Những đại sứ bóng đá

Xét về mức độ ảnh hưởng, sự kiện tiền đạo Lê Công Vinh sắp sang Bồ Đào Nha chơi bóng cũng không thua kém chuyện cựu ngôi sao Denilson của Brazil về đầu quân cho Xi măng Hải Phòng vài tháng trước. Cả hai sự kiện ấy đều được cho là gây sốc và tất nhiên đều có lợi cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, theo quan điểm riêng của nhiều người, việc Lê Công Vinh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên được sang thử sức ở một giải đấu tầm cỡ châu Âu là bước ngoặt đáng kể nhất trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá nước nhà. Và rõ ràng, chuyện Lê Công Vinh được đi “du học” ở Bồ Đào Nha cũng trở thành sự kiện nóng ở bóng đá “vùng trũng” Đông Nam Á, giống như khi người Thái Lan từng có vài cầu thủ chơi bóng ở nước Anh, vài cầu thủ Indonesia xuất hiện ở Italia vậy.

Lê Công Vinh không phải là trường hợp hi hữu của bóng đá Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu. Trước đây, tiền đạo Lê Huỳnh Đức từng có thời gian 4 tháng khoác áo CLB Lifan (Trung Quốc), hậu vệ Lương Trung Tuấn chơi bóng cho một CLB ở Thái Lan và nhiều lần các cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam như Nguyễn Việt Thắng, Phạm Văn Quyến… từng được các CLB Singapore, UAE đề nghị ký hợp đồng thi đấu.

Dù tiền đạo xứ Nghệ chỉ đầu quân trong thời gian ngắn 4 tháng cho CLB Leixoes (xếp hạng 6 giải VĐQG Bồ Đào Nha năm 2009) khi giải V-League tạm nghỉ từ tháng 9 đến tháng 12, nhưng đây được coi là cơ hội cho tiền đạo số 1 của đội tuyển Việt Nam thử sức mình ở một môi trường chuyên nghiệp thực sự. Bỏ qua những khó khăn phải đối mặt, Công Vinh sẽ học được vô khối điều từ các đồng nghiệp quốc tế, học cách trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp đúng nghĩa và những điều học được từ bóng đá “trời Tây” ấy sẽ đi cùng Vinh, cùng bóng đá Việt Nam mãi về sau này. Người làm bóng đá Việt Nam lại phải ghi công cho HLV Henrique Calisto - “đạo diễn chính” của thương vụ đưa Công Vinh đến với bóng đá Bồ Đào Nha.

Có nhiều ý kiến khác nhau bàn về chuyến xuất ngoại sắp tới của Lê Công Vinh. Vài người cho đó đơn thuần chỉ là một chuyến du đấu. Số khác lại cho rằng đấy chỉ là quãng “học việc” của tiền đạo này. Bàn thế nào cũng hợp lý, vì từ một nền bóng đá còn non kém như Việt Nam chuyển đến nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn hẳn như Bồ Đào Nha, rõ ràng Công Vinh phải chịu nhiều sức ép. Nhưng nếu nói như một vài ý kiến tiêu cực rằng việc Công Vinh ra nước ngoài thi đấu không cho thấy cầu thủ Việt Nam đang được các đội bóng ở châu Âu để mắt tới thì quá khắt khe và chủ quan.

Xét trên phương diện rộng hơn, chuyến “du học” ở châu Âu của Lê Công Vinh không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa quảng bá thương hiệu cho riêng CLB T&T Hà Nội, mà đấy là vấn đề khuếch trương thương hiệu của cả một nền bóng đá. Lê Công Vinh hiện là một trong những cầu thủ sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam đương đại, từng gây tiếng vang lớn ở Asian Cup 2007 (vào đến tứ kết), từng vô địch AFF Suzuki Cup 2008… Vì thế, sự xuất hiện của tiền đạo này ở Bồ Đào Nha hay ở bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới đã góp phần quảng bá tích cực cho thương hiệu bóng đá Việt Nam. Hay nói theo cách khác, cũng có thể xem Lê Công Vinh là “đại sứ bóng đá” không chính thức của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lê Quang

Tin cùng chuyên mục