Những người bà con xa

Những người bà con xa

1. Hầu như mọi đứa trẻ đều có vài ba người bà con xa.

Trẻ con xứ Quảng, nhất là trẻ con thôn quê, bà con xa càng lắm. Đất đai eo hẹp, thời tiết khắc nghiệt, nhiều người chấp nhận rời lũy tre làng tha phương lập nghiệp. Gần tự nhiên mà thành xa!

Hồi còn nhỏ, khi ngước cổ xem những tấm ảnh ố vàng đóng khung treo trên vách, tôi thường níu tay mẹ tôi: “Người đứng kế ông ngoại là ai hả mẹ?”. Mẹ tôi đáp bằng giọng mơ màng: “Dì Sáu đó con. Dì theo dượng “đi đồn điền” ở Ban Mê Thuột hồi mới lấy chồng. Bây giờ gia đình dì ở Sài Gòn”. Tôi tò mò hỏi tiếp: “Thế người đứng kế dì Sáu?”. “Đó là cậu Bốn. Cậu Bốn vô trong Nam từ hồi con chưa đẻ, giờ cậu đang ở Sa Đéc”.

Xem hình bên nội, tôi lại thắc mắc với ba tôi: “Người ngồi cạnh ba là ai vậy ba?”. “Chú Năm mi đó. Chú Năm đang làm y sĩ ở Huế”.

Những người bà con phương xa đó, có người tôi còn nhớ mang máng, tức là trước đây, hồi hai, ba tuổi, có lẽ tôi đã từng nhìn thấy họ. Cũng có những người tôi chưa từng gặp qua bao giờ. Có thể lúc gặp họ (biết đâu có người từng ẵm tôi trên tay hay đưa nôi ru tôi ngủ), tôi còn quá nhỏ để ghi khắc mọi thứ vào trong ký ức. Cũng có thể khi họ khăn khói rời làng tôi vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Vì vậy, cho đến khi gặp lại những người bà con xa đó, tôi chỉ biết tôi có một cậu Bốn, một dì Sáu, một chú Năm, đơn giản như tôi biết trên đời này có một thành phố tên là Paris.

Những người bà con xa ảnh 1

2. Khi tôi lớn hơn chút nữa, những người bà con xa đó về thăm quê. Ba mẹ tôi kêu tôi ra chào. Tôi khoanh tay lí nhí “chào chú”, “chào dì” hay “chào cậu” tùy theo cách giới thiệu của ba mẹ và ngượng ngập khi họ vui vẻ vuốt tóc tôi: “Ôi, thằng này mau lớn ghê! Hồi tôi đi, nó chỉ bằng hạt bắp”. Tôi biết tôi chưa bao giờ bé bằng hạt bắp, ngay cả khi tôi vừa lọt lòng, nhưng họ cứ nói thế và ba mẹ tôi không ai phản đối, chỉ tủm tỉm cười. Có người hỏi: “Học lớp mấy rồi con?”. Có người tinh nghịch trêu: “Thằng ni lớn tồng ngồng, chắc có vợ rồi hả?”.

Bà con xa về quê thường không ở lâu. Họ ở chơi vài ngày, chủ yếu trò chuyện với người lớn, kể chuyện nay và ôn chuyện xưa. Lúc họ cười, tôi thấy nước mắt họ ứa ra, điều đó khiến tôi ngạc nhiên vô kể. Bọn con nít chúng tôi sau màn chào hỏi, tiếp tục chạy ra sân chơi đánh bi, chơi nhảy lò cò, hồn nhiên vô tư lự.

Tất nhiên cũng không vô tư hẳn: từ lúc đó chúng tôi chỉ chơi bằng một con mắt. Con mắt kia chốc chốc liếc trộm vào nhà, chờ ba mẹ kêu vô nhận quà.

Những người bà con xa về thăm quê bao giờ cũng mang theo quà. Thông thường là thức ăn - những đặc sản nơi họ sinh sống.
Cậu Bốn lần nào về cũng đem theo bánh phồng tôm.

Chú Năm về dĩ nhiên trong túi xách không thể thiếu kẹo mè xửng.

Dì Sáu thì chở theo xe đò cả giỏ măng cụt, chôm chôm, sầu riêng.

Những thứ quà đó, bọn trẻ chúng tôi lần đầu tiên được ăn chính là từ những người bà con tha hương. Và như lẽ tự nhiên, món nào đối với chúng tôi cũng ngon, cũng lạ lẫm, được tôi tấm tắc liệt vào hạng “ngon nhất trên đời”.

3. Từ những lần gặp gỡ đó, tôi luôn mong ngóng những người bà con xa. Tôi chưa đủ lớn để cảm nhận được hết tình cảm thân thích ruột rà, nhất là với những người bà con vài năm mới gặp một lần, nhưng những món quà xứ lạ vẫn khiến tôi nhớ mãi hương vị kỳ diệu của chúng và giúp trí óc non nớt của tôi biết rằng tôi đang có một người cậu sống ở nơi đó, một người dì sống ở nơi kia, một người chú sống ở nơi nọ. Và tôi sung sướng biết mình có rất nhiều bà con, dù họ không sống ở gần tôi như những người khác.

Một cách tự nhiên, nhờ những người bà con xa và những món quà họ mang về, tôi biết mè xửng là thứ kẹo đặc biệt của xứ Huế, bánh phồng tôm là thứ bánh nổi tiếng của Sa Đéc và ở miền Nam có những thứ trái cây vô cùng tuyệt diệu tên là sầu riêng, măng cụt, chôm chôm.

Sau này, nhờ một người dì lấy chồng ở Quảng Ngãi, tôi biết thêm kẹo gương, đường phổi, mạch nha. Tôi cũng có dịp biết đến món kẹo dừa độc đáo khi tới lượt dượng út tôi bỏ xứ vào Bến Tre chặt mía, trồng dừa và nuôi tôm...

4
. Biết thế thôi, chẳng để làm gì. Những thức ăn ngon, dù chỉ ăn qua một lần, bao giờ cũng khắc sâu trong tâm khảm những đứa trẻ quê nghèo. Nào ngờ tới một ngày thầy giáo khen tôi học giỏi môn địa lý khiến tôi sướng rêm người. Đó là hôm thầy hỏi về các sản vật nổi tiếng của từng vùng miền, tôi bất ngờ trở thành một trong hai đứa có thể kể khá rành mạch những món ngon của mỗi địa phương, dù những nơi đó tôi chưa một lần đặt chân tới.

Trong lớp chỉ có con Lan lùn kể được nhiều hơn tôi. Không phải con Lan lùn giỏi giang gì, chẳng qua do nó... có nhiều bà con xa hơn tôi. Nhưng cũng vì thành tích này của tôi và nó mà tụi bạn trong lớp cao hứng “cặp đôi” hai đứa tôi với nhau. Gặp hai đứa tôi ở bất cứ đâu là tụi nó ngoác miệng đồng thanh: “Bà già lấy le ông già/Chiều chiều dắt ra bờ sông...” khiến một thời gian dài tôi và con Lan lùn không dám nhìn mặt nhau, cả khi ngồi trong lớp lẫn trên đường về.

Bây giờ, khi tôi nhớ lại chuyện này và bâng khuâng bày chúng ra trên giấy, con Lan lùn ngây thơ bé bỏng ngày xưa chắc đã lên chức bà ngoại, còn tôi từ lâu đã trở thành... một người bà con xa của mấy đứa cháu tôi ở Đo Đo, Trà Long, Quán Gò, Cẩm Lũ...

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục