
Đã lâu lắm rồi, từ khóa tốt nghiệp của các ca sĩ nay đã thành danh như Cao Minh, Tạ Minh Tâm, Tuấn Phong, Ánh Tuyết, Bích Hồng… Nhạc viện TPHCM mới có được những giọng ca cùng một thế hệ mà trong giới chuyên môn gọi là những “ngôi sao thầm lặng” của dòng nhạc hàn lâm, đó là Như Ngọc, Triệu Yên, Thanh Nga và Ngọc Tuyền. Họ là bốn cô gái trẻ với nhiều điểm nổi bật khác nhau: tuổi đời, cá tính, ngoại hình và chất giọng… thế nhưng, họ lại có chung một niềm đam mê là âm nhạc cổ điển và phong cách hát hàn lâm.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân thanh nhạc, đã có lúc, họ từng là một nhóm ca điêu luyện với việc kết hợp những sở trường riêng của mỗi người: Thanh Nga và Ngọc Tuyền thì mạnh về hát các tác phẩm nhạc kịch (opéra), Như Ngọc mượt mà với phong cách dân ca, Triệu Yên thích hát nhạc jazz. Trên sân khấu, họ luôn là “bộ tứ” nổi bật tham gia các chương trình của Nhạc viện TPHCM, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, kể cả những chương trình mang tính cộng đồng như “Duyên dáng Việt Nam”, “Giải Mai Vàng” và nhiều chương trình khác. Ngoài đời, họ gắn bó với nhau như chị em một nhà, luôn hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống.
Với họ, không có sự phân biệt giữa “solist” và “hợp xướng viên”, không quan tâm đến cát sê nhiều hay ít, chỉ có một hạnh phúc duy nhất là sau những khổ luyện của lao động nghệ thuật, được hát hết mình trước công chúng, lại càng không có khái niệm “sao hay vơ-đet”. Họ luôn ý thức và tâm niệm rằng: “Tìm được chỗ đứng trong dòng nhạc hàn lâm thật khó và giữ được phẩm chất ca sĩ của dòng nhạc này càng khó hơn!”. Một nét quý hiếm đáng trân trọng của các ca sĩ thuộc dòng nhạc hàn lâm - kinh viện này.

Từ trái sang: Triệu Yên, Thanh Nga, Ngọc Tuyền, Như Ngọc.
Vừa qua, Như Ngọc, Triệu Yên và Thanh Nga đã tốt nghiệp xuất sắc bậc cao học chuyên ngành biểu diễn thanh nhạc tại Nhạc viện TPHCM. Phần dự thi của họ (90 phút/người) không chỉ minh chứng cho sự tiến bộ rõ rệt về nghề qua những trích đoạn nhạc kịch có phần “phô diễn” kỹ thuật khó của thanh nhạc, người nghe còn bị chinh phục bởi chính cái hồn của người thể hiện mà nếu không thật sự nghiêm túc học hỏi, rèn luyện và phấn đấu, các ca sĩ khó có thể diễn đạt được qua giọng hát của mình.
Đặc biệt, những người có mặt trong khán phòng còn được chứng kiến bản lĩnh sân khấu của ca sĩ Triệu Yên khi cô xuất hiện trên sân khấu với cánh tay bó bột do bị tai nạn trước đó mấy ngày.
Sang năm 2010, thành viên cuối cùng của nhóm là ca sĩ Ngọc Tuyền (giải 3 trong “Cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch toàn quốc lần 9-2009”) cũng sẽ hoàn tất chương trình cao học của mình.
Với quá trình cống hiến của mình, bốn cô gái ấy hiện đang là giảng viên tại các trường nghệ thuật của TPHCM, những solist của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM và là giáo viên thỉnh giảng tại khoa Thanh nhạc của Nhạc viện TPHCM, xứng đáng với tên gọi “những giọng ca thế hệ vàng” của nhạc viện. Hy vọng các cô giáo trẻ ấy luôn là tấm gương về sự phấn đấu trong nghệ thuật cũng như họ sẽ truyền được “lửa” đam mê với nghề của mình cho các thế hệ sinh viên mai sau.
ĐAN VI