Thực ra thì tôi không phải là học trò của ông mà là đồng nghiệp, nhưng tuổi của ông và tôi cách nhau cả thế hệ, xưa các cụ vẫn gọi vậy là “bạn vong niên”. Cái dáng vẻ hiền lành, đạo mạo, nghiêm túc, nho nhã và vui vẻ của ông làm tôi nể phục ngay từ “vòng gửi xe” về làm thầy dạy ở trường đại học ấy.
Tác giả và thầy Nguyễn Phước Tương
Tôi không thể quên cái cảm giác đầu tiên khi tôi bước vào tìm chủ nhiệm khoa, tôi gặp ông đi ra khỏi phòng để chuẩn bị lên lớp. Đang bơ vơ thì ông hỏi tôi: Chào thầy, có phải thầy về khoa nhận công tác không? Tôi ngỡ ngàng vì lần đầu tiên trong đời tôi được gọi với cái danh từ “thầy” từ một con người có dáng hình đáng kính trọng như vậy. Rồi tôi được phân công về giảng dạy bộ môn “Nội chẩn đoán” với những tháng năm đầu là trợ giảng. Từ đó, tôi coi ông như người anh, người cha. Hơn nữa, ở cái môi trường mới mẻ này người ta cứ gọi nhau bằng “thầy”, bằng “cô” mà tự thấy mình cũng “người lớn” hơn một chút.
Lúc bấy giờ ông không phải là lãnh đạo của trường, cũng chẳng phải lãnh đạo của khoa, sau này tôi mới hiểu từ cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Phước Tương. Nghe đến Nguyễn Phước, Nguyễn Phúc mà lại nói giọng Huế, thì hiểu ngay là dòng dõi ở đâu rồi. Ông sinh ra, lớn lên, học hành ở Cố đô và tốt nghiệp thời Pháp ở Huế. Kháng chiến nổ ra, ông theo cách mạng lên chiến khu Việt Bắc, rồi tiếp quản và giảng dạy ở các trường đại học. Lúc tôi gặp ông thì trường vẫn ở nơi sơ tán vùng trung du Hà Bắc. Cuộc sống ở đây còn rất nhiều khó khăn nhưng những câu chuyện về ông làm chúng tôi “tâm phục, khẩu phục”.
Ông là người thầy có hàng mấy chục năm trong nghề giảng dạy, vậy mà người ta thấy trước giờ lên lớp, ngay trong căn phòng có mấy mét vuông của mình, ông “lên” quần áo chỉnh tề đứng trước cái bảng đen nhỏ treo bên vách, rồi ông đi đi lại lại, giảng cái bài mà ông sắp lên lớp với sinh viên. Trang phục lên lớp của ông lúc nào cũng quần đen áo trắng, ủi thẳng tắp. Tất cả những việc ấy tự ông làm lấy. Lúc bấy giờ chỉ những thầy “đi Tây” về mới có bàn ủi chứ chúng tôi và ông thì làm gì có. Một cái ca đựng nước của bộ đội, ông sang nhà ăn tập thể xin mấy hòn than còn đỏ bỏ vào đó là thành cái bàn ủi. Ông bảo rằng: Người thầy lúc đứng trên bục giảng phải thật chỉn chu, chỉn chu về bài giảng, chỉn chu về lời nói và chỉn chu về hình thức. Đó là mình tự coi trọng mình, có như vậy bài giảng mới có hồn, sinh viên mới trọng thầy, mới nghe thầy giảng.
Trong cuộc sống, ông chu đáo, nghiêm túc. Có một chuyện thế này: Đầu giờ sáng hôm ấy, trước tòa nhà Ban giám hiệu, thầy trưởng phòng đào tạo nhà trường thấy thầy Nguyễn Phước Tương đang ôm cặp đi về phía giảng đường, ông ta vội vã vừa chạy vừa gọi to: Tương ơi, Tương ơi, quay lại đây nhờ chút… Ông vẫn cứ đi, rồi ông trưởng phòng lại gọi: Phước Tương ơi… Thấy rằng đi cũng không ổn, thầy dừng bước quay lại, nhỏ nhẹ: Này, thưa thầy trưởng phòng, sao thầy gọi tôi to quá mà tôi tưởng thầy kêu ai… Giữa rất đông giáo viên, sinh viên mà sao thầy trưởng phòng kêu tên tục tôi vậy? Sao thầy không gọi tiếng “Thầy Phước Tương ơi” có dễ nghe hơn không? Mà tôi nói thầy trưởng phòng nghe nè, trong lý lịch giảng viên mà thầy quản lý thì tôi lớn hơn thầy trưởng phòng đào tạo một tháng tuổi đó nha! Rồi ông quay đi. Ông trưởng phòng đứng như trời trồng giữa sân. Thực ra hôm ấy ông trưởng phòng muốn thay đổi giờ dạy cho tuần tới, chuyện bất thành.
Còn nhiều chuyện nữa, nhưng nhớ đến ông là chúng tôi nghĩ đến câu nói của ông giáo sư - hiệu trưởng lúc bấy giờ: Đã là thầy giáo thì phải là khuôn vàng thước ngọc. Ông là vậy.
Đất nước thống nhất, ông không về quê cha dạy tại Đại học Huế mà ông về quê mẹ của ông ở thành phố Đà Nẵng, công tác trong cơ quan khoa học. Lâu lâu Đại học Huế chúng tôi lại mời ông thỉnh giảng hay nói chuyện khoa học. Tôi thì chuyển vào TPHCM. Vậy là chúng tôi xa nhau. Những năm sau đó chúng tôi vẫn thư từ qua lại, thi thoảng ra Đà Nẵng công tác hay giảng dạy tôi ghé thăm ông. Mấy năm nay ông già và yếu đi nhiều quá. Tôi có hỏi cô Thanh Toàn - vợ của ông, cô bảo: Thầy yếu vậy mà không chịu nghỉ ngơi, ngồi viết hoài. Đi lại phía chiếc bàn làm việc của ông, tôi hết sức bất ngờ vì trước mắt tôi không chỉ là những tài liệu, sách vở, bản thảo về chuyên môn mà ông giảng dạy, nghiên cứu bao nhiêu năm nay mà ông còn viết cả sang lĩnh vực khác như thơ ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, tự truyện…, như: Tiếng kêu cứu của trái đất (năm 1999), Xứ Quảng - đất và người (năm 2010), Hội An - Di sản thế giới (năm 2004), Phố cổ êm đềm (năm 2010), 100 năm Trường Quốc học Huế (năm 1996), Danh xưng xứ Quảng Nam (năm 2001), Linh mục Roland Jacques - nhà ngôn ngữ học Pháp và sự thật của sự phát minh chữ quốc ngữ (năm 2013)… và nhiều sách viết chung. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi dừng lại ở một chồng cao về những tài liệu đồ sộ viết về biển đảo Việt Nam bao gồm cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Những bài viết: Quần đảo Hoàng Sa, không thể chuyển nhượng chủ quyền của Việt Nam (bản thảo), Địa chí Hoàng Sa, Trường Sa (chờ giấy phép in), Thuật ngữ biển đảo Pháp Việt (bản thảo), Chủ quyền khẳng định của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa qua các thư tịch cổ Việt Nam (bản thảo)…
Tôi thực sự xúc động về tấm lòng của ông. Tôi lại thấy rất nhiều lá thư tài liệu của bạn bè trong nước và thế giới gửi cho ông nói về chuyên môn và biển đảo. Điều làm tôi vui là ông cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng và thư khen của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, thành phố Huế và các vị lãnh đạo cao cấp khác. Trong đó, tôi thấy có tấm bảng khá to và trịnh trọng: “Đại lão Hoàng Sa - Nguyễn Phước Tương” bằng cả tiếng Hán và tiếng Việt.
Tôi rời Đà Nẵng trong một chiều mưa. Mấy giờ liền ông tiếp vợ chồng tôi và một bác sĩ người Pháp, ông say sưa nói chuyện rất nhiều về những tác phẩm sắp tới mà quên đi rằng ông đang bị trọng bệnh. Tôi ái ngại khi nghĩ rằng cả cái khối tài liệu và bản thảo đồ sộ kia có thể nào hoàn thành nổi trước lúc ông từ biệt trần gian này? Những thứ đó đang vắt cho kiệt nốt cái sức lực còn lại của ông chăng?! Ông đang giành nhau với thời gian, bởi ông cũng đã gần “cửu thập” (U90) rồi, nói vậy nhưng chúng tôi cũng không ngờ rằng đó là lần gặp ông cuối cùng. Tạm biệt ông, tạm biệt căn nhà K3/10 Trần Quý Cáp, thành phố Đà Nẵng mà lòng chúng tôi vừa cảm phục, vừa thương ông vô hạn.
Rồi một chiều trời ảm đạm tháng hai âm lịch năm Ất Mùi (2015) ông đã “ra đi”. Dẫu biết rằng “sinh ký tử quy” là quy luật muôn đời của tạo hóa, nhưng tim chúng tôi đau thắt. Tôi đã khóc. Sự đau đớn, hụt hẫng như một lần nữa tôi lại mất đi một người bạn, đồng nghiệp, người thầy, người cha. Một nỗi buồn và hối tiếc khôn nguôi về những bản thảo dở dang kia của ông sẽ có ai viết tiếp, có ai xin giấy phép xuất bản cho ông đây?
HOÀNG THẠCH