Theo thống kê, tính đến thời điểm này cả nước đã xảy ra 23 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Trong số đó, hậu quả từ vụ cháy tại quán karaoke số 68 quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã gây bàng hoàng dư luận cả nước.
Theo chân của các đoàn kiểm tra thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ giải trí đông người trên địa bàn TP suốt các tuần qua, đã để lại cho chúng tôi những trăn trở, băn khoăn về an toàn PCCC của loại hình này trên địa bàn TP sôi động nhất, nhì của cả nước.
Thượng tá Nguyễn Đức Vinh - PTP, Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy phát biểu tại buổi kiểm tra nhà hàng Đại Nam Hưng địa chỉ: số 319-321-323-325-327 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh
Loại hình kinh doanh biến tướng
Từ năm 2005 đến nay TPHCM tạm dừng việc cấp phép cho hoạt động kinh doanh karaoke. Chính vì vậy việc xin được một giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke là việc hết sức khó khăn… do đó các cơ sở hoạt động dưới vỏ bọc là ghi âm trên nền nhạc. Điển hình như tại quán Karaoke Suối Nhạc - địa chỉ 186 Tân Kỳ, Tân Quý, Phường Tân Tạo, quận Tân Phú và Công ty TNHH Y học cổ truyền Bảo Mỹ Nhung, số 249 Phan Anh - phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Giấy phép kinh doanh ghi rõ ngành nghề hoạt động là ghi âm và xuất bản âm nhạc, thế nhưng các cơ sở này lại đang kinh doanh karaoke. Điều đáng nói là dù kinh doanh trái với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng đến nay 2 cơ sở này vẫn đang ngang nhiên hoạt động cho đến khi bị kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ hoạt động.
Thiết kế công trình và lối thoát nạn không đảm bảo an toàn
Tại ngôi nhà 4 tầng của quán karaoke 379, địa chỉ số 13A đường Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, đoàn kiểm tra đã lập biên bản lỗi của đơn vị này khi tấm bảng Exit thì có trang bị nhưng lại không có hướng mũi tên chỉ lên hay xuống nên nếu có hỏa hoạn xảy ra thì “thượng đế” cũng không biết nên chạy đi đâu thoát thân.
Khách sạn 7 tầng vừa kinh doanh lưu trú vừa kinh doanh karaoke của chi nhánh Công ty TNHH Sen Hồ - Khách sạn Like thì chia nhỏ diện tích căn nhà thành 22 phòng phục vụ cho 2 loại hình dịch vụ: kinh doanh karaoke và cho thuê lưu trú vì vậy mà diện tích trung bình mỗi phòng vỏn vẹn chỉ từ 10 -12m2, với thiết kế một cửa chính vừa kiêm luôn cửa thoát nạn. Theo phân tích của đoàn kiểm tra, nếu không may có sự cố cháy nổ tại các tầng phía dưới, khói nhanh chóng bao trùm cầu thang bộ trong nhà, toàn bộ khách của 22 căn phòng cùng lúc đổ xô ra ngoài thoát nạn theo lối cầu thang chật hẹp thì chỉ riêng cảnh hỗn loạn, dẫm đạp lên nhau cũng đã làm thiệt hại đến tính mạng chứ chưa nói đến những yếu tố khác như ngạt khói hay chết do cháy.
Nguy hiểm hơn tại quán Karaoke Fyou II số 467 đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10 thì cơ sở này đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp, cơi nới nhà nhưng vẫn cho hoạt động, khách vẫn đang hát trong các phòng mặc cho bên ngoài thợ đang sửa chữa, hàn cắt kim loại diễn ra ầm ì.
Kiểm tra Khách sạn Sheraton Sài Gòn, địa chỉ 88 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1.
Vật liệu trang trí nội thất dễ bắt lửa
Trang trí phòng karaoke hiện đại, ấn tượng nhưng vật liệu trang trí nội thất dễ bắt lửa cũng là điểm yếu chết người của các cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay. Tại quán karaoke Vũ Trụ tại 391/2 - 395 - 399 đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10 tường làm bằng ván ép, lối ra ban công bị che chắn bịt bùng, bàn ghế toàn loại vật liệu thuộc nhóm dễ bắt lửa, sofa làm bằng mút bọc giả da, sàn nhà thảm trải nhung... Bị lập biên bản, ông Hoàng Đại Trí, Phó Ban quản lý quán karaoke Nnice nhìn nhận: Những trang thiết bị trang trí trong quán thuộc nhóm dễ bắt lửa như thế này là thiếu sót lớn của chúng tôi vì nó tiềm ẩn, có thể gây cháy nếu không làm tốt công tác phòng cháy. Chúng tôi sẽ nhanh chóng khắc phục nguy cơ này trong thời gian sớm nhất.
Khi chủ bỏ mặc
Đáng báo động nhất là tại nhà hàng Đại Nam Hưng địa chỉ: số 319-321-323-325-327 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh. Công trình có quy mô: 01 khối nhà hàng bao gồm 09 sảnh tiệc, 01 khối nhà karaoke bố trí 51 phòng, tổng diện tích sàn xây dựng của công trình là 4.986m2. Thế nhưng thời điểm đoàn đến kiểm tra thì đại diện chủ cơ sở là bà Huỳnh Đặng Ngọc Hân - Giám đốc không xuất trình được bất kỳ một loại giấy tờ nào chứng minh công trình đã được thẩm duyệt về PCCC, được cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke và giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự nhưng cơ sở vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh từ 2002 đến nay!
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Thanh Hoàng, chủ quán karaoke Ngôi Sao, quận Bình Thạnh cho rằng, khách hàng khi có nhu cầu đến vui chơi, giải trí tại những nơi tập trung đông người đặc biệt là tại quán karaoke thì nên tạo cho mình thói quen quan sát, tìm kiếm lối thoát nạn để chủ động nếu không may có sự cố cháy nổ xảy ra, bên cạnh đó nên tìm hiểu thông tin về những cơ sở có diện tích rộng, hành lang thoát nạn có bảng chỉ dẫn, có trang bị đầy đủ phương tiện PCCC, được nghiệm thu và thẩm duyệt về PCCC để lựa chọn điểm đến.
Báo động an toàn điện
Trong tổng số 1.422 cơ sở vui chơi giải trí tập trung đông người trên địa bàn TP thì loại hình karaoke chiếm 379 cơ sở. Trong tổng số 347 lỗi vi phạm bị các đoàn kiểm tra lập biên bản và xử lý thì mất an toàn về điện chiếm đến 27 lỗi (11,59%). Điển hình như tại quán karaoke E3 - số 768 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10. Tại đây, các bảng điện tại quầy tiếp tân được lắp đặt trên các vật liệu dễ cháy và không đảm bảo khoảng cách an toàn. Ổ cắm điện, CB máy bơm không được gắn cố định trên bảng điện, đoàn đã tiến hành lập biên bản và xử phạt 5.000.000 đồng đối với hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC.
Bên cạnh đó, đặc điểm chung của các phòng karaoke là đường dây điện được đi chìm trong các vách tường, nên việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng không được tổ chức định kỳ, thường, xuyên. Trong khi đó, phần lớn những quán karaoke thường thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán karaoke, nên đường dây điện thường được lắp đặt chắp vá, các đấu nối không chắc chắn, gọn gàng, không đảm bảo về chịu tải tiêu thụ của các thiết bị điện chính vì vậy nguyên nhân xảy ra cháy do chập điện của các cơ sở này là rất cao.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Đức Vinh, Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy nhấn mạnh: Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở vẫn còn một số thiếu sót cần chấn chỉnh như: phòng hát ốp các vật liệu dễ cháy; lối thoát hiểm cửa mở không đúng theo hướng thoát nạn; hệ thống chữa cháy và thông báo cháy lắp đặt ngoài phòng; vật tư hàng hóa bố trí sắp xếp không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; lắp đặt sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện, thiết bị đóng ngắt bảo vệ, thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC. Đặc biệt một vài cơ sở kinh doanh chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, Đoàn đã tạm đình chỉ hoạt động và yêu cầu cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện để khắc phục ngay và chỉ được hoạt động trở lại khi đáp ứng đủ các điều kiện về PCCC, công trình được nghiệm thu, thẩm duyệt về PCCC.
Phương Thanh