Không ở đầu chiến tuyến chặn “giặc lửa” như nam đồng đội, phần việc của nữ CB-CS Cảnh sát PCCC TPHCM chủ yếu lui về phía sau, lặng lẽ hơn, âm thầm hơn. Ở vị trí công việc nào, tham mưu, tổng hợp, thẩm duyệt hay hậu cần…, mỗi “đóa hồng xanh” cũng đều tận tụy với công việc, phục vụ nhân dân.
Nữ CB - CS Cảnh sát PCCC TPHCM
Không “mua” được, bằng nhiều tiền
“Nguyên phần chi phí để thực hiện hệ thống tăng áp trong cầu thang thoát nạn, khoảng 100 triệu đồng, thay vì thi công, công ty sẽ chuyển cho chị. Mong chị bỏ qua thiếu sót đó…” - là lời “đặt giá” của một khách sạn ở quận 1 (TPHCM) vào năm 2008 với nữ cảnh sát PCCC Phạm Thy Bình. 7 năm qua, Đại úy Phạm Thy Bình, Phó Đội trưởng Đội Thẩm duyệt, Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC TPHCM, nhắc đến “lời đề nghị 100 triệu đồng” như một kỷ niệm với một thái độ kể chuyện nhẹ tựa lông hồng.
Đại úy Phạm Thy Bình kể, lúc đó, chị đi nghiệm thu một công trình khách sạn ở quận 1. Xem xét thực tế xong, chị Bình không đồng ý nghiệm thu vì nội dung là hệ thống tăng áp của lối thoát nạn chưa đạt yêu cầu. Sau khi ra về, doanh nghiệp liên tục gọi điện, nhắn tin, mong chị cho qua. Đổi lại, nguyên giá trị phần thi công hệ thống, thay vì là tiền thi công, doanh nghiệp sẽ chuyển luôn cho chị. Sau giây lát “choáng” vì lời đề nghị, chị trấn tĩnh, nói rành rọt với doanh nghiệp, nếu các anh cần hướng dẫn gì, còn thắc mắc gì về nội dung biên bản thì cứ lên Cảnh sát PCCC TPHCM, cấp trên của chị sẽ hướng dẫn thêm theo quy định pháp luật. Hoặc, nếu có khó khăn gì không làm được thì cũng trao đổi với Cảnh sát PCCC TP để có giải pháp tháo gỡ. “Còn các anh đưa 100 triệu đồng để tôi bỏ qua thì tôi không làm được” - chị cương quyết.
Sau lời từ chối, chị cũng phân tích rõ cho doanh nghiệp thấy, giả sử chị bỏ qua lần này, thì sau này, khi kiểm tra hàng năm, lỗi thiếu an toàn PCCC này cũng… lòi ra. Trách nhiệm trước hết là doanh nghiệp chịu. Và chị, người nghiệm thu cũng không thể vô can. Chị đề nghị doanh nghiệp nên bỏ thêm thời gian làm lại hồ sơ, bỏ thêm mấy ngày để thi công hệ thống cho an toàn sau này. Trước sự kiên quyết không nhận tiền và tận tình hướng dẫn của chị Bình, doanh nghiệp sau đó đã chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC.
“Lương lúc đó của mình có hơn 4 triệu đồng/tháng và đang ở nhà thuê, chuyện 1 lần nghiệm thu mà có 100 triệu đồng, chỉ nghe thôi mà đã… sợ” - chị Bình nhớ lại. Nhưng 100 triệu đồng không thắng được lương tâm và trách nhiệm trong chị. Chị tâm sự: “Mình chưa làm được gì cả. Thời gian công tác còn dài với bao lý tưởng, bao tâm huyết chưa thực hiện. Nếu mình cầm 100 triệu đồng, mình thú thật, cũng chẳng biết cầm tiền đó để làm gì. Mục đích làm việc và cuộc sống của mình không phải là tiền”.
Câu chuyện trên trở thành kỷ niệm với chị Bình và cũng là câu chuyện chị thường xuyên chia sẻ với mọi người trong đơn vị về kinh nghiệm xử lý tình huống “nhạy cảm”. Mạnh mẽ đặt mình ngoài các cuộc ngã giá, “mua - bán” tiêu cực, 8 năm công tác ở bộ phận thẩm duyệt - bộ phận được coi là “nhạy cảm” của Cảnh sát PCCC TPHCM, Đại úy Phạm Thy Bình luôn nhẹ người, thoải mái; chưa bao giờ có chuyện khuất tất phải giấu giếm.
Đóng góp tích cực cho đơn vị
Là thế hệ đi trước, Trung tá Lê Thị Kim Thoa, Đội trưởng Đội Tổng hợp, Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy đã có 28 năm gắn bó với PCCC, từ Phòng Cảnh sát PCCC (PC23) đến nay là Cảnh sát PCCC TPHCM. Chị tâm niệm “tận tụy với công việc” là bước khởi đầu của mọi thành công. Trong công tác, luôn có chương trình kế hoạch, chỉ tiêu rõ ràng hàng tuần, hàng tháng… Nhờ đó, chị luôn làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, báo cáo, giúp lãnh đạo các cấp nắm chắc tình hình công tác PCCC trên địa bàn TP, từ đó đề ra nhiều biện pháp, giải pháp kịp thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCC. Với nỗ lực của mình, Trung tá Lê Thị Kim Thoa đã nhận được nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND TPHCM, Cảnh sát PCCC TPHCM tặng bằng khen, giấy khen trong công tác.
Trung tá Lê Thị Kim Thoa, Đại úy Phạm Thy Bình là 2 trong số hơn 200 “bông hồng xanh” của Cảnh sát PCCC TPHCM luôn góp phần tích cực vào các mặt công tác của đơn vị. Theo đồng chí Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Cảnh sát PCCC TPHCM, nữ CB-CS luôn nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác, chấp hành kỷ luật nghiêm, phát huy tính năng động, sáng tạo, khẳng định vai trò, vị trí của mình trên từng lĩnh vực công tác. Ở bộ phận tham mưu, bằng trí tuệ và sự nhanh nhẹn, nữ CB-CS đã tham mưu đúng, tham mưu đủ, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PCCC. Chị em ở bộ phận tuyên truyền không quản mưa nắng, đêm ngày, thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng” để thu thập thông tin, phản ánh công tác chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ của lực lượng. Đặc biệt, vai trò của chị em phụ nữ ghi dấu ấn đậm nhất ở lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác, góp phần rút ngắn thời gian thẩm duyệt thiết kế từ 20 ngày theo quy định xuống còn 10 ngày, giúp giảm phiền hà cho người dân…
(*) Tên bài thơ “Những đóa hồng xanh” của đồng chí Phương Thanh - P9, Cảnh sát PCCC TPHCM.
Cảnh sát PCCC TPHCM họp mặt kỷ niệm các ngày truyền thống của Đảng, ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Ngày 12-10-2015, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát PCCC TP.HCM đã tổ chức Lễ họp mặt nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14-10); 85 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10); 85 năm ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy (18-10); 67 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng (16-10) và 85 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10). Tại buổi lễ, Đảng ủy - Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” cho 2 đồng chí; trao quyết định khen thưởng cho 5 tập thể và 6 cá nhân có nhiều đóng góp, đạt thành tích cao trong công tác xây dựng Đảng và phong trào Hội Phụ nữ. NGỌC PHƯỢNG - LÊ KHƯƠNG |
BẢO PHƯƠNG