Những năm Canh Tý gắn liền với lịch sử dân tộc

Người Lạc Việt phải chịu nhiều sự áp bức, bất công, nhất là dưới thời Thái thú Tô Định. Do đó, hai vị nữ anh hùng của Lạc Việt là Trưng Trắc và em là Trưng Nhị đã nổi lên chống lại nhà Hán, giết Tô Định, đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc. 

Năm Canh Tý 40  (thế kỷ thứ I sau Công nguyên)

Trưng Trắc khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Nước Nam Việt của Triệu Đà gồm lãnh thổ của Triệu Đà và lãnh thổ Thục Phán (An Dương Vương) bị Triệu Đà lấn chiếm trong đó có hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt gọi chung là nước Âu Lạc. Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt. Sau khi nhà Triệu mất ngôi, nhà Hán đổi tên nước Nam Việt thành Giao Chỉ bộ và được chia thành quận, huyện đặt dưới quyền cai trị của quan lại nhà Hán. Người Lạc Việt phải chịu nhiều sự áp bức, bất công, nhất là dưới thời Thái thú Tô Định. Do đó, hai vị nữ anh hùng của Lạc Việt là Trưng Trắc và em là Trưng Nhị đã nổi lên chống lại nhà Hán, giết Tô Định, đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc. Hai Bà Trưng đã nổi lên ở quận Giao Chỉ, dân thiểu số các nơi hưởng ứng cùng nổi lên đánh phá quân Hán, chiếm được trên 60 thành (thành ở đây được hiểu như là những thôn, làng, ấp chiến đấu hay những công sự chiến đấu do người Hán dựng lên). Trưng Trắc xưng vương, danh là Trưng Nữ Vương, dựng nền độc lập, đóng đô ở Mê Linh. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã chấm dứt thời kỳ Phương Bắc đô hộ lần thứ nhất.


Năm Canh Tý 1300

Trần Hưng Đạo mất. Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10-12-1228 (Mậu Tý), con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu (anh vua Trần Thái Tông, tức Trần Cảnh). Ông là danh tướng nhà Trần có công đánh thắng quân Mông Cổ, là tác giả sách “Binh pháp yếu lược” (sách dạy về nghệ thuật quân sự) và bài “Hịch tướng sĩ” để cổ vũ chiến sĩ hăng say chiến đấu chống quân Nguyên Mông xâm lăng lần 2, 3. Ông mất ngày 20-8-1300, được truy tặng tước Thái sư Thượng phụ Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. 


Năm Canh Tý 1540 

Vào năm 1530, Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh. Tháng Giêng năm Canh Tý, Mạc Đăng Doanh qua đời, người em là Mạc Phúc Hải lên nối ngôi. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), cựu thần nhà Lê chạy qua báo cáo tình hình với nhà Minh và xin nhà Minh đem quân hỏi tội nhà Mạc. Tháng 11 năm Canh Tý 1540, tướng nhà Minh là Mao Bá Ôn mang quân đến biên giới nước ta. Mạc Đăng Dung tự trói mình đến cửa ải xin hàng và đem đất 5 động dâng cho nhà Minh. Từ mùa Xuân năm Quý Tỵ 1533, Nguyễn Kim con Nguyễn Hoàng Dụ đã lập người con cháu nhà Lê là Lê Duy Ninh lên làm vua, lúc đó đang ở đất Sầm Nứa vùng biên giới Lào - Việt và kêu gọi dân chúng ủng hộ nhà Lê chống nhà Mạc. Nguyễn Kim sai sứ sang nhà Minh xin thừa nhận con cháu nhà Lê. Tháng 11 năm Canh Tý, Nguyễn Kim đi thị sát trong vùng đất của mình chiếm đóng ở Nghệ An.

Năm Canh Tý 1600

Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hóa. Sau khi giết được vua Mạc Mậu Hợp, Trịnh Tùng đem vua Lê trở về Thăng Long nhưng các nơi ở miền Bắc vẫn còn dư đảng nhà Mạc hoạt động. Nguyễn Hoàng mang quân ra Bắc giúp, ý của Trịnh Tùng muốn giữ ông lại không cho trở về Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng phải mượn cớ mang quân đi đánh dẹp bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê... ở vùng biển Đại An (Nam Định), đưa hết tướng sĩ, binh thuyền thẳng ra biển về lại Thuận Hóa để lại hoàng tử thứ năm là Nguyễn Phúc Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin. Trịnh Tùng nghe tin Nguyễn Hoàng mang quân đi nghĩ rằng sẽ vào chiếm Thanh Hóa nên rước vua Lê về Thanh Hóa. Chẳng bao lâu sau, thấy tình hình yên ổn nên rước vua trở về Thăng Long. Những người ủng hộ nhà Mạc tôn Mạc Kính Cung (con Mạc Kính Điển là chú của Mạc Mậu Hợp) lên làm vua, trở lại Thăng Long. Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa, tháng 11, gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con Trịnh Tùng) kết làm thông gia và cho sứ ra nộp thuế cống cho vua Lê như cũ và từ đó, ở hẳn Thuận Hóa không ra Thăng Long nữa. Trịnh Tùng phải đối phó với dư đảng nhà Mạc nên không dám mang quân chinh phạt họ Nguyễn ở Thuận Hóa.

Năm Canh Tý 1660 

Hai hổ tướng của quân nhà Nguyễn là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật từng mang quân chiếm giữ 7 huyện phía Nam sông Lam là đất của nhà Trịnh. Tháng 8, Trịnh Căn cho quân qua sông đánh nhau với quân của Nguyễn Hữu Dật ở Lãng Khê nhưng quân Trịnh bị thua. Tháng 9, quân của Nguyễn Hữu Tiến đánh chiếm phía Nam sông Lam, đến tháng 11 tự ý dẫn quân về giữ Nhật Lệ. Riêng Nguyễn Hữu Dật đóng quân ở Đông Cao phòng giữ mặt Bắc. Tuy nhiên sau đó ít lâu, hai hổ tướng này bất hòa với nhau, bèn cho rút quân, bỏ lại vùng đất 7 huyện phía Nam sông Lam do quân nhà Nguyễn trước đây chiếm giữ quay trở lại thuộc nhà Trịnh như cũ. Cùng năm này, Quận công Dương Trì Trạch và Phạm Công Trứ dâng sớ lên Chúa Trịnh Tạc kiến nghị các biện pháp thưởng phạt nghiêm minh và bài trừ nạn tham nhũng.

Năm Canh Tý 1780 

Quân Tam Phủ nổi loạn ở Thăng Long. Tháng 9, Trịnh Sâm bỏ con trưởng là Khải (tên cũ là Tông, con người vợ chính) và lập con thứ là Cán (con của Đặng Thị Huệ, vợ thứ). Phe Đặng Thị Huệ được Hoàng Đình Bảo ủng hộ. Trịnh Khải bị tố cáo âm mưu đảo chính Trịnh Sâm nên bị mất quyền nối ngôi (Thế tử) và bị giam... Sau khi Trịnh Sâm chết, phe ủng hộ Trịnh Khải lợi dụng lính Tam Phủ, giết chết Hoàng Đình Bảo, lật đổ Trịnh Cán...

Tháng Giêng: Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vương tại Gia Định (thường gọi là Nguyễn Vương) dùng ấn “Đại Việt quốc, Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” (ấn này do chúa Nguyễn Phúc Chu làm ra để truyền cho con cháu nối nghiệp chúa). Tháng 3, bà nguyên phi (hoàng hậu) họ Tống sinh ra Hoàng tử Cảnh (tức Anh Duệ hoàng thái tử).

Năm Canh Tý 1840 

Vua Tự Đức sai sứ qua nhà Thanh: Phan Huy Vịnh (chánh sứ), phái đoàn gồm có Lưu Lượng, Vũ Văn Tuấn, Phạm Chi Hương, Nguyễn Hữu Huyến, Nguyễn Du nhằm để tạ ơn nhà Thanh năm trước đã cho sứ qua phong vương tại Kinh thành Huế. 

Tháng 6, Vua Tự Đức lại cử Bùi Ân Niên đi sứ sang nhà Thanh cống hàng năm. Lúc đó, đất Nam kỳ đã bị người Pháp chiếm nhưng vua vẫn hy vọng nhà Thanh giúp can thiệp với Pháp để giữ được Bắc Kỳ. Sự thực nhà Thanh lúc bấy giờ đã suy yếu, phải chống đỡ với các nước Tây phương luôn gây sự nên chẳng giúp gì cho nước ta. Theo hòa ước đã ký với Pháp trước đây, Pháp đem tàu thủy, súng, thuốc súng, đạn dược đến tặng cho vua Tự Đức. Vua truyền cho lính tập bắn thử, có cả người Pháp đến Thuận An huấn luyện cách sử dụng.

Năm Canh Tý 1900 

Tổ chức khoa thi Hương năm Canh Tý. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Bá Hạp đều thi đỗ Giải nguyên và cử nhân. Về sau các chí sĩ này đều dấn thân vào con đường tranh đấu, khởi xướng phong trào Duy Tân.

Năm Canh Tý 1960 

Ngày 1-1, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp mới. Ngày 6-1, Bác đứng ra phát động Tết trồng cây với hai câu thơ để đời: Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Ngày 5-9, khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 3. Ở miền Nam, ngày 17-1, phong trào Đồng Khởi nổ ra ở Bến Tre, sau đó lan ra các tỉnh, làm tan rã một phần chính quyền Mỹ - Ngụy. Ngày 20-12, thành lập Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục