress… Còn bây giờ, hết giờ làm việc, cô xuống nấu ăn cho học trò, những mệt mỏi, căng thẳng tan biến đâu hết”.

Để đảm bảo ngày nào cũng có cơm đúng giờ cho học trò, ban giám hiệu trường đã lập bảng để các thầy cô tự nguyện đăng ký tham gia nấu ăn; ai rảnh giờ nào xuống bếp phụ giờ đó. Tuy nhiên, một số khâu quan trọng được phân công khá rõ ràng.

Anh bảo vệ, ngủ tại trường nên hàng ngày phải thức dậy lúc 4 giờ 30 sáng vo gạo nấu cơm. Cô Trần Thị Trinh, cán bộ thư viện của trường, nấu ăn ngon được phong làm “bếp trưởng”. Các thầy cô khác người nhặt rau, xách nước, dọn bàn ăn, rửa chén…

Vừa phụ cô Minh múc canh ra tô, cô Huỳnh Thanh Trúc, giáo viên dạy Hóa học, nói: “Đêm phải soạn giáo án, ngày đi dạy, trưa phụ nấu ăn cho học sinh, sau đó mới về làm việc nhà cũng mệt lắm, nhưng mỗi khi nhìn học trò ngồi ăn ngon lành, no nê, lại quên hết”.

Hiện tại trường chưa có nước sạch, nên những thầy giáo trẻ, hàng ngày phải thay phiên nhau đi hơn 3km để chở nước sạch về nấu ăn cho các học trò. Thầy Mai Vĩnh Thuận, giáo viên dạy vật lý, thành viên tổ “xách nước, dọn bàn ăn” phát biểu vẻ tự hào: “Tôi rất vui khi được chăm lo cho các em. Chính từ những bữa ăn trưa thế này mà học trò và thầy cô gần gũi nhau hơn, thầy cô có dịp tìm hiểu nhiều hơn về hoàn cảnh học trò mình để giúp các em nhiều hơn”.

Nghĩa thầy trò

Theo cô Lạc, qua tìm hiểu, nhận thấy còn rất nhiều học sinh khó khăn. Năm học 2006 – 2007, Ban giám hiệu trường tổ chức buổi văn nghệ nhân ngày 26-3 để quyên góp sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Những ca sĩ phục vụ toàn là học sinh của trường, nhưng số tiền quyên góp được lên đến 30 triệu đồng.

Hàng trăm học sinh nghèo được phục vụ bữa ăn miễn phí - thực đơn có thể là cá biển sốt cà, rau tập tàng, dưa leo.

Hàng trăm học sinh nghèo được phục vụ bữa ăn miễn phí - thực đơn có thể là cá biển sốt cà, rau tập tàng, dưa leo.

“Cầm số tiền trên tay, cô mừng rơi nước mắt. Không ngờ ý tưởng của cô lại được ủng hộ nhiều vậy” - cô Lạc xúc động nhớ lại. Với  số tiền ấy trường đã cung cấp bữa ăn miễn phí cho gần 120 học sinh nghèo và phát 15 cuốn tập cho học sinh nghèo các khối 10, 11.

Năm học 2007 - 2008, vật giá leo thang ngay kỳ ôn thi, giáo viên trong trường còn tự nguyện đóng góp 5 triệu đồng để duy trì bữa ăn trưa cho các em. Đến mùa thi tốt nghiệp năm nay, trường đã quyên góp được 20 triệu đồng và 15,5 giạ gạo (1 giạ 30kg), con số học sinh được ăn cơm trưa miễn phí đã tăng lên 148 em.

Chuông hết giờ vừa reo, các em học sinh hồn nhiên xuống ăn cơm. Thức ăn, cơm, canh đã được dọn đầy đủ trên bàn. Các em tự sắp chỗ ngồi, mỗi bàn 6 em. Bữa ăn bắt đầu, tiếng đũa, muỗng lạch cạch, cười nói hồn nhiên xen lẫn những tiếng xuýt xoa “Cơm ngon quá cô ơi”.  Nhiều thầy cô kiêm “tiếp viên” đi từng bàn tiếp thêm đồ ăn, lâu lâu lại rao lớn: “Có em nào ăn cơm thêm không?”.

Còn cô Trinh “bếp trưởng” đi hết các bàn để hỏi: “Ngon không các em?”. Cô Lạc đứng đầu dãy bàn ăn nhìn học trò ăn, ánh mắt đầy hạnh phúc. Ngồi chung bàn với chúng tôi là em Võ Thị Thanh Thúy, học sinh lớp 12A1 vừa đoạt giải 3 Tin học trẻ toàn quốc năm 2008, nhưng hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn.

Thúy xúc động nói: “Những bữa ăn trưa ở trường thế này, không chỉ giúp chúng em no bụng để học tiếp buổi chiều, trên hết là sự quan tâm, chăm lo của thầy cô đối với chúng em. Mai mốt, dù có đi đâu, em sẽ nhớ mãi những bữa cơm này”.

Còn em Trần Thùy Đoạt, học sinh lớp 12A2, nhà cách trường 16km, cảm kích: “Trước đây chưa có bữa ăn của thầy cô, nếu ở lại học ca chiều phải tốn mỗi ngày 10.000 đồng. Nhà nghèo, nên em thường nhịn ăn trưa. Bây giờ được thầy cô nấu ăn cho, chúng em vô cùng cảm ơn và luôn tự hứa sẽ cố gắng hết sức để đỗ đạt, không phụ tấm lòng của thầy cô”. 

Nghe học trò nói đầy xúc động, cô Lạc cười hiền hậu rồi  nói: “Chúng tôi xác định bữa ăn này là cách giáo dục nhân cách cho học sinh, tạo môi trường thân thiện trong học đường, từ đó các em tự cảm thấy trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội. Tôi mong rằng, trong thời gian tới mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng”.

Được hỏi, từ đâu lại nảy ra ý tưởng nấu cơm trưa cho học sinh nghèo, cô Huỳnh Thị Hồng Lạc kể: Những năm trước, sau khi tan học buổi sáng, nhiều học sinh lớp 12 nhà xa, phải ở lại chờ học phụ đạo buổi chiều. Thấy các em ngồi trên băng đá trước cổng, cô hỏi “ăn cơm chưa?” các em trả lời “ăn rồi”,  nhưng thực ra là “ăn hồi sáng”. Một số em có cà men cơm đem theo thì chia cho các bạn khác cùng ăn dù chỉ có cơm trắng và vài miếng đậu xào…

Tìm hiểu cô mới biết hầu hết các em là con nhà nghèo, xa trường. Hình ảnh các em học sinh, chia nhau từng muỗng cơm trưa, làm cô Lạc trăn trở mãi. Năm học 2006 - 2007, cô Lạc bàn với Ban giám hiệu trường gom hết số tiền quỹ để lo bữa ăn trưa cho các em trong 6 tuần ôn thi. Kinh phí hạn hẹp nên chỉ có 34 em được ăn cơm miễn phí.

ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục