Nhờ có chiếc radio mà lão nông Hai Đằng biết tin Bác Hồ mất. Cái ngày thu ấy với ông là không thể nào quên, bởi cũng như hàng triệu trái tim khác, ông cũng mong một lần được đón Bác vào Nam. Thế là, suốt 42 năm qua, mỗi năm cứ đến ngày thu đầu tháng 9, gia đình ông đều đặn làm mâm cơm dâng cúng Bác.
Kỷ vật thiêng liêng
Về đến thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, hỏi nhà ông Cao Văn Đằng (còn gọi là ông Hai Đằng) ai cũng biết, bởi gia đình ông đã có đến 2 đời cúng giỗ Bác Hồ. Những năm khói lửa, tuy ở trong lòng địch nhưng ông Hai Đằng vì quá mê tin tức, đã dành dụm tiền cuốc khoai mướn, rồi bán thêm một tạ heo và bầy gà vịt để mua bằng được chiếc radio với giá 7.200 đồng. Ông thường nghe đài Hà Nội, đài Giải phóng để biết tin tức cả nước và cũng qua đó, ông biết rõ hơn về Bác Hồ.
Đêm 3-9-1969, ông ôm radio mà lòng đau nghẹn khi nghe tin Bác Hồ đã mất… Mãi từ đó cho đến sau này, năm nào ông cũng cúng giỗ Bác Hồ ngay trên nắp trảng xê nhà mình. Mâm cơm cúng giỗ Bác của ông là tấm lòng thành, khi con cá, lúc dĩa khoai, bất chấp nguy hiểm. Năm 1972, năm cúng giỗ lần thứ 3 của Bác, khi ông vừa bưng dĩa khoai luộc cùng tấm ảnh Bác lên nắp trảng xê, bất ngờ bị đạn địch bắn làm bị thương cánh tay. Bọn địch nghi ngờ và bắt ông tra hỏi cúng giỗ ai, ông nói chắc nịch: “Cúng giỗ ông nội tui”…
Giờ đây, ông Hai đã mất nhưng tình yêu Bác thiêng liêng đã truyền sang hai cô con gái của ông- là người thay ông cúng giỗ Bác mỗi năm. Đã thành thông lệ, nhiều năm gần đây, năm nào các cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh và người dân địa phương cũng đến nhà ông Hai Đằng cùng giỗ Bác.
Ngày ông Hai còn sống, dù Bảo tàng tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần ngỏ ý mang chiếc radio và cái gàu tát nước (được làm từ vỏ bom xăng) mà ngày xưa ông bắt cá làm giỗ cho Bác về trưng bày nhưng ông Hai không đồng ý. Nhưng sau đó qua nhiều lần gặp gỡ tiếp xúc với cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, gia đình ông Hai đã đồng ý trao tặng những kỷ vật này.
Chị Nguyễn Thị Việt Hồng, Trưởng phòng Sưu tầm- Kiểm kê- Bảo quản Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, chia sẻ: “Ngoài chiếc radio, gàu tát nước, gia đình còn giữ được tấm ảnh Bác mà ông Hai thờ cúng từ mấy chục năm qua và cuốn di chúc của Bác từ năm 1969. Chúng tôi rất cảm động và sẽ cố gắng bảo quản, phát huy giá trị hiện vật để không phụ lòng tin yêu của gia đình”.
Chủ động tìm hiện vật
“Không thụ động trông chờ các đơn vị, cá nhân trao tặng hiện vật, 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012, bảo tàng chủ trương đẩy mạnh công tác sưu tầm và chủ động tìm hiện vật” - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM Nguyễn Thị Hoa Xinh cho hay. Bà cũng phấn khởi cho biết thêm, ngay đợt ra quân đầu tiên, bảo tàng đã “bội thu” với nhiều hiện vật quý, có giá trị.
Ngoài những hiện vật quý mà bảo tàng vừa tiếp nhận từ gia đình ông Hai Đằng, mới đây Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM cũng nhận được một số hiện vật và hình ảnh rất giá trị của ông Nguyễn Văn Lâm, đại tá, sĩ quan Cục Tình báo, người từng được vinh dự giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ khi Người đến thăm Bộ Tư lệnh Đặc công nhân ngày thành lập vào năm 1967; những hình ảnh lúc ông được tham gia phái đoàn 4 bên thực hiện việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Đó là những hình ảnh rất giá trị từ thiếu tướng Cao Long Hỷ, khi ông tham gia lực lượng Đồng tử quân năm 1948 và được tặng thưởng cho thành tích xuất sắc với 2 tấm ảnh: Bác Hồ với em thiếu nhi và ảnh quốc kỳ tung bay trong gió, kèm chữ ký tặng của Trung tướng Nguyễn Bình. Đó còn là tư liệu hình ảnh, sách viết về Bác Hồ do ông Nguyễn Ngọc Truyện (60 năm tuổi Đảng, từng 1 lần được gặp Bác) ở phường Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang sưu tầm, tổng hợp…
Từ đầu năm 2011 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đã tiếp nhận trên 160 hình ảnh tư liệu và hiện vật liên quan đến Bác. “Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm của tập thể cán bộ bảo tàng, giúp bảo tàng bảo quản và phát huy ngày càng tốt hơn giá trị các hiện vật liên quan đến vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc” - bà Hoa Xinh cho biết.
MINH AN